Thích ứng trước thách thức biến đổi khí hậu
- Cập nhật: Thứ hai, 16/3/2020 | 9:30:22 Sáng
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp tới Việt Nam. Cụ thể, khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu những áp lực nặng nề khác nhau. Trong khi đó, tác động tiêu cực của con người cũng khiến tình hình thêm phức tạp.
Hạn mặn, sạt lở đã và đang đe dọa nghiêm trọng đồng bằng sông Cửu Long. Ở đồng bằng sông Hồng, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiều hình thái thời tiết cực đoan cũng đã và đang xảy ra trái với quy luật. Trong đó tác động của con người với hoạt động khai thác cát trên sông một cách dữ dội là một nguyên nhân khiến dòng sông bị thay đổi, gây tác hại cho sản xuất nông nghiệp… Theo TS Hoàng Văn Thắng- nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, chúng ta cần có một chiến lược để thích ứng, để giải quyết vấn đề trước thách thức của biến đổi khí hậu.
PV: Thưa ông, người ta hay nói đồng bằng sông Cửu Long ốm thì cả nước yếu và thời điểm này xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức độ gay gắt và khốc liệt. Tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?
Ông Hoàng Văn Thắng: ĐBSCL có vị trí rất quan trọng với nước ta, tính hệ thống của nó rất lớn, nhất là các tỉnh trong vùng đồng bằng đều chung nguồn nước của sông Mê Kông. Và nó cũng đang chịu thách thức lớn vì người ta nói đây là một trong 5 đồng bằng lớn có nguy cơ nhất trên thế giới. Vùng đồng bằng có những đặc điểm: rất thấp, diện tích đất có cao độ dưới 1 mét chiếm gần 70% do quá trình hình thành địa chất rất yếu. Vậy nên mọi sự thay đổi nguồn nước đều có tác động rất lớn đến vùng đồng bằng. Mà đây lại là trung tâm nông nghiệp lớn của nước ta, cung cấp phần lớn lượng gạo xuất khẩu, lượng thuỷ sản nuôi và trái cây với 18 triệu dân sinh sống.
Thách thức của vùng rất lớn mà phải nói là rất khó, trong đó có các vấn đề như lún đất trong bối cảnh nước biển dâng. Xâm nhập mặn ngày càng sâu, hoặc cơ sở hạ tầng bị ngập, thời gian ngập ngày càng tăng. Đây là những vấn đề rất khó để giải quyết vì chi phí tốn kém, bờ sông, biển sạt lở và rất khó có xu thế đảo ngược. Bởi những giải pháp phụ thuộc vào những giải pháp phát triển thượng nguồn, là cái mà chúng ta không thể chủ động được. Cho nên chúng ta cần có một chiến lược để thích ứng, để giải quyết vấn đề trước thách thức của biến đổi khí hậu. Chúng ta phải chuyển đổi mô hình phát triển để thích ứng, và phải đưa ra giải pháp phù hợp.
Cụ thể: Như về vấn đề kinh tế, vừa qua tác động đến nông nghiệp, hạ tầng giao thông như các đường ở Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre bị vỡ, lún đất, nhà cửa ven sông sạt lở, … tất cả đều liên quan đến nguồn nước, nó làm cho vùng đồng bằng luôn luôn đứng trước thách thức mới, luôn luôn phải tìm cách ứng phó. Đòi hỏi một giải pháp tổng thể, đồng bộ, không thể riêng từng khu vực có thể giải quyết được. Với bối cảnh đó cơ quan truyền thông cần có những giải pháp để truyền tải thông tin đến mọi người dân để có thể nắm được những nguyên tắc để ứng phó, để cùng chung tay giải quyết cho vùng đồng bằng.
PV: Để các cấp chính quyền và người dân ứng phó với tình trạng hạn hán đang diễn ra ngày một trầm trọng hơn ở ĐBSCL, ông có đề xuất giải pháp cụ thể gì?
