Phú Yên: Khu phố Phước Hậu, phường Xuân Đài Có trạm cấp nước… dân vẫn “khát”
- Cập nhật: Thứ năm, 18/7/2013 | 10:34:29 Sáng
Hơn tháng qua, người dân khu phố Phước Hậu, phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) phải chống chọi với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Khu phố Phước Hậu, phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) nằm gần biển, nối với vịnh Xuân Đài, quanh bờ là đá, sỏi chông chênh, nguồn nước bị nhiễm mặn trầm trọng, khó đào giếng. Cả khu phố chỉ có 3 giếng nước nhưng vào mùa mưa tất cả bị nhiễm mặn, còn mùa nắng thì khô cạn, bỏ hoang. Vì vậy, gần 250 hộ dân ở khu vực này phải mua nước sinh hoạt của Trạm cấp thoát nước xã Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu) với giá 6.000 đồng/m3; bình quân mỗi hộ gia đình phải trả trên 60.000 đồng/tháng, đó là chưa tính đến phải mua thêm nước bên ngoài. Tuy nhiên, chất lượng nước không được bảo đảm. Chị Châu Thị Kim Vân, ở khu phố Phước Hậu, phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) cho biết: Nắng nóng, nguồn nước liên tục bị nhiễm phèn, vẩn đục, thậm chí có cặn đen đọng lại dưới đáy thùng. Nhà tôi có cháu nhỏ đang bị bệnh nên phải mua nước bình để sử dụng. Nước bị ô nhiễm nên không dám dùng để đánh răng, tắm giặt. Còn chị Nguyễn Thị Đào, ở cùng khu phố cho hay: Khi múc nước vào thùng, nước có bã dầu nhờn nổi lên mặt, thỉnh thoảng có mùi hôi rất khó chịu. Tôi phải mua nước bình nấu chín để uống. Hằng ngày, chúng tôi phải đi hơn 1km đến khu phố Khoan Hậu, phường Xuân Đài để xin nước. Tuy nhiên, mùa nắng hạn nên nước ở đây cũng bị cạn kiệt, không có để dùng. Không những chỉ bị ô nhiễm, nhiều ngày qua, nước bị cắt đột ngột, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Ông Lê Dân, Trưởng khu phố Phước Hậu, cho biết: Hầu hết các hộ dân đều sử dụng nước của Trạm cấp thoát nước xã Xuân Thọ 1. Nước bị ô nhiễm lại khan hiếm, người dân không biết lấy nước từ đâu, cuộc sống đã khó lại càng khó hơn. Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên UBND phường Xuân Đài nhưng hiện vẫn chưa được khắc phục.
Theo ông Nguyễn Thành, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài, khu phố Phước Hậu sử dụng nước của Trạm cấp thoát nước xã Xuân Thọ 1, ngoài ra không còn nguồn nước nào để dùng. Trước đây, nước ở khu vực này do Trạm cấp thoát nước TX Sông Cầu cung cấp. Sau đó, giao quyền quản lý cho ông Trần Thành Điều quản lý đường ống của Trạm cấp thoát nước TX Sông Cầu cấp cho phường Xuân Đài và tự hợp đồng mua bán nước với người dân. Tuy nhiên, trước thực trạng nước sinh hoạt không bảo đảm như hiện nay, UBND phường Xuân Đài sẽ làm việc với đơn vị cấp nước, yêu cầu khắc phục sự cố.
Theo ông Trần Thành Điều, trước khi hợp đồng cung cấp nước cho dân, nguồn nước đã được kiểm tra kỹ lưỡng, hợp quy chuẩn nước sinh hoạt nông thôn. Tuy nhiên, đường ống dẫn nước đã qua sử dụng hơn 10 năm nên bị hoen gỉ, gây ra mùi khó chịu và nước hơi đục. Nếu lấy nước từ nguồn chảy tự nhiên trên núi cũng không đủ cung cấp cho dân. Vì vậy, phải bổ sung từ nguồn nước của khu phố Khoan Hậu, hoặc mua thêm nước sạch của Trạm cấp thoát nước TX Sông Cầu. Để bảo đảm chất lượng, đủ nước sử dụng, đơn vị sẽ nhanh chóng xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, ổn định đời sống nhân dân.
“Phường Xuân Đài có 2 khu phố Phước Hậu và Khoan Hậu, nhưng nước sinh hoạt quá khan hiếm, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt cho dân, UBND phường sẽ tiếp tục kiến nghị lên các cấp, ngành chức năng có liên quan sớm giải quyết cung ứng đủ nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn”, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài Nguyễn Thành nói.
KHANG ANH
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...