Thế lực nào dung túng công trình mọc trên hành lang sông Bình Dương?
- Cập nhật: Thứ ba, 9/6/2020 | 9:18:08 Sáng
Từ đầu tháng 6/2020, dư luận cả nước, nhất là tại Bình Dương, đặc biệt quan tâm câu chuyện một số tờ báo đăng tải thông tin một công trình mọc lên trên bờ sông Sài Gòn.
Khu đất "bất khả xâm phạm”
Tòa soạn PLVN cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại của người dân, cán bộ, Đảng viên lão thành tại Bình Dương, đề nghị vào cuộc xác minh làm rõ sự việc. Nếu không có thật thì phải minh oan; nếu có thật thì phải công bố rõ ràng.
Điều bất thường đầu tiên xảy ra, khi cuối tháng 5/2020, PV đặt lịch làm việc với UBND xã Phú An về việc một số công trình xây bờ kè, lấn sông, xây nhà ở kiên cố... Để rõ hơn khu đất có nghi vấn vi phạm, PV đề nghị Phó Chủ tịch xã cho lịch hẹn cùng đi thực địa.
Trên đất bà Hoa, hành lang an toàn sông Sài Gòn đã bị dựng lên hàng trăm mét kè bê tông kiên cố, hàng rào chăng thép gai B40 (Hình chụp đầu tháng 6/2020).
Ngày 29/5, vị Phó Chủ tịch xã điện lại hẹn PV sáng 30/5 xuống thực địa. Tuy nhiên, tối cùng ngày thì buổi làm việc được vị Phó Chủ tịch xã dời lại vào ngày 3/6.
Bất thường, thứ hai, ngày 2/6, khi một số tờ báo phản ánh, lập tức ngày 3/6 UBND TX Bến Cát đã có Văn bản số 108/BC-UBND, cho rằng trên khu đất: "Chỉ có căn nhà gỗ (...) công trình xây dựng không vi phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn”.
Sáng 3/6, theo lịch hẹn, PV xuống đi thực tế nhưng vị Phó Chủ tịch xã lại đi vắng không hẹn lại. Trong cuộc trao đổi với Chủ tịch xã Nguyễn Thị Hà, PV đề cập đến việc có hay không việc khu đất trồng cây 0,9ha thuộc tờ bản đồ số 29, số 638, chủ đất đã xây cả trăm mét bờ kè trái phép lấn sông cùng nhà ở kiên cố...
Bà Hà cho biết: "Theo quan sát thì thấy có nhà, nhưng có xây dựng hay không thì không vào tiếp cận được”. Lẽ nào chủ khu đất này lại có thế lực tới mức biến khu đất thành "lãnh địa bất khả xâm phạm”, cán bộ thẩm quyền cũng không thể tiếp cận?
Do cán bộ xã không đưa PV đi thực tế theo lịch hẹn, trước tình huống đó, PV sử dụng thiết bị bay mini gắn camera nhằm xác minh trước thực địa, chuẩn bị tư liệu làm việc với địa phương. Tuy nhiên, khi vừa xác định được khu đất thì 4 người đàn ông đi trên 2 xe máy xuất hiện đòi kiểm tra flycam, không cho PV đi vì đã quay chụp đất của họ. Trong số đó, một người đàn ông cho rằng mình là chủ đất, tên là Võ Thanh Phương.
Ông Phương gọi điện thoại, khoảng 10 phút sau cán bộ quân sự và công an xã Phú An xuất hiện, tiếp đó 15 phút có mặt cán bộ Ban Chỉ huy quân sự TX, rồi Trưởng ban phòng không tỉnh Bình Dương. Các bên thống nhất tạm giữ thiết bị flycam của cá nhân bay vì chưa xin phép cơ quan quản lý.