- Về giải pháp, thời gian qua rõ ràng chúng ta đã có những giải pháp tầm vĩ mô ở mức độ toàn cầu, như là các giải pháp để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, hay chúng ta phát triển rừng, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng… Tuy nhiên, khi phát triển thuỷ điện thượng nguồn phải có những giải pháp rất kỹ lưỡng về kỹ thuật để giảm những tác động bất lợi cho hạ nguồn. Ví dụ về an toàn sinh học có thể làm đường cá đi, nhưng những giải pháp chúng ta thấy như vấn đề về cát, phải làm sao để cát đỡ lắng đọng trong lòng hồ, đây là giải pháp khó. Đặc biệt, khi đã xây dựng thuỷ điện thì phải hợp tác trong quá trình vận hành để làm sao giảm thiểu tác động, khi mà các nước ở thượng nguồn phát triển phải chú ý nhu cầu sử dụng nước của hạ du, có những biện pháp vận hành hợp lý. Đó là một số giải pháp bên ngoài.
Phía bên trong, với Việt Nam, chúng ta phải quản lý chặt chẽ việc khai thác cát. Nói chung phải rất hạn chế việc khai thác cát, vì cát đã bị giữ lại rất nhiều ở thượng nguồn rồi. Chúng ta phải bố trí lại dân cư để tránh việc sinh sống ở quá sát sông, kênh rạch lớn mà hiện tượng sạt lở xảy ra gây rủi ro thiên tai.
Nhưng đặc biệt chúng ta phải tiến hành các giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, về lâu dài, phải chuyển đổi mô hình sinh kế để thích ứng. Ví dụ như những vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn thì chuyển sang sinh kế nước mặn, nước lợ phát triển thuỷ sản và cây trồng, chăn nuôi thích hợp với vùng mặn lợ. Quy tắc đầu tiên mang tính lâu dài là phải chuyển đổi sinh kế để thích ứng với tình hình mới. Thứ hai phải có giải pháp nâng cao năng lực dự báo để chúng ta chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Năm 2020 là năm làm giải pháp thành công, như việc ta đã dự báo tốt hạn khá dài. Vì ngay từ tháng 9/2019, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị để ứng phó với tình hình hạn hán năm 2020. Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam đã làm tốt nhiệm vụ dự báo, từ đó chúng ta đã tham mưu để chỉ đạo sản xuất, tức là năm nay đã đẩy sản xuất lên sớm hơn trước 15 ngày, né tránh được thời gian hạn, diện tích thiệt hại chỉ là 7%.
Và thứ hai là có giải pháp công trình thích hợp, cụ thể việc tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép nhằm tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh, khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao, đặc biệt tại các cống thuộc hệ thống thủy lợi Bảo Định (Tiền Giang), Nam Măng Thít (Trà Vinh, Vĩnh Long); hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp; Cống Âu thuyền Ninh Quới... Các giải pháp chuyển từ hệ thống cống tự động sang cống cưỡng bức để chủ động lấy nước,một số giải pháp bơm, rồi người nông dân cũng chủ động các biện pháp bằng đắp đập tạm, chứa nước ở trong các kênh rạch, sử dụng nước tiết kiệm… Đó là những giải pháp công trình phù hợp.
PV: Trước những thách thức mà ĐBSCL đang phải gánh chịu, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển đồng bằng bền vững phải tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên. Đặc biệt phải xem "thuận thiên” là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, hạn, mặn…Quan điểm riêng của ông về vấn đề này như thế nào?
- Có nhiều ý kiến phản biện cho rằng là phải thuận thiên, nhưng thuận thiên không có nghĩa là chúng ta không triển khai giải pháp công trình gì, ở những vùng thường xuyên có nước ngọt, thi thoảng có những đợt hạn mặn trong năm chúng ta phải cân nhắc giải pháp công trình, và nên hiểu giải pháp công trình để phòng chống thiên tai. Chúng ta phải hiểu đúng vấn đề, chứ không nên hiểu các giải pháp cống, giải pháp công trình là các giải pháp phi thuận thiên. Thực ra đó là các giải pháp rất phù hợp với việc phòng chống thiên tai. Ví dụ một năm có 1-2 tháng mặn vào quá sâu phải đóng cống lại, nếu không vùng ngọt sẽ bị nhiễm mặn, hoặc là có những vùng 5-7 năm xâm nhập mặn mới xuất hiện một lần thì các cống này cũng phải vận hành… Ngoài ra chúng ta có rất nhiều giải pháp, như tăng cường vấn đề cơ sở dữ liệu, tăng cường thông tin, truyền thông và tăng cường sự đổi mới sáng tạo để mọi người dân có thể chủ động đưa ra các giải pháp thích ứng phù hợp cho mình, tạo ra một xã hội luôn luôn chủ động trong phòng chống thiên tai để thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo tôi, đó là những giải pháp để giải quyết vấn đề của ĐBSCL hiện nay.
