Sống chung với hạn, mặn: Cần một quy hoạch nguồn nước cho ĐBSCL

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/3/2020 | 1:49:35 Chiều

Giữa mùa hạn, mặn khốc liệt nhất, cần tìm ra giải pháp giữ nước ngọt cho ĐBSCL.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung. Ảnh: HĐ.

Trong khi hạn mặn theo các cửa sông xâm nhập sâu vào nội đồng, địa bàn tỉnh Bến Tre nước mặn bủa vây, len lỏi khắp các con sông. PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Dragon), ĐH Cần Thơ đã trao đổi với Báo NNVN về một số giải pháp ứng phó mùa hạn mặn.

Trước biến đổi khác thường, cực đoan bởi thời tiết, hạn mặn năm 2020 đã vượt mức giới hạn lịch sử hàng trăm năm qua. Ông có nhận định gì về hiện tại và chiều hướng tiếp diễn của mùa hạn mặn năm nay?

Gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy tần suất những năm hạn cực đoan gia tăng. Có hai lý do chính của hiện tượng này. Thứ nhất, là do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) làm mùa khô dài ra, còn mùa mưa ngắn lại với lượng mưa tập trung trên cả lưu vực sông Mekong.

Trong mùa mưa, lượng mưa tập trung tạo thành dòng chảy lớn trên lưu vực ngày càng ít rừng hơn, làm lượng nước thoát xuống nhanh, nên đỉnh lũ sẽ dâng cao hơn nhưng thời gian lũ lại ngắn hơn. Do đó, cùng với việc mùa khô đến sớm, lượng nước thượng nguồn về cũng ít khiến xâm nhập mặn cũng vô sớm hơn bình thường.

Lý do thứ hai, là việc các nước thượng nguồn đã và đang tích nước nhiều hơn vào cuối mùa mưa, nên nước không thể vào được hồ Tonle Sap của Campuchia. Đây là nguồn nước chính của ĐBSCL trong mùa khô, nên lượng nước về đồng  bằng càng ít hơn bình thường làm cho xâm nhập mặn trầm trọng hơn.

Chính những lý do trên cho thấy, ĐBSCL trong tương lai sẽ tiếp tục chịu 2 áp lực, đó là ở những năm mưa tập trung và mưa nhiều thì sẽ có nguy cơ ngập lũ cao hơn, còn những năm mưa ít, lũ kết thúc sớm như năm nay, thì sẽ bị khô hạn và xâm nhập mặn nặng nề.

Hệ thống kênh nội đồng đang cạn kiệt nước ngọt. Ảnh: BVT.
Hệ thống kênh nội đồng đang cạn kiệt nước ngọt. Ảnh: BVT.
Nước ngọt đang thật sự quý giá. Làm thế nào và bằng cách nào giữ, trữ nước ngọt, thưa ông?

ĐBSCL có các nguồn nước chính, gồm nước ngọt thì có nước sông Mekong, nước mưa tại chỗ, dưới nước ngọt là nước mặn lợ và nước thải.

Trong điều khiện khan hiếm nguồn nước, chúng ta cần sử dụng một cách hiệu quả các nguồn nước này. Chúng ta cần thay đổi quan điểm là chỉ nước ngọt mới là tài nguyên. Nước mặn lợ và ngay cả nước thải, miễn làm ra được sản phẩm và an toàn cũng nên được xem xét sử dụng.

Về nguồn nước ngọt, thực ra xét về tổng lượng thì nước sông và nước mưa của vùng ĐBSCL rất dồi dào, nhưng vì lượng nước này lại vào đồng bằng trong một thời đoạn ngắn và dư thừa nên chúng ta phải tìm mọi cách để thoát hết ra biển.

Do đó, với tình hình hiện nay, chúng ta cần phải có chiến lược để tích trữ nguồn nước này, nhất là vào gần cuối mùa lũ, khi mà mực nước lũ đã giảm nhưng chất lượng nước tốt nhất để có thể dùng vào mùa khô.

Ở các khu vực trữ nước cho sản xuất đó có thể kết hợp nuôi trồng thủy sản, thủy canh và du lịch sinh thái. Đối với sản xuất nông nghiệp, nên ưu tiên các mô hình canh tác tiết kiệm nước, giảm vụ lúa vào mùa khô, chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng sử dụng ít nước hơn.

Nước mưa là nguồn nước có chất lượng cao hơn nước sông rất nhiều nên ưu tiên trữ dùng cho sinh hoạt, đã có các nghiên cứu cho thấy nếu có cách thu, lưu trữ và xử lý đúng kỹ thuật thì chất lượng nước rất tốt, với giá thành thấp.

Nguồn nước ngầm có chất lượng cao nhất, tuy nhiên khả năng hồi phục rất thấp cũng như nếu khai thác quá mức sẽ làm đất bị lún sụt, nên cần phải hạn chế tối đa nguồn nước này. Chỉ dùng nước ngầm cho cấp nước sinh hoạt trong điều kiện bất khả kháng, khi không có các nguồn nước khác.

Về xâm nhập mặn, nếu xét chi tiết sẽ thấy rằng ở một số vùng vẫn có thể duy trì một vụ lúa mùa mưa, còn mùa khô, mặn xâm nhập thì có thể nuôi trồng thủy sản nước lợ hay mặn. Không nhất thiết phải nâng cao đê ngăn mặn, xây dựng thêm cống để làm nhiều vụ lúa.

Các chi phí này nên được đầu tư cho hạ tầng giao thông, kho trữ lạnh, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm. Nông nghiệp công nghệ cao với khả năng điều khiển môi trường đất và nước có thể là giải pháp cho các khu vực bị xâm nhập mặn. Các hệ thống sẽ giúp sử dụng nước tuần hoàn nên ít chịp áp lực nguồn nước bên ngoài hơn.

