Đồng bằng sông Cửu Long: Bao giờ hạn mặn đi qua?

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/4/2020 | 9:28:12 Sáng

Những ngày này, đi dọc các tỉnh thành như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… các con sông, kênh rạch khô cạn trơ đáy gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất cũng như khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

 

 
Người dân Tiền Giang những ngày thiếu nước ngọt.

 

Ông Bùi An Khuê, ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời Cà Mau cho biết, năm nay hạn mặn khốc liệt khiến cho nhiều diện tích lúa của người dân trên địa bàn lâm vào cảnh "chết cháy” do thiếu nước.

"Lúa đang thời điểm phát triển cần lượng nước để nuôi bông nhưng lại thiếu nước nên lúa cho hạt lép dẫn đến năng suất thấp. Gia đình tôi thuê máy cắt để thu hoạch lúa nhưng trừ chi phí thuê mướn phương tiện chỉ còn dư chút ít còn tiền đầu tư ban đầu coi như mất trắng”- ông Khuê nói.

Theo Bộ NNPTNT, tổng thiệt hại do hạn mặn gây ra tại khu vực ĐBSCL vào khoảng 39.000 ha đối với lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020. Hạn mặn đã làm ảnh hưởng trên 30% năng suất, khoảng 39.000 ha, bao gồm vụ mùa 16.000 ha và đông xuân 23.000 ha, chiếm khoảng 1,2% tổng diện tích gieo trồng, bằng 9,6% diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016. Vụ đông xuân 2019-2020 toàn vùng ĐBSCL xuống giống được 1,54 triệu ha lúa, đến nay đã thu hoạch 1 triệu ha.

Tuy các diện tích cây ăn trái chưa bị ảnh hưởng do được bảo vệ của hệ thống đê bao, bờ bao; nhưng nguồn nước ngọt được tích trữ phục vụ tưới cây tại nhiều nơi dần cạn kiệt, nếu xâm nhập mặn kéo dài thì không thể lường trước được hậu quả.

Những ngày qua, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt cục bộ đã diễn ra tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Tới cuối tháng 3, theo Bộ NNPTNT, có khoảng gần 100.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, nghiêm trọng nhất là Bến Tre và Tiền Giang.

Các trạm bơm thiếu nước, ruộng đồng nứt nẻ.

Ở Bến Tre, cả tỉnh, từ thành phố đến nông thôn đều bị nước mặn xâm nhập gây thiếu nước ngọt sinh hoạt kéo dài suốt 2 tháng qua. Tỉnh này có khoảng 57.000 hộ dân, với 205.000 người dân sống xa nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, khu vực cù lao bị thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh do hết nguồn dự trữ. Trong khi đó, nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước cấp cho các đô thị trên địa bàn tỉnh và hệ thống nhà máy của Bến Tre đã nhiễm mặn hơn 2‰.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hạn mặn năm nay diễn biến gay gắt và khốc liệt hơn năm 2015-2016. Độ mặn trên các con sông ở mức rất cao, có lúc lên đến 30‰, nhanh và sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 2 tháng. Các tuyến sông nhánh, nội đồng, kể cả các đập tạm trữ nước đều bị nhiễm mặn. Chưa kể, nước từ các nhà máy cấp nước phục vụ dân cũng bị nhiễm mặn từ 5 - 7‰… Ước tính tới cuối tháng 3, toàn tỉnh có hơn 5.000 ha lúa bị thiệt hại trên 70%, khả năng mất trắng rất cao. Bên cạnh đó, nếu hạn mặn tiếp tục kéo dài và thiếu nước ngọt thì nguy cơ thiệt hại trên diện rộng là rất lớn, gồm khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng. Khoảng 1.100 tấn nghêu đã chết và 722 ha tôm càng xanh bị ảnh hưởng do nắng nóng.

