Vẫn đau đầu vì bài toán xử lý rác thải Hà Nội
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/4/2020 | 8:48:15 Sáng
Trước áp lực dân số, khối lượng rác thải trên địa bàn Hà Nội không ngừng gia tăng. Trong khi đó việc triển khai các dự án nhà máy xử lý chậm tiến độ hoặc công nghệ lạc hậu. Thực trạng này đòi hỏi phải tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được triển khai, tìm kiếm công nghệ xử lý thân thiện môi trường.
Không chỉ ở đô thị, nhiều vùng ngoại thành của Thủ đô Hà Nội, việc thu gom rác gặp nhiều khó khăn. Nhiều bãi tập kết rác quá tải, dồn ứ. Như tại địa bàn xã Ninh Sở (huyện Thường Tín), hàng trăm tấn rác còn ứ đọng ở bãi tập trung lộ thiên. Người dân vẫn tiếp tục bỏ rác ở đây dẫn đến chuyện rác lấn ra kênh mương, lề đường, gây ô nhiễm môi trường.
Liên hệ với đơn vị xử lý, nhận thu gom, ông Từ Ngọc Thành, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Thường Tín cho biết: "Do lượng rác tồn từ những năm trước chưa được vận chuyển. Đặc biệt năm 2016-2017 khu xử lý chất thải của thành phố thường xuyên ngừng tiếp nhận do người dân ngăn chặn (không tiếp nhận khoảng 147 ngày, tương đương 20.580 tấn rác ùn ứ)”.
Rác thải ùn ứ ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội)
Cũng tại Thường Tín, tình trạng đổ rác thải, đốt rác rồi đổi lỗi cho nhau đã xảy ra ở các xã ven sông Nhuệ, gồm xã Khánh Hà, Hiền Giang, Hòa Bình… Do một số bộ phận người dân trong xã, đặc biệt là những doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh các ngành nghề đã thiếu ý thức, hình thành thói quen xấu là có rác thải trong sản xuất, sinh hoạt thì đổ trộm vào ban đêm rồi tiện tay đốt.
Tại huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Mỹ Đức, công tác thu gom, xử lý rác cũng gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều cung đường, túi ni-lông, rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng bị đổ tràn lan. Thậm Chí có hiện tượng đổ trộm phế thải xây dựng ở những cung đường lớn như đường Láng - Hòa Lạc mà nhiều năm qua, dù lực lượng chức năng, Công an môi trường đã nỗ lực nhập cuộc, nhưng những đối tượng xấu vẫn tìm đủ cách đổ trộm phế thải.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội: Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt 99% - 100%, tại các huyện đạt 87%-88%. Như vậy, có ít nhất hơn 10% rác thải sinh hoạt ở ngoại thành chưa được thu gom. Áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán nan giải với các cơ quan chức năng TP Hà Nội. Bởi riêng lượng rác thải hằng ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đã có mức hơn 4.000 tấn/ngày, có khi 6.000 tấn/ngày.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban, Ban đô thị (Hội đồng nhân dân TP Hà Nội), nêu ra vấn đề bức thiết: "Một số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh đã đầy và đóng cửa, như Đông Lỗ, Vân Đình, Yến Vĩ, Cao Dương, Kiêu Kỵ. Hiện rác thải sinh hoạt được phân luồng tập trung chủ yếu về hai khu xử lý chính của là Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Ba Vì) đã gây quá tải, quãng đường vận chuyển xa, làm tăng chi phí, tăng nguy cơ rơi vãi nước rác, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển và xử lý dẫn đến nhiều lần người dân khu vực bị ảnh hưởng phản đối.
Đó là chưa kể đến chuyện TP Hà Nội cũng thiếu các điểm trung chuyển rác, điểm chuyển tải thu gom rác; thiếu các khu xử lý theo quy hoạch tại các địa phương để giảm tải xử lý cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung của thành phố”.
Ông Quân cũng cho biết, việc đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp, xây mới các Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa hợp lý, thành phố mới chỉ tập trung đầu tư các Khu xử lý tại vùng I (huyện Sóc Sơn) và vùng III ( xã Xuân Sơn, huyện Ba Vì) trong khi đó, vùng II - phía nam, và đông nam của thành phố Hà Nội chưa có khu xử lý, nhà máy nào hoạt động. Đó là chưa kể đến một số dự án ưu tiên đầu tư đề xuất đến năm 2020 theo quy hoạch còn chưa được thực hiện đúng tiến độ; một số nhà máy xử lý chất thải rắn sử dụng công nghệ cao hiện đại với quy mô lớn đến nay mới được Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, mới khởi công đồng thời hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng.
Mau chóng thực hiện các giải pháp
Năm 2014, Chính phủ có Quyết định Số: 609/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó đến năm 2030, 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn; 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp, 90% lượng chất thải rắn các điểm dân cư nông thôn và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
Làm việc với chúng tôi, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng, về việc rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn ở Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra nhiều bất cập cần tháo gỡ, như Quy hoạch mới chỉ mang tính định hướng về quy mô, công suất mà chưa xác định được ranh giới làm cơ sở thực hiện, chưa xác định được hành lang, phạm vi bảo vệ môi trường.
Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội xây dựng thêm Dự án Đốt rác phát điện tại Sóc Sơn
Hiện nay, toàn thành phố có 17 dự án xây dựng và mở rộng khu, nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên phần nhiều đang bị chậm tiến độ, nhiều dự án chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, dù đã có quyết định từ nhiều năm. UBND TP cũng đã rà soát, chỉ đạo các đơn vị phối hợp, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Về phía Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, đã kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc, UBND các quận, huyện, thị xã khi thực hiện việc rà soát quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới, phải bảo đảm xác định vị trí, bố trí đầy đủ các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải đáp ứng yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật, bổ sung điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Một vấn đề khác, từ vài năm qua đã được tính đến, là chuyện chôn lấp rác đang làm tăng nguy cơ ô nhiễm, lãng phí đất đai. Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: "Phương pháp xử lý bằng chôn lấp không những chiếm diện tích đất mà còn khó kiểm soát vệ sinh môi trường”.
Đồng quan điểm ấy, Tiến sĩ khoa học Đặng Thị Kim Chi (Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), cho biết, ở nhiều nước tiên tiến, người ta đã sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, phế thải sau đó dùng san lấp, điều đó khiến chúng ta phải tìm hiểu và học hỏi. Hiện nay cả nước có khoảng 285 lò đốt các loại, trong đó 76% là lò đốt có quy mô cấp xã, phường, công suất thấp hơn 5 tấn/ngày, mới chỉ có 21 lò đốt có công suất trên 50 tấn/ngày. Như vậy, chúng ta phải mau chóng cải tiến công nghệ xử lý rác.
Người dân ở các huyện phía nam Hà Nội kỳ vọng vào Dự án Nhà máy điện rác Châu Can (thuộc địa bàn xã Châu Can, huyện Phú Xuyên), nhưng đến nay mới triển khai đến bước lập quy hoạch chi tiết 1/500, chưa đến bước đền bù giải phóng mặt bằng. Ông Dư Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý đô thị Phú Xuyên cho biết: "UBND huyện Phú Xuyên, UBND xã Châu Can đã thường xuyên tuyên truyền cho người dân được biết về chủ trương và những mặt tích cực của dự án. Đồng thời tổ chức cho đại diện người dân đi tham quan Nhà máy rác Cần Thơ để được trực tiếp nhìn thấy và đánh giá về một dự án đốt rác phát điện rất thân thiện môi trường”.
Theo Văn Học - Sơn Bình/ Báo Pháp luật
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...