“Vá” đê biển Tây trước mùa mưa bão

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/4/2020 | 8:51:36 Sáng

Nhằm bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng, cũng như sản xuất của người dân sống bên trong đê biển Tây, tỉnh Cà Mau đang triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục sụp lún và sạt lở, đảm bảo an toàn cho tuyến đê trước mùa mưa bão

Hộ đê khẩn cấp tại các điểm sạt lở nguy hiểm trên tuyến đê biển Tây. Ảnh: TẤN THÁI
Hộ đê khẩn cấp tại các điểm sạt lở nguy hiểm trên tuyến đê biển Tây. Ảnh: TẤN THÁI
Thi công ngày đêm
Trở lại khu vực đê biển Tây vào những ngày này, chúng tôi thấy việc thi công, triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở và sụp lún đang diễn ra gấp rút tại khu vực Kênh Mới - Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Do ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng thời gian qua, khu vực này đã sụp lún, gây hư hỏng hoàn toàn mặt đê với chiều dài trên 240m. Tỉnh Cà Mau đã tiến hành giải pháp bơm bùn lấp con kênh chạy dọc ven theo chân đê nhằm cân bằng, hạn chế sạt lở.

Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban quản lý dự án công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, bên cạnh bơm bùn, đơn vị cũng tiến hành bơm cát tạo lập mặt bằng nhằm xây dựng khu tái định cư tại đây (diện tích khoảng 3,5ha). Mục tiêu là đưa người dân bị ảnh hưởng sạt lở, di dời giải tỏa do làm đê biển Tây vào ở, nhằm ổn định dân cư nơi cửa biển Đá Bạc. Hiện khối lượng bùn bơm được khoảng 1/3 chiều dài tuyến kênh. Các công nhân cho biết, việc bơm bùn đang diễn ra gấp rút, có lúc bơm xuyên suốt ngày đêm. Theo quan sát của chúng tôi, nhằm không cho nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng lân cận, đơn vị thi công có đắp đập ngăn nước, tạo bể lắng ở hai đầu. Sau đó, dùng trạm bơm nước di động bơm tháo nước trở ra biển. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, khi bơm bùn vào, lượng bùn và nước tại vị trí đặt ống dâng cao nên tràn và thẩm thấu qua khu vực đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Vì vậy, họ lo ngại, nếu nước thấm nhiều đất sẽ nhiễm mặn, ảnh hưởng việc sản xuất lúa trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của dân và chính quyền địa phương, chi cục và các đơn vị có liên quan đã đến hiện trường kiểm tra. "Qua đó, chi cục đã chỉ đạo đơn vị thi công giảm cao độ lúc bơm bùn, khống chế cao trình thấp hơn mặt ruộng của dân khoảng 1m. Bên cạnh đó, chủ động và nhanh chóng bơm nước mặn ra ngoài biển, hạn chế thẩm thấu vào đất ruộng nông nghiệp của dân”, ông Hoai nói.

Bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân

Hiện nay, nhiều khu vực trên tuyến đê biển Tây, đai rừng còn rất mỏng, thậm chí không còn. Vì vậy, nếu không có giải pháp kịp thời trong thời gian này thì đến lúc mưa bão sắp tới, nguy cơ mất toàn bộ đê là rất cao. Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã ban bố tình huống khẩn cấp đê biển Tây và tình huống khẩn cấp mức độ 2 vùng ngọt hóa thuộc địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời. Đồng thời, thống nhất chủ trương triển khai thực hiện ngay các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho tuyến đê biển Tây trước mùa mưa bão năm 2020; bảo vệ vùng ngọt hóa, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân sống bên trong đê. Hiện Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau đang khẩn trương triển khai giải pháp công trình nhằm kiên cố hóa mái đê, giữ vững thân đê trong mùa mưa bão tại các vị trí, như: Kênh Mới - Đá Bạc, Tiểu Dừa, T25, T29… Tổng chiều dài các đoạn hộ đê khẩn cấp khoảng 7.500m.

Tại các đoạn hộ đê khẩn cấp, công nhân đang tất bật tập kết cừ tràm, đóng thành từng hàng phía bên ngoài chân đê, bên trong làm các rọ đá thả xuống phía dưới chân đê; một số khu vực thì đào đắp, trải vải địa kỹ thuật, thảm rọ đá bọc nhựa PVC phía trên… nhằm hạn chế sạt lở. Tùy theo vị trí sạt lở nhiều hay ít mà có các giải pháp hộ đê cho phù hợp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi hạn hán nên đê biển Tây hiện đang có nguy cơ xảy ra sụp lún cao, việc vận chuyển vật tư, thiết bị hộ đê cũng gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho hay: "Khi chưa bơm bùn lấp đoạn Kênh Mới - Đá Bạc, chúng tôi không dám đưa cơ giới vận chuyển vật tư để làm công tác hộ đê qua khu vực này. Sau khi bơm bùn, tạo được phản áp, chúng tôi mới dám đưa cơ giới vào, nhưng cũng hạn chế tải trọng. Chúng tôi cố gắng thực hiện công tác hộ đê hoàn thành trước mùa mưa bão sắp tới”.
 
Vụ sụp lún mặt đê biển Tây với chiều dài trên 240m (đoạn Kênh Mới - Đá Bạc) đến nay vẫn còn nguyên hiện trạng, chưa triển khai biện pháp khắc phục. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, vụ việc đang chờ cơ quan chức năng giám định và xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố. Sau khi làm rõ được nguyên nhân thì sở sẽ chỉ đạo khắc phục, sửa chữa đoạn đê này. Khi làm xong sẽ tiến hành cho xe cộ lưu thông bình thường trở lại.

Theo TẤN THÁI/ SGGP

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...