TPHCM: Nữ sinh bị nước cuốn tử vong: Trách nhiệm thuộc về ai?
- Cập nhật: Thứ tư, 10/7/2013 | 4:37:01 Chiều
Nữ sinh Đinh Thị Phương Thảo bị nước cuốn trôi ngay giữa TPHCM, vừa tốt nghiệp loại giỏi, Khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Kinh tế Luật, ĐH quốc gia TPHCM. Cái chết thương tâm của em, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm quản lý đô thị Đại học quốc gia (ĐHQG) thừa nhận thời gian qua đã nhận nhiều phản ánh về tình trạng người dân, sinh viên chạy xe ngang qua cống lúc trời mưa thường bị cuốn xuống rạch Suối Nhum (nối giữa phường Linh Xuân, quận Thủ Đức -TP.HCM và khu Đại học Quốc gia, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
"Vụ em sinh viên bị nước cuốn chết khiến tôi day dứt. Chúng tôi có một phần trách nhiệm, đó là khi nhận phản ánh đã không xử lý ngay, không gắn đèn chiếu sáng, tiến trình thi công chậm” - Ông Sang thừa nhận.
Khi được hỏi về đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trước cái chết của nữ sinh Phương Thảo, ông Sang chỉ nói, do chưa giải phóng được mặt bằng để làm đường nên ĐHQG không thể làm cống lớn hơn khi chưa làm đường. Trước đó, ĐHQG đã phê duyệt kế hoạch làm cống mới nhưng chưa kịp làm thì vụ tai nạn đã xảy ra.
Hiện trường khu vực rạch Suối Nhum, nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến nữ sinh Đinh Thị Phương Thảo chết thảm, chúng tôi ghi nhận, mặt đường khá hẹp nhất là đoạn qua khu vực cống nước tại rạch Suối Nhum hai bên bờ không có lang can bảo vệ, không đèn đường, cạnh thành cống có chổ bị sạt lở, khoét sâu…
Sau tai nạn thương tâm xảy ra lãnh đạo ĐHQG mới cho gắn biển báo ở hai đầu miệng cống suối Nhum và dự tính vào chiều 10/7 sẽ cho lắp bốn trụ đèn cảnh báo và gắn lan can bảo vệ chạy dọc hai bên cống suối Nhum nhằm ngăn người bị trôi, trượt xuống suối. Đồng thời làm rào chắn ở hai đầu cầu để hạn chế người qua lại khi có mưa lớn.
Hành động "mất bò mới lo làm chuồng” của lãnh đạo ĐHQG khiến dư luận không khỏi bức xúc và tự đặt ra nhiều câu hỏi, giá như ngành chức năng lắng nghe những phản ánh trước đó mà bắt tay vào hành động ngay thì đâu xảy ra hậu quả như ngày hôm nay. Người cha già Đinh Thành Đang (bố của nữ sinh Phương Thảo) không phải đón con gái trở về trong nước mắt, thương đau đến thế! Liệu hơn 40.000 sinh viên, nguồn tri thức của đất nước học tập tại đây còn phải đối mặt với những rủi ro, hiểm họa nào khác?
"Thảo là một sinh viên gương mẫu, hòa đồng và tích cực trong các hoạt động đoàn hội. Chúng tôi vừa xét tốt nghiệp hôm thứ 7 vừa qua và Thảo xếp loại giỏi với điểm trung bình là 8,1. Thảo là một trong số ít sinh viên sẽ được đặc cách học tiếp lên cao học của trường” - ông Huỳnh Thanh Tú - Phó khoa Quản trị kinh doanh Đại học kinh tế luật - ĐHQG TPHCM khẳng định.
Ông Đinh Thành Đang nghẹn ngào cho biết, gia đình ông có 2 người con gái, Phương Thảo là con gái đầu, em gái Thảo tên là Phương Linh hiện đang là sinh viên năm 1 trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG TPHCM. Gia đình thuộc diện khó khăn, bản thân ông Đang là một thương binh và hiện đang mang trong người căn bệnh tai biến. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ông Đang luôn tự hào vì hai đứa con gái của mình đều chăm ngoan, học giỏi.
Trước đó, chiều 8/7 Phương Thảo và bạn cùng phòng Trần Thị Hoài Thu (quê Quảng Bình) chở thảo đi xe máy tìm nhà trọ để ở, khi chạy đoạn khu vực rạch Suối Nhum, khi còn cách ký túc xá khoảng 300 m thì cả hai cùng xe máy bị nước cuốn trôi xuống dưới. Thu may mắn được anh Nguyễn Văn Hoàng và anh Lê Văn Ngọt (làm nghề trồng rau, chăn vịt dọc bờ rạch Suôi Nhum) cứu thoát khỏi "tử thần”. Riêng Thảo bị nước cuốn trôi, mất tích, sau hai giờ nạn nhân mới được tìm thấy và không qua khỏi.
Anh Hoàng cho biết: "Một năm trở lại đây, khi KTX sinh viên hình thành, người qua lại tuyến đường này khá nhiều, các em ở xa đến không biết chỗ này nguy hiểm khi trời mưa nên vô tư đi qua. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần nhảy xuống con suối này cứu người rồi nữa”.
Trung Kiên (Dantri)
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...