Ngược sông Mã
- Cập nhật: Thứ hai, 15/7/2013 | 1:57:51 Chiều
Sông Mã được khởi nguồn từ vùng núi rừng Tây Bắc Việt Nam, xuyên qua các thung lũng, các dãy núi trùng điệp của nước bạn Lào, rồi sau đó lại trở về với “đất mẹ” tại xã biên giới Tén Tằn, huyện Mường Lát, và hòa mình vào biển Đông, “dừng chân” sau chặng đường dài hơn 500 km của mình ở cửa biển của Thanh Hóa.
Ngạc nhiên thay, khi nhắc đến sông Mã, tuyệt đại đa số đều nhắc đến sông Mã Thanh Hóa (đoạn chảy qua tỉnh Thanh Hóa), bởi lẽ lúc này sông Mã mới trở nên linh thiêng và quật cường. Dòng sông oai hùng này đã thôi thúc chúng tôi – phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường lên đường ngược sông Mã.
KỲ I: Khởi nguồn sự sống
Trong tiếng Việt cổ, sông Mã có tên là sông Mạ - nghĩa là sông lớn, sông mẹ. Theo dân gian, dòng nước trên sông chảy xiết, nhanh và mạnh như ngựa phi nên mang tên gọi sông Mã đến ngày nay. Nơi nào sông Mã “đặt dấu chân” thì đều mang đến một nguồn sinh khí căng tràn nhựa sống, “dòng sữa” mát lành này đã, đang và sẽ luôn là khởi nguồn cho tất cả sự sống nơi đây.
1- Từ trung tâm huyện Mường Lát, theo tuyến đường vành đai biên giới Việt – Lào gần 45 phút, chúng tôi có mặt tại đầu nguồn của sông Mã xứ Thanh. Ở vùng địa đầu ấy, sông Mã ngày đêm miệt mài, cần mẫn mang phù sa thượng nguồn bồi lắng làm nên những cánh đồng xanh tươi bất tận cho vùng hạ du trước khi hòa mình vào biển cả. Với tất cả niềm hân hoan, vui mừng khôn xiết lên thượng nguồn nên chúng tôi bỏ quên một khâu quan trọng khi lên cửa khẩu, đó là làm thủ tục hoặc giấy giới thiệu qua biên giới. Sau một hồi nói chuyện và biết chúng tôi là phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường thì anh Khăm Phui – Trạm phó Trạm biên phòng cửa khẩu Sôm Păng – Tén Tằn đã hết sức tạo điều kiện cho chúng tôi tác nghiệp tại miền biên viễn này.
Bà con nhân dân Lào vui mừng thu hoạch lúa nương ven sông
Thời điểm này là lúc những ruộng lúa nương của nhân dân Lào vào vụ thu hoạch nên bà con phấn khởi lắm. Ngay từ mờ sáng, tiếng cười đùa, hò reo, xen lẫn những bài ca, câu hát đã vang động cả vùng rừng núi. Tranh thủ lúc nghỉ tay, bà Com Phòn ở xã Súp Hao, huyện Sờ Pầu, tỉnh Hủa Phăn cho biết: Những nương lúa bên dòng Nặm Mã (tiếng dân tộc Thái ở Lào, nặm có nghĩa là sông) có từ lâu lắm rồi. Hồi còn bé, bà còn nhớ các gia đình trong bản tập trung lại cùng nhau khai phá vùng hoang sơ này để làm rẫy, làm nương, rồi ngày ngày xuống sông bắt con cá, con tôm cải thiện cuộc sống. Bà cũng không thể nhớ hết bao nhiêu lần gia đình chuyển đi đến nơi mới, nhưng một điều tối quan trọng dù đi đâu thì bản làng bà vẫn gắn liền, nằm sát với dòng sông Mã. Chia tay, dù đã xuống chân núi nhưng chúng tôi vẫn văng vẳng bên tai dân bản hô vang: Cảm ơn bộ đội Hồ Chí Minh! Cảm ơn Việt Nam!
2- Trên con đường trở về, đâu đó dưới dòng nước chảy xiết, bà con nhân dân Lào cũng như Việt Nam đang cùng nhau vớt những thanh củi, gỗ sát mép sông. Một hình ảnh gợi lên nhiều ý nghĩa về tình đoàn kết, thương yêu giữa hai nước anh em, đồng thời cũng hành động nhỏ nhưng đầy sâu sắc về việc chung tay bảo vệ rừng xanh ở đây.
