Điều tiết hợp lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu nước gây ra
- Cập nhật: Thứ ba, 9/6/2020 | 9:51:10 Sáng
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương chỉ đạo ngành điện có phương án ưu tiên cung cấp đủ nguồn điện và ổn định cho công tác bơm nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công điện về việc tăng cường công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2020, trong đó nêu rõ, hiện đang là thời kỳ cao điểm các địa phương tập trung gieo, cấy lúa Hè Thu; do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài, lượng bốc hơi lớn;
Mặc dù nguồn nước của các công trình thủy lợi đảm bảo cấp đủ lượng nước cho sản xuất và dân sinh, nhưng công tác điều tiết, phân phối nước trong thời gian qua tại một số địa phương, đơn vị đang chủ quan, chưa tập trung cao, cấp nước chưa kịp thời, dẫn đến nhiều diện tích chưa có đủ nước để gieo, cấy, thiếu nước tưới cục bộ, làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất lúa vụ Hè Thu.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh thời tiết nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài đến hết tháng 6/2020, khả năng không cấp nước kịp thời cho sản xuất vụ Hè Thu năm 2020 là rất lớn nếu các địa phương, đơn vị không có phương án cụ thể.
Để đảm bảo công tác tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vụ Hè Thu năm 2020, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiếu nước gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi tổ chức kiểm tra, đánh giá ngay những diện tích lúa Hè Thu đã gieo, cấy, diện tích sản xuất chưa có nước để gieo, cấy, nhất là những vùng ở cuối các tuyến kênh tưới; xây dựng phương án để huy động lực lượng, Nhân dân ra đồng tập trung lấy nước phục vụ sản xuất.
Các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã để huy động nhân lực, vật lực, kinh phí tập trung chống hạn, điều tiết phân phối nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, tránh tranh chấp về nước.
Các đơn vị quản lý cống ngăn mặn - giữ ngọt phải thường xuyên kiểm tra độ mặn trong nước để có kế hoạch đóng, mở cống hợp lý đảm bảo phòng, chống xâm nhập mặn; thông báo và yêu cầu các chủ quản lý trạm bơm sử dụng nguồn nước ở những vùng có ảnh hưởng thuỷ triều phải kiểm tra độ mặn trước khi bơm nước vào ruộng, tránh bơm phải nước có độ mặn cao.
Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là địa phương có vùng tưới cuối các tuyến kênh N2, N4, N6, N7, N8 thuộc hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ hiện đang bị chậm nước để có giải pháp cấp nước, lấy nước hợp lý, tránh tình trạng thiếu nước cục bộ xảy ra.
Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 và UBND các huyện: Đức Thọ, Can Lộc xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp để vừa thi công vừa đảm bảo cấp nước trên hệ thống kênh Linh Cảm; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá chất lượng nước tưới, ảnh hưởng chất lượng nước đến các đối tượng sử dụng nước trên hệ thống (nếu có) để có giải pháp cấp nước phù hợp.
Giám đốc Sở Công Thương chỉ đạo ngành điện có phương án ưu tiên cung cấp đủ nguồn điện và ổn định cho công tác bơm nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...