Đó là những vấn đề bấp cập được các đại biểu nêu ra tại Tọa đàm trực tuyến "Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, diễn ra chiều 12/6, tại Hà Nội.
Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: BT)
Là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước, tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hận – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, thực tế tại Cà Mau, là tỉnh có cao trình trung bình thấp so với mặt nước biển, đồng thời là địa phương dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, do nước biển dâng, tình hình xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền nên diện tích nước ngọt của tỉnh mỗi ngày bị thu hẹp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.
Ý thức được vấn đề này, từ năm 2015, tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, trong đó có chỉ tiêu cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, hiện, tỉnh còn trên 18.000 hộ chưa đủ nước sạch để sinh hoạt, với những hộ này, người dân phải sống từ nguồn nước từ nơi khác đến và mua với mức giá cao. Đồng thời, để triển khai nước sạch cho người dân, hiện nay, khó khăn lớn nhất của địa phương đang gặp phải là về nguồn vốn.
Chia sẻ về những bất cập trong triển khai cấp nước an toàn cho người dân hiện nay, ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh những vùng thuận lợi về nguồn nước, vẫn còn nhiều vùng khó khăn, thiếu, khan hiếm nước. Đặc biệt là vùng cao, vùng núi đá hoặc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây nguyên.
Ở khu vực nông thôn, chất lượng nước ngầm và nước giếng khoan vẫn còn thấp. Đồng thời, qua giám sát, công tác duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước một số nơi chưa được duy trì tốt, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nước. Tình trạng xả chất độc hại ra môi trường ở một số nơi đáng báo động, ảnh hưởng đến nguồn và chất nước nước. Do vậy, theo ông Nguyễn Lâm Thành, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là cần tăng cường nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước sạch.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết thêm: Mặc dù nhiều địa phương đã có Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn nhưng quy chế, cơ chế, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, dẫn đến triển khai kế hoạch chưa được triệt để.
"Trong thời gian 10 năm vừa qua, một trong những điểm thành công nhất là chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo về cấp nước cấp tỉnh. Hiện nay chúng ta đã có ban chỉ đạo về chống thất thoát, thất thoát về cấp nước an toàn. Có 49/63 địa phương đã thành lập và ban hành quy chế của Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn cấp tỉnh và 43/63 địa phương chỉ đạo phê duyệt cấp nước an toàn cùng với lộ trình triển khai thực hiện.
Chúng tôi cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo cấp nước an toàn ở các tỉnh với nòng cốt là Bộ Xây dựng và Trung tâm Y tế dự phòng của Sở Y tế. Hai cơ quan này cùng với Cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường làm nòng cốt. Hiện nay, trên cả nước về lĩnh vực cấp nước đô thị có khoảng trên 30% là các doanh nghiệp đã lập và thử nghiệp cấp nước an toàn. Cấp nước đô thị có hơn 100 doanh nghiệp thì chúng ta đã có trên 30% triển khai kế hoạch cấp nước an toàn. Chúng tôi cho rằng, khi các đơn vị đã thành lập kế hoạch cấp nước an toàn thì qua đó ông tác kiểm soát tốt hơn, giảm thiểu rủi ro. Việc tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm hoặc xây dựng các biện pháp khắc phục sự cố hay xây dựng các giải pháp hạn chế rủi ro … đã đem đến hiệu quả cao hơn.
Các đơn vị như Công ty cổ phần cấp nước Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần nước Bình Dương, Công ty CP nước Phú Thọ... và một vài đô thị lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có một bước tiến rất dài. Qua đó, cho thấy rất nhiều đô thị đã làm việc tốt về cấp nước an toàn. Tuy vậy, nhiều địa phương dù có ban cấp nước an toàn nhưng cơ chế hoạt động, tổ chức triển khai hoạt động còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương có ban chỉ đạo nhưng chỉ là hình thức, không hoạt động.
Tỷ lệ các đơn vị cấp nước ban hành kế hoạch cấp nước an toàn vẫn còn ít. Cấp nước an toàn và chống thất thoát là cái sống còn của đơn vị. Nhưng một số doanh nghiệp chưa chú trọng về vấn đề này. Hiện nay, 90- 95% các doanh nghiệp đang cổ phần hóa. Trong khi đó, những cổ đông trong công ty là những người không hoạt động trong ngành nước nên quan tâm đến lợi nhuận."