PV: Ở một diễn biến khác, với đồng bằng sông Hồng, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiều hình thái thời tiết cực đoan và đang xảy ra trái với quy luật. Bên cạnh đó, tác động của con người là hoạt động khai thác cát trên sông một cách dữ dội là một nguyên nhân khiến dòng sông bị thay đổi, gây tác hại cho sản xuất nông nghiệp… Cùng với đó, những hồ chứa thủy điện rất lớn ở vùng đầu nguồn là nơi trữ phù sa khiến vùng hạ lưu chỉ còn là những dòng "nước đói”…Theo ông, đâu là giải pháp then chốt để bảo vệ lưu vực đồng bằng sông Hồng ?
- Với đồng bằng sông Hồng, chúng ta đã hình thành nên các giải pháp ứng phó với thiên tai, đặc biệt là ứng phó với lũ từ bao đời nay rồi, hệ thống đê điều của chúng ta ngày càng tốt lên. Bên cạnh đó các hồ chứa lớn trên lưu vực nằm trong lãnh thổ Việt Nam có dung tích khá lớn như hồ Hoà Bình, hồ Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu…và chúng ta chủ động được trong phòng lũ, cộng với các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay trong dự báo, tôi thấy khả năng ứng phó với lũ ở trong vùng đồng bằng sông Hồng ngày càng tốt. Ở đây hệ thống bơm lớn, kênh tiêu đã được hình thành, nâng cao năng lực phòng chống lũ cho vùng đồng bằng.
Tuy nhiên, những năm gần đây lưu vực sông Hồng xuất hiện một số vấn đề như ở miền núi lũ quét, sạt lở đất diễn ra khá nghiêm trọng và liên tục nhiều năm. Có thể nói trong 10 năm trở lại đây lũ quét và sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng, úng ngập ở vùng đồng bằng cũng xảy ra ở một số năm do rất nhiều nguyên nhân như mưa cực đoan. Có năm hệ thống điện đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Ở đồng bằng sông Hồng còn có một vấn đề hết sức lớn, đó là mực nước sông hạ xuống, dẫn tới việc một loạt hệ thống lấy nước của chúng ta không làm việc được. Ví dụ các trạm bơm, hệ thống cống, hệ thống sông lấy nước, như hệ thống Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy không lấy được nước vào thời gian bình thường trong năm do đáy sông hạn thấp, mực nước hạ thấp, đó là vấn đề rất lớn đối với Đồng bằng sông Hồng.
Tôi cho rằng chúng ta cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học để nhận dạng nó trong những bối cảnh mới. Nâng cao năng lực dự báo để từ đó vận hành các hệ thống hồ, đập lớn để xả và trữ lũ. Vấn đề thứ hai, về lưu vực chúng ta phải tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, đặc biệt là bảo vệ lớp phủ của rừng để nó tiếp tục nâng cao năng lực trữ nước, làm giảm lũ, nhưng tăng lượng nước trong mùa khô, tức là giảm hạn hán. Và chúng ta phải tìm giải pháp để lấy được nước khi mực nước hạ thấp.
Vấn đề đặc biệt quan trọng là phải quản lý rất tốt khu vực đồng bằng sông Hồng, nhất là vấn đề khai thác cát, hy vọng quá trình hạ thấp đáy sông sẽ dừng lại, thậm chí có thể phục hồi lại một phần nào.
PV: Mặc dù biết khai thác cát gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống sông ngòi Việt Nam, nhưng hoạt động này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Vậy ông có thể đưa ra những khuyến cáo gì?