Dòng sông dường như hiểu được sự khó khăn, vất vả của nhân dân vùng cao nên ngay tại cửa khẩu khi đi vào Thanh Hóa, sông Mã chia “máu” của mình để hình thành nên suối Xim mang sự sống đến cho các bản làng của huyện Mường Lát như: bản Sốp Sim, bản Mường, bản Púng,…
Từ đầu nguồn trở về, sông Mã được tiếp sức bởi sông Luồng và sông Lò. Sông Lò chảy qua địa phận huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, trong tiếng Thái sông Lò còn gọi là Nặm Mo (Nặm là nước, Mo là ồn) chảy qua địa hình nhiều ghềnh thác nên dân bản gọi là Năm Mo. Được bắt nguồn từ Lào chảy qua các thôn bản của huyện Quan Sơn dọc theo Quốc lộ 217 thoắt ẩn, thoắt hiện giữa ngút ngàn núi rừng tạo hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho bất kỳ ai đặt chân lên vùng đất này. Còn sông Luồng được hình thành bởi các con suối ngắn, dốc. Chảy dọc cửa khẩu quốc tế Na Mèo, theo Tỉnh lộ 520 rồi tăng nhựa sống cho sông Mã tại khu vực Hang Phi, Hang Ma của huyện Quan Hóa. Sông Mã thực sự trở nên “hung hãn” khi được hợp sức bởi sông Luồng và sông Lò. Nhưng chính sự đâm xuyên qua rừng núi của hai con sông này mà nghề kết bè mảng xuôi dòng về xuôi đã được ra đời. Rừng luồng Thanh Hóa thuộc hàng lớn nhất Việt Nam, từ xa xưa cây luồng có mặt trong mọi đời sống sinh hoạt của đồng bào bản địa. Luồng dùng để làm nhà sàn, làm guồng nước, làm cối giã gạo, nấu cơm,… Từ bao đời nay, cây luồng xứ Thanh đã vươn xa phục vụ nhu cầu người dân khắp nơi trong và ngoài tỉnh.
Bè Luồng xuôi dòng
Anh Hà Văn Minh, ở bản Khuông, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng luồng cho biết: Khi những khóm luồng đủ độ rắn chắc, bà con sẽ khai thác, kết thành bè và dời núi xuống xuôi. Việc đi bè luồng trên sông là một nghề đầy hiểm nguy, đòi hỏi sức khỏe, sự can đảm, nhanh nhẹn và tháo vát của đấng nam nhi. Mỗi chuyến xuôi bè là một cuộc đấu trí, đấu sức với thách thức của thiên nhiên, là cuộc vật lộn với sông nước đầy rẫy hiểm nguy, đặc biệt là vào mùa mưa lũ ,chỉ cần sơ sểnh một phút là phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Anh Minh còn chia sẻ, trước kia đường bộ rất khó khăn, buôn bán xuôi bè luồng là chủ yếu, nhưng nay đường đã thuận tiện hơn, các phương tiện giao thông cũng đa dạng nên chỉ việc tập kết về các bến, bãi ven sông rồi lên xe ô tô về xuôi. Việc này tiết kiệm thời gian, công sức cũng như tăng thu nhập, tăng giá trị sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào. Một ngày nào đó, bè luồng xuôi dòng sẽ không còn nữa, dẫu biết rằng đó là quy luật của sự phát triển nhưng trong tâm khảm vẫn nuối tiếc về một nghề sông nước gắn bó lâu đời với những người con sông Mã.
3- Tiếp tục cuộc hành trình, nơi dòng sông uốn mình tạo thành những khúc quanh hình thành nên những làng chài nhỏ bé ven sông. Sự trù phú của sông Mã như một đặc ân của tự nhiên mang đến cho loài người. Gắn bó nửa đời người với nghề chài lưới trên dòng sông này, ông Cao Văn Mạnh ở làng chài ven sông thị trấn Cẩm Thủy cho biết: Ông là một trong những người đầu tiên đến sinh sống và lập làng chài ở đây, gọi là làng nhưng thực ra cũng chỉ khoảng hơn chục gia đình với từng ấy con thuyền mà thôi. Trước đây, người dân ăn uống bằng nước sông, cá tôm thì nhiều vô kể, giờ thì ít đi rất nhiều. Bên cạnh khai thác, đánh bắt, người dân nơi đây còn phát triển thêm nghề nuôi cá lồng, thu hoạch hàng năm cũng mang lại cuộc sống ấm no hơn.
Làng chài trên sông Mã
Điều dễ nhận thấy là sông Mã chảy tương đối yên hòa từ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình đến Thanh Hóa. Tuy nhiên, khoảng gần 70 km cuối cùng trước khi “hòa nhịp đập” với biển Đông thì sông Mã được hợp nhất với hai con sông lớn, hai phụ lưu chính là sông Chu và sông Bưởi. Mang trong mình một nguồn năng lượng lớn, sự hợp nhất này như một cú hích, tạo ra sự thúc đẩy, đòi hỏi sự khai phá như đánh thức lười biếng, xua tan giấc mộng mị và buộc sông Mã phải gầm lên oai hùng. Và cũng từ đây, một vùng đồng bằng trù phú, lớn thứ 3 tại Việt Nam được mở rộng và trải dài ra đến cửa biển. Sự “bao dung” vốn có của sông Mã không chỉ tạo nên những cánh đồng màu mỡ mà còn ban tặng cho xứ Thanh thân yêu nhiều loài thủy sản thơm ngon nổi tiếng. Trong đó, phải kể đến loài cá Lăng sông Mã – đặc sản nổi tiếng mà bất kỳ ai cũng muốn thưởng thức.
Bài và ảnh: Anh Tú
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...