Lưu ý khi lựa chọn công nghệ cho nhà máy XLNT Nhiêu Lộc - Thị Nghè

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/7/2020 | 2:09:20 Chiều

Khi lựa chọn công nghệ áp dụng cho Dự án cần đảm bảo hiệu quả xử lý của công nghệ; tiết kiệm đất xây dựng; quản lý, vận hành và bảo dưỡng phù hợp với điều kiện của địa phương; tiết kiệm năng lượng....

Công nghệ phải đảm bảo việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận
 Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 1365/BHTĐT-DA5 ngày 22/5/2020 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh xin ý kiến về việc áp dụng công nghệ xử lý MBBR và hướng dẫn thẩm định gói thầu XL-02: "Thiết kế - Xây dựng - Vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè” thuộc dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh - Giai đoạn 2 (XL-02).

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Về việc ứng dụng công nghệ xử lý nước thải MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor) cho nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè:

Theo quyết định số 4907/QĐ-UBND ngày 04/10/2014 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh – Giai đoạn 2, ngày 07/3/2019, gói XL-02 đã được Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tại quyết định số 19/QĐ-VSMT. Theo đó, đơn vị trúng thầu là liên danh Acciona Agua S.A.U (Tây Ban Nha) và Vinci Construction Grands projects (Pháp) với đề xuất công nghệ MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor) cho nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè và có thư không phản đối của Ngân hàng thế giới (WB) ngày 24/2/2019. Tuy nhiên, Chủ đầu tư và Nhà thầu cần lưu ý:

- Đối với việc lựa chọn công nghệ áp dụng, Chủ đầu tư và Nhà thầu khi lựa chọn công nghệ áp dụng cho Dự án cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Tuân thủ theo quy định tại Điều 16 - "Tiêu chí lựa chọn cộng nghệ xử lý nước thải” Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về Thoát nước và xử lý nước thải, cụ thể như: đảm bảo hiệu quả xử lý của công nghệ; tiết kiệm đất xây dựng; quản lý, vận hành và bảo dưỡng phù hợp với điều kiện của địa phương; chi phí đầu tư hợp lý; đảm bảo hoạt động ổn định khi có thay đổi bất thường về chất lượng nước đầu vào; tiết kiệm năng lượng; thân thiện với môi trường;… Phải đảm bảo việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

- Công nghệ MBBR là mô hình công nghệ kết hợp giữa dây chuyền xử lý nước thải bằng phương pháp bùn hoạt tính truyền thống (CAS) với các giá thể sinh học nhằm tăng hiệu suất phản ứng tại các bể phản ứng trong quá trình xử lý. Chủ đầu tư và Nhà thầu cần nghiên cứu, đánh giá và báo cáo UBND Thành phố Hồ Chí Minh để xem xét, quyết định lựa chọn công nghệ áp dụng bảo đảm phù hợp với điều kiện của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tối ưu hóa quá trình xử lý. Trong quá trình thiết kế, thẩm định, Chủ đầu tư và Nhà thầu cần lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn của địa phương nhằm có thêm cơ sở để đánh giá công nghệ được lựa chọn.

- Người quyết định đầu tư (UBND thành phố Hồ Chí Minh) và Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đối với quyết định lựa chọn công nghệ xử lý nước thải cho Dự án nêu trên.

2. Về công tác thẩm định thiết kế cơ sở đối với gói thầu XL-02:

- Căn cứ Điểm b, Khoản 3, Điều 57 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 thì công tác thẩm định thiết kế công nghệ của dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn trực thuộc Người quyết định đầu tư (UBND Thành phố Hồ Chí Minh).

- Căn cứ Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng thì công tác thẩm định thiết kế cơ sở của dự án thuộc trách nhiệm của Sở quản lý xây dựng chuyên ngành tại địa phương.

Theo Quang Minh/congnghiepmoitruong.vn

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...