Nước sạch cho đồng bằng sông Cửu Long: Góc nhìn của người bản địa
- Cập nhật: Thứ ba, 12/5/2020 | 4:43:11 Chiều
Không nên vội vàng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu để rồi tiếp tục đề xuất xây dựng thêm những công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn hơn.
"Làm sao đủ nước?”, câu hỏi này luôn được người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt ra đầu tiên trước mọi quyết định của mình. Dân thương hồ rày đây mai đó thì trên ghe luôn có hai cái khạp, một để đựng nước uống, một để đựng nước nấu ăn; còn giặt giũ hay tắm gội thì cứ ùm xuống sông cho tiện. Trước mỗi chuyến đi, tùy theo dự tính đi bao nhiêu ngày và có bao nhiêu người trên ghe mà người dân chuẩn bị đầy đủ nước để uống.
Rồi khi lên bờ và đã chọn một nơi nào đó để định cư, thì ngoài việc tính toán hứng đủ nước mưa để uống; nước nấu ăn, nước tắm giặt ở đâu, thì còn phải tính thêm nước để sản xuất. Vì vậy, đi đến bất kỳ nơi nào ở ĐBSCL, chỉ cần nhìn hàng lu kiệu chứa nước mưa ở bên cạnh nhà là có thể đoán nhà đó bao nhiêu người hay mùa khô nơi đó dài hay ngắn.
Sống hòa thuận với tự nhiên
Vì ĐBSCL là vùng đất trũng thấp nên khi định cư, đầu tiên người dân đào một cái ao, lấy đất đắp nền nhà. Cái ao đó vào mùa khô dùng giữ nước ngọt, nước cũng phải múc vào lu khạp, lóng phèn rồi mới sử dụng để nấu ăn, vì vậy mà người dân gọi đó là ao rửa ăn.
Tình trạng khô hạn ở miền Tây ngày càng khốc liệt. Ảnh: Lê Thế Thắng
Ở vùng sông sâu nước chảy thì ao rửa ăn thông ra sông rạch bằng cái bọng làm từ thân cây cau. Bắt đầu mùa khô thì đặt cái nắp quạt phía bên trong ao, để cho nước lớn chảy vô rồi giữ lại bên trong, nên luôn đầy đủ nước để xài.
Hệ lụy từ sự can thiệp thô bạo
Suốt nửa thế kỷ qua, vùng đất tranh chấp mặn ngọt này đã chứng kiến nhiều sự thay đổi. Những thay đổi đó cũng nhằm mục tiêu mưu cầu cho người dân được khá giả hơn. Bắt đầu bằng những công trình lớn như đê biển, kênh mương dẫn ngọt, cống đập ngăn mặn nhằm chuyển dịch một nền sản xuất cổ truyền sang hiện đại. Như thay đổi giống cây trồng vật nuôi, thêm nguồn phân bón hóa học, thuốc sâu thuốc bệnh, tưới tiêu chủ động bằng những trạm bơm và hệ thống mương nổi mương chìm.
Chúng ta cần phải rà soát lại một cách nghiêm túc vì sao những gì đã làm nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng này không phát huy tác dụng? Không nên vội vàng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu để rồi tiếp tục đề xuất xây dựng thêm những công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn hơn.
Tập quán sống và canh tác của người dân cũng dần thay đổi. Nước từ nhà máy thay thế hoàn toàn nước mưa để uống, nước mặt để nấu ăn tắm giặt nên gộp chung thành nước sinh hoạt; nước sản xuất thì dựa vào sự vận hành kênh mương cống đập, không đủ thì khoan giếng cạn, giếng sâu khai thác nguồn nước ngọt hiếm hoi có sẵn trong đất.
Đừng quên "thuận thiên”
Chúng ta cần phải rà soát lại một cách nghiêm túc vì sao những gì đã làm nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng này không phát huy tác dụng? Không nên vội vàng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu để rồi tiếp tục đề xuất xây dựng thêm những công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn hơn.
Bài toán nước sạch cũng cần phải có đáp số khi quy hoạch khu dân cư. Ảnh: Lê Thế Thắng
Việc rà soát này hãy bắt đầu bằng cách hỏi xem có bao nhiêu người đã tự hỏi "làm sao đủ nước?” trước khi quyết định ra định cư ở vùng ven biển. Và nếu bản thân họ chưa chuẩn bị lu kiệu để hứng nước mưa; chưa chuẩn bị đào ao, đào đìa để giữ nước mặt, thì xem như mục tiêu bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng đã bị "thất thủ” từ vòng một.
Kế đến là xem các cấp chính quyền địa phương có quy hoạch khu dân cư không? Nếu có thì ắt phải có hạ tầng nước sạch, còn nếu chưa, thì với mật độ dân cư đông đúc và chính sách hợp lý thì cũng sẽ có người đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch. Lúc này việc dẫn đường ống cấp nước, đào hồ chứa, khoan giếng hoặc xây nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt cũng trở nên dễ dàng hơn, miễn là có hiệu quả kinh tế. Còn nếu người dân vẫn ở rải rác như hiện nay và cũng không có quy hoạch cụm tuyến dân cư, thì xem như mục tiêu cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt cho cả vùng duyên hải đã bị "vỡ trận” ở vòng hai.
Rồi mọi người từ cấp nông hộ, địa phương đến trung ương cũng phải xem cây trồng, vật nuôi đang sản xuất có "thuận thiên” chưa? Đưa một giống cây con không có khả năng chịu mặn vào một vùng thường xuyên bị ảnh hưởng mặn, thì chỉ làm tăng rủi ro trong tương lai, dẫn đến hao tiền tốn của người dân và lãng phí nguồn lực của xã hội. Điều này nên được tư duy lại theo dạng đầu tư kinh tế, ví như việc xây một công trình ngăn mặn hay trữ ngọt thì phải tính cho sản xuất cái gì và trong bao lâu sẽ thu hồi đủ vốn.
Cuối cùng cũng cần tìm hiểu xem vì sao người dân phải ra vùng còn nhiều khó khăn như vậy để định cư? Và nếu họ đến nơi đây không phải để "làm giàu”, mà để "sống qua ngày” thì nên hiểu vấn đề cần giải quyết không phải chỉ đơn giản là "thiếu nước”!
Theo DƯƠNG VĂN NI/ Báo Người Đô thị
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...