60 ca nhiễm mới và 2 tuần cả nước đồng lòng chống dịch covid-19
- Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2020 | 11:19:51 Sáng
Thủ tướng khẳng định Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh nhưng phải tăng cường tốc độ ứng phó, không lơ là, chủ quan.
"Tinh thần là chống dịch như chống giặc, không để dịch bệnh lây lan, vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát sao để có chỉ đạo. Bộ Y tế rà soát các kịch bản, phương án ứng phó, không gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân”, Thủ tướng chỉ đạo.
Ngày 26/2, bệnh nhân nhiễm Covid-19 cuối cùng trong số 16 ca nhiễm xuất viện.
Tuy nhiên, tối 6/3, Việt Nam phát hiện ca bệnh số 17 ở Hà Nội, cả nước chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Chuyến bay VN54 từ London (Anh) về Hà Nội được coi là chuyến bay mang Covid-19 trở lại Việt Nam.
Trong vòng 2 tuần (6-19/3), số ca mắc virus corona của cả nước tăng lên con số 76, đồng nghĩa với việc có thêm 60 ca nhiễm mới. Sau Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM, Bình Thuận... đến lượt Ninh Thuận, Hải Dương, Phú Thọ ghi nhận người nhiễm bệnh.
Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành và địa phương kịp thời có những chỉ đạo, hành động mạnh mẽ, khẩn trương để đối phó với tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, sự đồng lòng, chung tay và ý thức của người dân đang nỗ lực góp phần vào công cuộc chặn dịch tăng nhanh.
14 NGÀY - 60 BỆNH NHÂN MỚI
Tối 6/3, Hà Nội xác nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở thủ đô, cũng là ca thứ 17 của cả nước - N.H.N. (nữ, 27 tuổi). Bệnh nhân này gây sự chú ý đặc biệt bởi sau đó có thêm nhiều người nhiễm khác có liên quan đến cô và chuyến bay mà N. về nước.
Bệnh nhân tiếp sau đó ở Ninh Bình. Người này chuẩn bị được xuất viện sau 12 ngày phát hiện dương tính với Covid-19.
Ca nhiễm số 19, 20, 47 là bác ruột, tài xế của bệnh nhân số 17 và giúp việc trong tòa nhà của cô này. Hiện bác ruột của N. phải thở máy vì suy hô hấp, tổn thương phổi nặng.
Ngày 10/3, nữ doanh nhân Đ.T.L.T. (51 tuổi, ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) trở thành bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 34. Đây được xem là nhân tố lây lan dịch vì khiến 11 người khác nhiễm virus corona. Họ lần lượt là bệnh nhân số 36, 37, 38, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 48 và 65.
Ca bệnh tiếp theo khiến tỉnh Ninh Thuận phải phong tỏa một thôn gần 5.000 người dân trong vòng 28 ngày là bệnh nhân số 61 - ông B.T.T. (42 tuổi, trú tại thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam). Một trong số những người cùng ông T. đi lễ ở Malaysia cũng nhiễm Covid-19 vào ngày hôm sau - bệnh nhân số 67.
Những người nhiễm dịch còn lại phần lớn đều trên các chuyến bay từ nước ngoài về, có lịch trình di chuyển nhiều nơi trước khi được xác định dương tính. Bộ Y tế phát đã phát thông báo tìm kiếm hành khách trên 11 chuyến bay có người nhiễm/nghi nhiễm Covid-19.
Từ ngày 6 đến tối 18/3, có tổng cộng 39 người Việt Nam và 21 người nước ngoài nhiễm virus corona được ghi nhận.
CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC
2 tuần vừa qua, rất nhiều cuộc họp khẩn, hàng loạt biện pháp mạnh và chính sách mới được Chính phủ, các ngành khẩn trương đưa ra nhằm phối hợp kiểm soát, chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nếu chậm trễ, chúng ta sẽ bị dịch bệnh hạ knock-out. Nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa.
Trước nhiều ca nhiễm là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thảo luận giải pháp kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh và tổ chức cách ly.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 18/3.
Ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung đã thực hiện, Thủ tướng yêu cầu cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu và khối ASEAN. Công dân ASEAN hoặc hành khách từng quá cảnh các nước này trong 14 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày kể từ lúc nhập cảnh. Chính sách này có hiệu lực từ 0h ngày 18/3.
Đại diện Bộ GTVT khuyến cáo người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh, có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay.
Với những địa phương có ca nhiễm Covid-19, nhà chức trách nhanh chóng phong tỏa khu vực để kiểm soát ca bệnh. Hệ thống Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các tỉnh thành hoạt động hiệu quả, phối hợp cùng cơ quan chức năng tìm kiếm, khoanh vùng, tổ chức cách ly những người tiếp xúc bệnh nhân kịp thời.
Quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ. Tổng số người cách ly từ đầu dịch đến nay mới đạt hơn 21.000 chỗ. Trong số này, khoảng 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Đồng thời, quân đội cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000-20.000 chỗ để tiếp nhận tổ chức cách ly tập trung theo quy định.
Bên cạnh đó, TP.HCM có thêm khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 7, số 479 đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12. Ngoài nơi này, thành phố có 4 khu cách ly tập trung khác tại huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, Bệnh viện quận 7, Trung tâm y tế huyện Cần Giờ.
Sau khi TP.HCM có ý kiến về việc sử dụng cơ sở lưu trú, du lịch làm khu cách ly tập trung, 2 resort hạng sang là Cần Giờ và Phương Nam đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Trong đó, resort Phương Nam đã đồng ý cho thành phố sử dụng làm khu cách ly tập trung mà không yêu cầu bất kỳ khoản phí nào.
Ngoài ra, Sở Du lịch TP.HCM đã huy động được thêm 8 cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ khác tại huyện Cần Giờ và khu vực khác để làm khu cách ly trả phí.
Tỉnh Ninh Thuận cũng có 3 khách sạn trở thành nơi cách ly tập trung gồm: Sài Gòn - Ninh Chữ (30 phòng), TTC resort premium (30 phòng) và Hacom Galaxy (10 phòng).
Để kiểm soát hành khách nhập cảnh, sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài thực hiện quy trình lấy mẫu xét nghiệm hành khách ngay tại sân bay. Toàn bộ khách trên các chuyến bay cũng được khai báo hành trình qua ứng dụng điện tử. Một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng lập nhiều chốt kiểm soát liên ngành nhằm kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào địa phương bằng đường bộ để phòng, chống dịch Covid-19.
Hàng loạt tỉnh, thành tạm dừng các hoạt động ở cơ sở kinh doanh karaoke, xông hơi, massage, Internet, khu vui chơi, giải trí, thể thao và các điểm tham quan. Đồng thời, tạm dừng đón khách du lịch quốc tế để tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Ý THỨC NGƯỜI DÂN TRONG VIỆC CHẶN DỊCH
Những ngày qua, bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận liên tục bị dư luận lên án và chỉ trích khi không khai báo đầy đủ hành trình, thái độ vòng vo khiến cho việc khoanh vùng những người tiếp xúc và kiểm soát dịch của ngành chức năng trở nên khó khăn.
Bệnh nhân 34 được phát hiện dương tính với Covid-19 vào ngày 10/3. Nữ doanh nhân thông tin chỉ tiếp xúc với 17 người gồm thành viên trong gia đình, nhân viên và lái xe.
Tuy nhiên, sau đó hãng thiết bị vệ sinh cao cấp Nhật Bản TOTO chi nhánh TP.HCM thông báo đóng cửa vì có 2/4 nhân viên kinh doanh có tiếp xúc với bệnh nhân số 34. Tiếp đó, bệnh nhân này thông tin số người tiếp xúc là 21, rồi 31 rồi tăng lên 46 người.
Chính những thông tin bất nhất này khiến UBND tỉnh Bình Thuận phải giao công an tỉnh khai thác dữ liệu từ camera để xác định cụ thể hành trình của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, bệnh nhân số 61 ở Ninh Thuận cũng được xác định cung cấp thông tin không đầy đủ. Bệnh nhân khai báo sang Malaysia từ ngày 27/2 để buôn bán. Tuy nhiên, lãnh đạo CDC Ninh Thuận cho biết qua điều tra, cơ quan này phát hiện người này sang tham dự lễ hội tôn giáo. Lễ hội này có nhiều người đến từ các quốc gia tham dự, sau đó Malaysia phát hiện tại lễ hội này có hơn 150 người dương tính với Covid-19.