Nhằm để đảm bảo nguồn cung và chất lượng nước an toàn, tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Thắng – Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho rằng, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Đồng thời, cần giải quyết được bài toán làm sao thu hút được các nguồn lực để góp phần giải quyết các khó khăn hiện nay liên quan đến nguồn nước.
Về nguyên nhân của việc xây dựng và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn tại các địa phương thuộc khu vực nông thôn còn chậm và hạn chế, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến chia sẻ:
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch cấp nước an toàn thuộc trách nhiệm chỉ đạo của các cấp chính quyền, chỉ đạo cho các cơ quan có liên quan trên địa bàn triển thực hiện. Nhưng thời gian công tác chỉ đạo chưa thường xuyên nên công tác chỉ đạo còn nhiều vướng mắc.
Thứ hai, nhận thức của chính quyền địa phương và các tổ chức cấp nước là đẩm bảo cấp nước an toàn thì trách nhiệm của chính quyền. Nhiều khi chính quyền đá trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Thứ ba, chất lượng nước ở nông thôn không đồng đều, các trạm xử lý nước lạc hậu, quy mô cấp nước nhỏ.
Thứ tư, về nguồn nước thì ngoài việc khai thác nước ngầm thì chúng ta đang phần lớn phụ thuộc vào các công trình thủy lợi nên mang tính chất thời vụ. Đặc biệt là những tháng mùa khô việc cấp nước gặp rất nhiều khó khăn.
Liên quan đến đầu tư xây dựng, khu vực nông thôn là khu vực phân tán nên yêu cầu đầu tư cao, khả năng thu về thì nhỏ giọt nên việc thu hút đầu tư ở nông thôn còn khó khăn. Thêm vào đó, chi phí đầu tư lớn, giá nước thấp nên khả năng thu hồi vốn thấp nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Bên cạnh đó, rất nhiều công trình cấp nước an toàn được đầu tư xây dựng nhưng quản lý vận hành không chuyên nghiệp, đầu tư không đồng bộ nên tỷ lệ thất thoát, thất thu cao.
Giá nước cấp nước ở nông thôn thấp. Đó là những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc cấp nước an toàn. Mặc dù, Thông tư 08/2012/TT-BXD đã quy định cấp nước an toàn không phân biệt cấp nước ở đô thị và cấp nước ở nông thôn. Tuy nhiên ở đô thị thì việc thực hiện dễ hơn. Việc không phân biệt cấp nước giữa đô thị và nông thôn được xem là một tiến bộ.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, cần chú ý đến việc hợp nhất quản lý nguồn nước giữa đô thị và nông thôn, không có sự phân biệt giữa hai khu vực này để tận dụng năng lực tài chính và đầu tư của khu vực đô thị; đồng thời, hợp nhất quản lý nước, hệ thống đầu tư vận hành về một đầu mối. Trong đó, chú ý xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn theo từng khu vực.
"Về vĩ mô chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện về các quy định pháp luật về cấp nước an toàn. Như nhiều nước trên thế giới, họ xây dựng hẳn Luật Cấp nước. Chúng tôi thống kê được 20 nước đã xây dựng luật này. Trong luật cấp nước nói về sự ràng buộc, trách nhiệm cấp nước để bảo đảm cấp nước an toàn. Trong đó, phải quản lý rủi ro, quản lý về tài chính, quản lý đầu tư. Cụ thể, thể hiện vai trò của nhà nước, vai trò của doanh nghiệp, vai trò của người dân. Chúng tôi mong muốn nên xây dựng thành luật. Hiện nay chúng ta mới chỉ ở dạng Nghị định, Thông tư và bị các luật khác chi phối nên hiệu lực không cao.
Bên cạnh đó, chúng ta phải có cơ chế đánh giá, giám sát cấp nước an toàn. Hiện cơ chế, chính sách ban hành tương đối đầy đủ để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cấp nước an toàn."
BT