Theo ý kiến của giới chuyên gia, tình hình này bộc lộ một điểm yếu rất rõ là chúng ta chưa chú trọng đầu tư cho vấn đề nước sinh hoạt ở những vùng bị ảnh hưởng mặn. Lâu nay  vấn đề nước sinh hoạt bị nhập chung vào nước cho sản xuất. Công trình ngăn mặn để phục vụ sản xuất như trước nay không cung cấp nước sinh hoạt được vì làm nước tù đọng, tích tụ ô nhiễm trầm trọng sông ngòi cả vùng. Vì thế người dân phải sử dụng nước ngầm, gây sụt lún đất. Nếu tách nhu cầu nước sinh hoạt khỏi nước cho sản xuất, nhu cầu sẽ nhỏ hơn rất nhiều và dễ đáp ứng hơn, kể cả bằng kinh nghiệm truyền thống hay công nghệ hiện đại.

Dự báo của Bộ NNPTNT, tuy cao điểm hạn mặn là tháng 3 nhưng tình hình vẫn rất nghiêm trọng kéo dài sang tháng 4. Còn theo Viện Khoa học thuỷ lợi Miền Nam, dòng chảy tháng 4 từ thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL vẫn ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn có khả năng rất nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là ở khu vực cửa sông Cửu Long từ ngày 8/4 đến ngày 15/4.

Cụ thể, chiều sâu mặn xâm nhập lớn nhất với ranh mặn 4 g/l, trong thời gian này ở các cửa sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 95-105 km; sông Cửu Long (sông cửa Tiểu, cửa Đại) khoảng 50-55 km; trên sông Hàm Luông 70-75 km; sông Cổ Chiên khoảng 50-55 km; sông Hậu khoảng 45-50 km. Trên sông Cái Lớn, mặn biến động nhanh, dự báo phạm vi ảnh hưởng trong tháng 4 khoảng 60-65 km.

Chắt chiu từng chút nước ngọt.

Cùng chung lo lắng, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho rằng, mùa khô 2019-2020, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ còn tiếp tục khoảng 1 đến 2 tháng nữa. Vì thế, giải pháp trước mắt là cập nhật hằng ngày diễn biến thời tiết; tổ chức đo đạc, theo dõi nguồn nước, độ mặn ở các vùng cửa sông, cửa biển; chủ động lấy nước ngọt vào công trình thủy lợi. Bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước; rà soát diện tích vườn cây, vườn giống cây ăn trái ở các khu vực ĐBSCL có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn; vận động người dân sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt, nước sinh hoạt.

Về lâu dài, phải tăng cường năng lực giám sát, dự báo xâm nhập mặn, đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin, ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Đặc biệt, cần xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp để chủ động cấp nước, kiểm soát triều (nhất là vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn), bảo đảm tiết kiệm nguồn nước. Việc chuyển sang phát triển nông nghiệp đa dạng, phù hợp với thực tế và đáp ứng nhu cầu thị trường cũng là giải pháp để giảm tác hại từ biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn…

Đồng bằng sông Cửu Long: Kênh rạch cạn kiệt, ruộng đồng héo khô ...

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh,Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), mùa khô 2019-2020, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ còn tiếp tục khoảng 1 đến 2 tháng nữa. Còn theo Viện Khoa học thuỷ lợi Miền Nam, dòng chảy tháng 4 từ thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL vẫn ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn có khả năng rất nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là ở khu vực cửa sông Cửu Long từ ngày 8/4 đến ngày 15/4.

Cụ thể, chiều sâu mặn xâm nhập lớn nhất với ranh mặn 4 g/l, trong thời gian này ở các cửa sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 95-105 km; sông Cửu Long (sông cửa Tiểu, cửa Đại) khoảng 50-55 km; trên sông Hàm Luông 70-75 km; sông Cổ Chiên khoảng 50-55 km; sông Hậu khoảng 45-50 km. Trên sông Cái Lớn, mặn biến động nhanh, dự báo phạm vi ảnh hưởng trong tháng 4 khoảng 60-65 km.
 
 Theo Báo Đại đoàn kết
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...