Từ ngày 5/3 đến ngày 9/3, ông T. khai chỉ ở nhà. Tuy nhiên, CDC Ninh Thuận đã đối chiếu với các thông tin thu thập của cơ quan chức năng xác định người này đã tham gia hành lễ tại Thánh đường 101 (xã Phước Nam). Lãnh đạo CDC cho biết qua đối chiếu các lời khai, buổi lễ này lên đến 300 người.
Việc một người trở về từ vùng dịch, chủ động khai báo y tế và cung cấp cụ thể lịch trình chính là cách tích cực nhất góp phần giúp ngành chức năng kiểm soát kịp thời sự lây lan của virus corona. Hành vi trốn tránh, khai báo vòng vo sẽ làm cho việc phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm mất nhiều thời gian và kéo theo nhiều hệ lụy.
Ngoài một vài trường hợp cá biệt, người dân cả nước luôn tích cực nâng cao ý thức trong việc phối hợp phòng, chống dịch. Tính đến sáng 15/3, đã có hơn 234.000 người đăng ký khai báo sức khỏe tự nguyện và có gần 50.000 lượt đăng ký bản ghi theo dõi sức khỏe thông qua ứng dụng NCOVI (ứng dụng khai báo y tế toàn dân).
Về tự điều tra dịch tễ, có hơn 1.200 người khai đã tiếp xúc với người bệnh, 1.650 người khai đi về từ vùng dịch và gần 1.200 người khai tiếp xúc với người về từ vùng dịch. Ứng dụng NCOVI cũng nhận được 1.894 phản ánh, kiến nghị của người dân về việc phát hiện các trường hợp nghi nhiễm xung quanh mình.
Khi nhận được thông báo về các ca bệnh nhiễm Covid-19 cùng thông tin về các chuyến bay do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật phát đi, nhiều người đã chủ động liên hệ cung cấp thông tin, cách ly tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm kịp thời.
Tại những nơi công cộng như sân bay, nhà ga, bến xe... mọi người cũng đều chủ động đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay thường xuyên để phòng tránh dịch bệnh. Các nhà hàng, quán ăn cũng đều nhắc nhở khách hàng vệ sinh tay trước khi bước vào quán.
Ngoài ra, sau khi có chỉ đạo đóng cửa quán bar, các điểm kinh doanh đông đúc, mọi người đều chấp hành nghiêm chỉnh.
Không chỉ tự giác chấp hành chỉ đạo của Nhà nước trong phòng, chống dịch, những doanh nghiệp, cá nhân và cả người nổi tiếng cũng đóng góp vật chất để chung tay cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh.
Những ngày qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận ủng hộ số tiền hơn 236 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19 từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Nhiều doanh nghiệp tặng hàng trăm nghìn khẩu trang y tế và hàng nghìn bộ đồ chống dịch cho Bộ Y tế.
Các nghệ sĩ Việt cũng liên tục kêu gọi lẫn nhau làm từ thiện giúp ngành y phòng chống dịch. Họ không chỉ quyên góp tiền bạc mà còn truyền đi những thông điệp tích cực, kêu gọi mọi người bảo vệ sức khỏe. Ca sĩ Hà Anh Tuấn đi đầu khi cùng 2 người bạn quyên góp gần 2 tỷ đồng lắp đặt 3 phòng cách ly áp lực âm cho Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh. Chi Pu cũng góp 1 tỷ cho một phòng cách ly áp lực âm cho Hà Nội...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc lại quan điểm Việt Nam chấp nhận hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để tập trung ngăn ngừa, không để dịch lan rộng gây tai hoạ cho đất nước. Theo ông, bảo vệ tính mạng sức khoẻ nhân dân là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, không ai được lơ là trong việc này.
Theo Zing
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...