Dấu hiệu trốn thuế, cấp sổ đỏ sai quy định
Sự việc đến đây lại càng gây băn khoăn. Khu đất có vi phạm xây dựng hay không? Vì sao khi đặt lịch làm việc thì xã hẹn kéo dài, nhưng khi PV đi thực địa thì công an, quân sự lại xuất hiện nhanh đến vậy? Tòa soạn đình chỉ công tác PV đã vi phạm quy trình tác nghiệp tự ý sử dụng flycam cá nhân mà không báo cáo lãnh đạo Báo và chưa được cấp phép. Một nhóm PV khác được cử vào cuộc tiếp tục xác minh.
Theo hồ sơ, khu đất 9.000m2 trên thuộc tờ bản đồ số 29, số thửa mới 638 (được tách từ thửa 629). Ngày 10/8/2016, bà Phạm Mai Hoa (SN 1966, CMND số 280933894 cấp ngày 8/11/2011 tại Công an Bình Dương; HKTT số 134/4, đường 30/4, khu 2, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) nhận chuyển nhượng diện tích này.
Bà Hoa nguyên là cán bộ Tỉnh đoàn Bình Dương, Giám đốc Nhà Thiếu nhi, sau đó nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/3/2017.
Vụ chuyển nhượng có dấu hiệu trốn thuế khi 9.000m2 đất chỉ được mua bán với giá 100 triệu...
Hai bên mua bán với giá rẻ bất thường; 0,9ha đất tọa lạc vị trí "nhất cận thị, nhị cận giang” nhưng giao dịch chỉ 100 triệu. Trong khi đó theo giá thị trường, không loại trừ khu đất từ thời điểm 2016 phải có giá cao hơn rất nhiều.
Vì sao bà Hoa lại mua được khu đất với giá rẻ như vậy? Đây là một giao dịch "đặc quyền”, hay hai bên không trung thực trong khai báo số tiền giao dịch thực tế để trốn thuế?.
Hơn tháng sau, ngày 19/9/2016, bà Hoa được cấp Sổ đỏ số CĐ689694, toàn bộ 9.000m2 được ghi mục đích sử dụng: Trồng cây lâu năm; thời hạn sử dụng: Đến tháng 12/2040.
Điều khác thường ở chỗ trong sổ đỏ này có ghi chú: "Thửa đất có 2.250m2 đất CLN (cây lâu năm-NV) thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình sông Sài Gòn; 441m2 đất CLN thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình đường đê bao”.
Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về thể hiện nội dung tại điểm ghi chú trên sổ đỏ như sau: "Trường hợp thửa đất hoặc một phần thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình đã được công bố, cắm mốc thì ghi "Thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình... (ghi tên của công trình có hành lang bảo vệ)”; hoặc ghi "Thửa đất có... m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình...” đối với trường hợp một phần thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình”.
...và sổ đỏ năm 2016 cấp cho bà Hoa có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Như vậy, đã là đất "hành lang bảo vệ an toàn công trình sông, hành lang bảo vệ an toàn công trình đường đê bao”, mà lại còn ghi thêm đất này là đất trồng cây lâu năm, chức năng "2 trong 1”; là dấu hiệu sai quy định.
Dấu hiệu xây dựng trái phép trên hành lang sông
Một băn khoăn khác trong sự việc này cần phải làm rõ. Khu đất trên là của ông Võ Thanh Phương hay của bà Hoa, mà tại hiện trường khi PV tác nghiệp, ông Phương lại ra tự nhận là của mình?
Theo hồ sơ, khu đất trên được tách ra từ thửa đất có diện tích 10.690m2, thành hai thửa 9.000m2 và 1.690m2. Cùng thời điểm với bà Hoa, ông Phương (SN 1978, HKTT Tiền Giang) cũng mua 1.690m2 còn lại từ chủ cũ. Bà Hoa và ông Phương ký chung một giấy ủy quyền cho một người khác đi làm thủ tục lấy sổ mới.