- Thiếu hụt nguồn cát là vấn đề rất nghiêm trọng của tất cả các hệ thống sông ngòi Việt Nam. Lý do là đa số đa số trên các lưu vực sông chúng ta đã phát triển đã hồ chứa, cả hồ chứa thuỷ lợi lẫn hồ chứa thuỷ điện. Và các hồ chứa này lưu trữ một lượng cát rất lớn. Các con sông bên ngoài biên giới Việt Nam người ta cũng phát triển hồ chứa, đặc biệt là Mê kông, như vậy lượng phù sa bùn cát về hạ du giảm rất mạnh.
Theo nghiên cứu của Hội Mê Kông quốc tế, cho tới nay lượng phù sa bùn cát về ĐBSCL đã giảm tới gần 70%, họ dự báo nếu kịch bản không tốt thì có thể giảm trên 90%. Đặc biệt với đồng bằng sông Hồng, các hồ chứa cũng rất lớn, cho nên phù sa bùn cát còn rất ít. Và với lượng phù sa bùn cát không về sẽ gây ra vấn đề lớn: một là hạ thấp đáy các con sông, hạ thấp mực nước sông và tác hại của nó là gây sạt lở bờ sông, làm các hệ thống tưới nước không hoạt động được, như là các trạm bơm. Khu vực cửa sông ven biển sạt lở sẽ tăng, và đặc biệt là ở vùng ĐBSCL.
Vậy nên, quan điểm của tôi là phải quan trắc rất tốt vấn đề diễn biến của phù sa bùn cát. Nhưng có lẽ tác hại cũng đã thấy rõ, vì thế phải giảm rất mạnh việc khai thác cát, phải có những biện pháp mạnh mẽ để chuyển việc sử dụng cát tự nhiên sang các giải pháp khác. Hạn chế sử dụng cát tự nhiên để san lấp, đây là vấn đề cần thiết và cấp bách, cần phải cảnh báo một cách mạnh mẽ. Nếu không vấn đề suy thoái của các con sông sẽ tiếp tục diễn ra, chúng ta sẽ phải chi phí rất tốn kém để ứng phó.
Trân trọng cảm ơn ông!
Với Việt Nam, chúng ta phải quản lý chặt chẽ việc khai thác cát. Nói chung phải rất hạn chế việc khai thác cát, vì cát đã bị giữ lại rất nhiều ở thượng nguồn rồi. Chúng ta phải bố trí lại dân cư để tránh việc sinh sống ở quá sát sông, kênh rạch lớn mà hiện tượng sạt lở xảy ra gây rủi ro thiên tai. Với lượng phù sa bùn cát không về sẽ gây ra vấn đề lớn: một là hạ thấp đáy các con sông, hạ thấp mực nước sông và tác hại của nó là gây sạt lở bờ sông, làm các hệ thống tưới nước không hoạt động được, như là các trạm bơm. Khu vực cửa sông ven biển sạt lở sẽ tăng, và đặc biệt là ở vùng ĐBSCL. |
Năm 2020 là năm chúng ta làm giải pháp thành công, như việc đã dự báo tốt hạn khá dài. Vì ngay từ tháng 9/2019, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị để ứng phó với tình hình hạn hán năm 2020. Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam đã làm tốt nhiệm vụ dự báo, từ đó chúng ta đã tham mưu để chỉ đạo sản xuất, tức là năm nay đã đẩy sản xuất lên sớm hơn trước 15 ngày, né tránh được thời gian hạn. Như vậy đã có một chỉ số rất quan trọng là năm nay diện tích thiệt hại chỉ là 7%. |
Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) là một hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành được thành lập năm 2004. Hội là thành viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, với nhiều hoạt động tích cực, tổ chức và động viên hội viên và các chuyên gia giỏi góp phần thực hiện những chương trình lớn của Nhà nước về thủy lợi, thủy điện, tài nguyên nước, phòng tránh thiên tai, bảo vệ và cải thiện môi trường nước, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế… với rất nhiều thành tựu nổi bật. |
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...