Mặt khác, một lưu ý quan trọng trong việc trữ nước, đó là kiểm soát nghiêm ngặt nguồn thải vào ao, hồ, và kênh trữ nước. Do đó, Nhà nước cần có chế tài mạnh hơn ở các khu vực xung quanh các ao, hồ, kênh trữ nước.

Đặc biệt, nên hạn chế các nguồn phát thải ô nhiễm không khí vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước mưa. Nên có cơ chế khuyến khích sản xuất tuần hoàn, giảm thiểu phát thải rác và nước thải, hay tái sử dụng nước thải sẽ làm giảm tác động của các hoạt động sản xuất liên quan đến nguồn nước.

Giữa mùa hạn mặn lịch sử ở vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HĐ.
Giữa mùa hạn mặn lịch sử ở vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HĐ.
Nếu tận dụng nguồn nước ngọt với trữ lượng lớn từ mùa mưa, lũ để tích nước thì đâu là biện pháp khả thi có thể áp dụng và sớm được triển khai ngay? Về lâu dài, giải pháp căn cơ ứng phó với hạn mặn cho gần 20 triệu cư dân ĐBSCL là gì, thưa ông?

Đối với sản xuất, một mặt chuyển đổi và áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước, một mặt đa dạng hóa việc sử dụng các nguồn nước như tôi đã nêu ở trên.

Đối với các nhà máy cấp nước sinh hoạt, trước mắt cần có nghiên cứu đánh giá các khu vực trũng, các kênh mương, ao hồ có tiềm năng trữ nước, từ đó tính toán được phần trăm mà nguồn này có thể đáp ứng được trong thời gian xâm nhậm mặn căng thẳng, qua đó có các phương án khai thác nguồn nước phù hợp theo các khung thời gian khác nhau.

Ví dụ, tùy theo vị trí của nhà máy, xem xét thời gian nào trong năm sử dụng nguồn nước sông, thời gian nào sử dụng nước trong các khu trữ, và thời gian nào bắt buộc phải dùng nước ngầm.

Đối với các khu trữ nước phục vụ cấp nước sinh hoạt, cần đặc biệt lưu ý các nguồn thải xung quanh cũng như biện pháp hạn chế nguồn thải ô nhiễm vào khu vực trữ. Ở vùng nông thôn, nơi hệ thống cấp nước sạch còn hạn chế, thì khuyến khích người dân trữ nước sông để tưới tiêu và sử dụng nước mưa để sinh hoạt, hạn chế khai thác nước ngầm.

Về lâu dài, cần có một quy hoạch chiến lược về nguồn nước cho ĐBSCL trên quan điểm cân bằng tối ưu giữa nguồn nước và sử dụng nước. Trong đó, cần tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nước (mặn, ngọt) và bảo vệ nguồn nước ngầm. Chọn lựa ngay các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế nhưng có hiệu suất sử dụng nước cao hơn lúa.

Việc xây dựng mạng lưới cấp nguồn nước ngọt từ thượng nguồn xuống các tỉnh ven biển cũng là một giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, phải tính kỹ giá thành cũng như các rủi ro trong quá trình vận hành hệ thống. Song song đó cần quy hoạch dài hạn hệ thống hồ trữ nước phân tán ở các địa phương, đặc biệt là vùng ven biển và Bán đảo Cà Mau, nơi rất xa nguồn nước sông.

Thời gian qua, chúng ta thường giải quyết bài toán ngập lũ và hạn mặn riêng lẻ. Nghĩa là chúng ta có giải pháp kiểm soát ngập riêng với giải pháp kiểm soát mặn. Theo tôi, trong thời gian tới cần có tiếp cận mới, trong đó tận dụng được nguồn nước mặt rất dồi dào trong khoảng thời gian giao thoa giữa mùa mưa và mùa khô ở các vùng giao thoa mặn ngọt hiện nay.

Đây là hướng đi cần thiết để có thể giải quyết đồng thời hai vấn đề cấp nước chính là nước sản xuất và nước sinh hoạt của ĐBSCL.

Xin cám ơn ông.
 

Biến đổi khí hậu và tương lai là hàng loạt đập thủy điện vùng thượng nguồn đang dựng lên, việc chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, theo ông có cần xem xét lại việc phân vùng quy hoạch cây trồng khi ranh giới hạn mặn đang lấn sâu vào đất liền?

Đây là bài toán tổng hợp, đa mục tiêu, cần tiếp cận theo hướng sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên đất và nước, đồng thời đáp ứng tính khả thi về kinh tế, xã hội và bền vững về môi trường. Do đó, xem xét phân vùng lại các khu vực dễ tổn thương trước thách thức nguồn nước như đã nêu trên rất cần thiết.

Các vùng dễ có khả năng xâm nhập mặn cao, cần chuyển đổi qua các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn mặn, tuy nhiên để các giải pháp trên có thể thành công, chúng ta cần xây dựng một hệ thống cảnh báo kịp thời và tin cậy. Kinh nghiệm hạn mặn năm nay cho thấy khi chúng ta có được thông tin cảnh báo sớm và có những biện pháp phù hợp thì thiệt hại đã giảm hơn rất nhiều so với năm 2016.

Người dân cũng cần thực hiện theo các khuyến cáo từ các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan quản lý. Ngoài ra, đối với các giải pháp chuyển đổi từ lúa sang cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân và các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị này.

Đồng thời có sự nỗ lực của các nhà khoa học tìm ra các giống cây trồng, vật nuôi mới, kỹ thuật canh tác mới để bảo chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường với chất lượng cao nhất, qua đó người dân có được lợi nhuận ổn định và cao hơn.
 
​Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...