Trong Văn bản số 108/BC-UBND của UBND Bến Cát đã nêu đích danh chủ sử dụng 9.000m2 này là bà Phạm Mai Hoa. Vì vậy, có thể khẳng định ông Phương không phải là chủ khu đất 9.000m2 như đã tự xưng với PV, nhưng không loại trừ là người quen của bà Hoa.
Một dấu hiệu sai phạm khác trong khu đất bà Hoa cũng bộc lộ trong Văn bản số 108/BC-UBND. Văn bản cho biết trên thửa đất của bà Hoa có "căn nhà gỗ được xây dựng tại vị trí đất ONT (đất ở nông thôn - NV)”. Tuy nhiên, khu vực này theo quy hoạch là đất trồng cây lâu năm, vì vậy cơ quan có thẩm quyền nào đã "đặc cách” cho bà Hoa chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nông thôn như văn bản xác thực số 108/BC-UBND.
Những chứng cứ PLVN thu thập được cũng cho thấy báo cáo số 108/BC-UBND của TX Bến Cát chưa đúng sự thật về vi phạm tại khu đất. Hình ảnh từ trên cao cho thấy có một số công trình không nhỏ xây dựng kiên cố trên đất chứ không phải "chỉ có căn nhà gỗ”.
Báo cáo số 108/BC-UBND cho rằng trên khu đất bà Hoa, "công trình xây dựng không vi phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn”. Tuy nhiên, hình ảnh từ trên cao và từ dưới mặt sông ghi nhận, tại khu đất này, chiếm hành lang an toàn sông Sài Gòn là cả trăm mét bờ sông đã được kè bằng bê tông kiên cố, dựng hàng rào có chăng thép gai B40, có cả cổng đi ra mặt sông dạng dành cho bến du thuyền...
Khu nhà vườn 0,9ha của bà Hoa nhìn từ trên cao cho thấy có nhiều công trình xây dựng (Hình chụp đầu tháng 6/2020).
Một bức xúc khác mà một số người dân địa phương phản ánh, là dù có nhiều dấu hiệu sai phạm như vậy nhưng bà Hoa tiếp tục được ưu ái, làm ngơ; khi xuất hiện những máy móc nhân công đến mắc điện đường chiếu sáng từ ngoài đường lớn tới khu đất. "Tiền điện chiếu sáng đó do ai chi trả? Có hay không việc địa phương hàng tháng chi trả, tức là lấy tiền thuế người dân bỏ ra để phục vụ gia đình bà Hoa?”, một người dân đặt câu hỏi.
Về phía bà Hoa, mới đây được dẫn lời trên một tờ báo địa phương, vẫn cho rằng: "Việc xây dựng công trình trên đất của tôi là hoàn toàn nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ an toàn sông Sài Gòn. Khi xây dựng công trình trên đất, tôi đều xin phép chính quyền địa phương theo quy định. Trên đất của tôi hiện chỉ có căn nhà gỗ được xây dựng để làm nơi ở, sinh hoạt của tôi, người làm vườn, nằm trên phần diện tích đất ở đã được chuyển mục đích sử dụng... Những thông tin dư luận phản ánh vừa qua về khu đất trên của tôi đã gây ra sự hiểu nhầm, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và gia đình tôi và hình ảnh của tỉnh Bình Dương...”.
Dư luận có quyền đặt vấn đề, nếu bà Hoa đã dám khẳng định như trên, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng và báo chí, tận mắt đi thực tế, kiểm tra hồ sơ sự việc để tránh việc thông tin nhiễu loạn ảnh hưởng đến quyền lợi và danh dự của bà Hoa và chính quyền địa phương?
Những phản bác đơn giản sơ sài bằng miệng như vậy mà không có các chứng cứ, hình ảnh đi kèm, không có sự giám sát của cơ quan chức năng và báo chí, sẽ khiến dư luận càng nghi ngờ về việc có một thế lực nào đó "bảo kê”, dung túng cho công trình này.
Theo Pháp Luật Việt Nam
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...