Viện sinh thái học miền Nam (thuộc Viện Khoa học vật liệu ứng dụng) vừa có báo cáo kết quả nghiên cứu các loài chim, thú bằng bẫy ảnh tại Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Lòng Sông – Đá Bạc (huyện Tuy Phong).
Thời gian qua, Viện Sinh thái học miền Nam đã phối hợp chặt chẽ với BQL Rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc triển khai lắp đặt 36 bẫy ảnh, các bẫy ảnh được gắn chặt vào các thân cây ở chiều cao từ 20 đến 40cm so với mặt đất và đã ghi nhận 24 loài chim và thú. Trong đó có những loài nguy cấp, quý, hiếm như: Chà vá chân đen Pygathrix nigripes, tê tê java Manis javanica, công Pavo muticus, sơn dương Capricornis sumatraensis, khỉ đuôi lợn Macaca leonina,..
Theo Viện Sinh thái học miền Nam, trong số các loài có giá trị bảo tồn, khỉ đuôi lợn Macaca leonina (khỉ đuôi lợn phương Bắc) là loài phổ biến, được ghi nhận nhiều nhất với 88 lần tại 22 điểm bẫy ảnh.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên sơn dương Capricornis sumatraensis (sơn dương đại lục) được ghi nhận tại rừng khộp rụng lá ở Việt Nam.
Tê tê Java Manis javanica là loài động vật có vú thuộc bộ Tê tê, tập tính hoạt động vào ban đêm, đào hang sống dưới đất, thức ăn chủ yếu là mối và kiến.
Chà vá chân đen Pygathrix nigripes là một loài khỉ ăn lá đặc hữu của Việt Nam và Campuchia. Chúng có cặp chân đen, hai cánh tay cũng đen, đuôi dài, sắc lông trắng. Thức ăn của chúng gần như toàn lá cây, thỉnh thoảng thêm trái cây và hoa.
Gà rừng Gallus gallus là loại gà rừng lông đỏ có mặt nhiều tại các tỉnh miền núi trung du ở Việt Nam. Loại gà này thường để làm cảnh, lai tạo với các giống gà nhà, gà ngoại để phục vụ cho mục đích đá gà nên rất nhiều người đã săn bắt chúng với mục đích lợi nhuận.
Mèo rừng Prionailurus bengalensis là là một loài mèo hoang nhỏ có nguồn gốc từ lục địa Nam Á , Đông Nam Á và Đông Á . Từ năm 2002, loài này được liệt kê là loài ít quan tâm nhất trong Sách đỏ IUCN vì chúng phân bố rộng rãi mặc dù bị đe dọa bởi mất môi trường sống và săn bắn ở một số vùng trong phạm vi của chúng.
Lợn rừng Sus scrofa còn được gọi là lợn lòi, là một loài lợn sinh sống ở lục địa Á-Âu, Bắc Phi, và quần đảo Sunda Lớn.
Sự hiện diện của công Pavo muticus (công lục) và đa đa Francolinus pintadeanus làm nổi bật giá trị đa dạng sinh học của Rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc.
Mang đỏ Muntiacus vaginalis (mang đỏ phương Bắc), được tìm thấy ở nhiều quốc gia ở Nam-Trung Á và Đông Nam Á.
Từ trái qua phải: Sóc bay trâu Petaurista philippensis, sóc bụng đỏ Callosciurus erythraeus, sóc vằn lưng Menetes berdmorei là 3 loài động vật có vú trong họ Sóc, bộ Gặm nhấm. Sóc bay trâu Petaurista philippensis là loài sóc bay khổng lồ Ấn Độ. Sóc bụng đỏ Callosciurus erythraeus là loài sinh đẻ quanh năm và có thể giao phối ngay khi vừa chấm dứt cho bú lứa con trước. Sóc vằn lưng Menetes berdmorei là loài hoạt động vào ban ngày và nghỉ ngơi vào ban đêm, vào mùa đông chúng hạn chế việc ra ngoài bởi thời tiết.
Cú muỗi đuôi dài Caprimulgus macrurus là loài sinh sống ở rừng đất thấp ẩm nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, rừng ngập mặn nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới hoặc rừng núi cao nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Chèo bẻo rừng Dicrurus aeneus là loài nhỏ nhất trong họ Chèo bẻo, định cư tương đối phổ biến trong cả nước (trái). Chích chòe lửa Copsychus malabaricus thường sống ở khu vực rậm rạp thuộc tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á (phải).
Cầy vòi hương Paradoxurus hermaphroditus là loài thú gắn liền với thương hiệu Cà phê chồn nổi tiếng trên toàn thế giới với tên gọi là chồn hương (trái). Chồn bạc má Melogale sp còn được gọi là chồn bạc má Miến Điện hay chồn bạc má răng lớn, là một loài họ Chồn có nguồn gốc ở Đông Nam Á (phải).
Khướu mào trắng Garrulax leucolophus thường được tìm thấy trong rừng và cây bụi từ dãy Himalaya cho đến Đông Dương (trái). Khướu khoang cổ Garrulax monileger là loài có môi trường sống tự nhiên rừng đất thấp ẩm nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới và rừng trên núi ẩm nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới (phải).
Nhím Hystrix brachyura hay còn gọi là nhím đuôi ngắn, một loài gặm nhấm trong họ Nhím lông Cựu Thế giới (trái). Trảu xanh nhỏ Merops orientalis là loài chim thuộc họ Trảu, chúng thường sống trong các trảng cỏ khá xa nguồn nước, thức ăn chủ yếu là sâu bọ (phải).
MINH MINH
Ảnh: Viện sinh thái học miền Nam
Nguồn: vtcnews.vn