Trách nhiệm cộng đồng trong quản lý, xử lý nước thải

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/7/2013 | 2:46:32 Chiều

Sau nhiều năm thực hiện, ngày 1-7 dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Bắc Ninh được vận hành nghiệm thu kỹ thuật tổng thể. Theo đánh giá của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn CHLB Đức, các hạng mục từng gói thầu cơ bản đáp ứng tốt về chất lượng, vận hành đạt thông số kỹ thuật. Hiện tại chủ đầu tư - Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bắc Ninh tích cực phối hợp với nhà thầu để chuyển giao công nghệ quản lý, vận hành, đồng thời tích cực tuyên truyền về quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý nước thải tại địa phương.

Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Tái thiết CHLB Đức và nguồn đối ứng trong nước, có quy mô: Cải tạo và xây dựng mới hệ thống thoát nước thành phố với tổng chiều dài 39km đường ống các loại; xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành phố Bắc Ninh công suất 28.000 m3/ngày đêm. Về hệ thống cống, thực tế cho thấy đã phát huy tác dụng trong việc tiêu thoát nước mưa, từ đầu năm 2013 đến nay chưa xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Tại ngày khai trương vận hành, 4 trạm bơm nước thải (2 trạm bơm trực tiếp và 2 trạm bơm trung chuyển nước thải về nhà máy xử lý nước thải) cùng chạy đồng loạt và theo thông số từ nhà máy, các trạm bơm đạt 13.000 m3 so với công suất thiết kế 17.000 m3/ngày đêm. Đối với nhà máy xử lý nước thải, sử dụng công nghệ C- tech (xử lý nước thải tuần hoàn bùn hoạt tính), hệ thống thiết bị xử lý hoạt động đúng thông số. Theo nhà thầu, chất lượng nước thải đầu vào và đầu ra đạt tiêu chuẩn theo thiết kế ban đầu, bảo đảm các tiêu chí bảo vệ môi trường…

Đánh giá tổng thể về đợt vận hành kỹ thuật, ông Đinh Quang Hiệp, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước cho biết: Dưới sự chứng kiến của lãnh đạo UBND tỉnh, tư vấn CHLB Đức các hạng mục thuộc 2 gói thầu vận hành thông suốt, đạt  thông số kỹ thuật đề ra. Những kết quả bước đầu khẳng định sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, nỗ lực, quyết tâm của các ngành, thành phố trong quá trình triển khai dự án. Nhìn sang các tỉnh bạn, cùng thời gian thực hiện, cùng quy mô dự án, chưa có địa phương nào đạt và vượt tiến độ thực hiện so với Bắc Ninh. Với những tỉnh thực hiện quy mô dự án bằng ½ Bắc Ninh chỉ duy nhất có Sóc Trăng đưa vào vận hành kỹ thuật trước chúng ta hơn 10 ngày (ngày 18-6).

Hiện nay, để phát huy hiệu quả dự án, chủ đầu tư bố trí lực lượng cán bộ, công nhân cùng nhà thầu vận hành nhà máy xử lý nước thải. Từng bước nắm vững công nghệ, đặc biệt là vấn đề nuôi cấy vi sinh trong xử lý nước thải phòng trường hợp sự cố (mất điện, mưa bão) xảy ra làm chết vi sinh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý nước thải. Thông qua hình thức phát tờ rơi đến từng hộ dân, sổ tay hỏi - đáp đến khu dân cư và trang bị kiến thức cho đội ngũ tuyên truyền viên của đơn vị nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc đóng góp cùng ngân sách Nhà nước trong việc xử lý nước thải, bảo vệ môi trường; bảo vệ tài sản, các công trình thoát nước, xử lý nước thải, không đổ rác, phế liệu xuống cống thoát nước.

Đơn vị cũng kiến nghị UBND tỉnh, các ngành, thành phố tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải khép kín từ các hộ dân tại những khu phố cũ thuộc đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt… ra các hố ga (theo thống kê sơ bộ, còn khoảng 3.400 hộ dân chưa đấu nối với chiều dài đường ống là 23 km, đường kính 110 - 160 mm); đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 hồ điều hòa và có kế hoạch nạo vét, quản lý các hồ trên địa bàn thành phố để tăng dung tích chứa và khả năng điều tiết mực nước khi xảy ra mưa lớn, kéo dài…

Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Bắc Ninh là công trình phúc lợi công cộng, có vài trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh. Vì vậy, trách nhiệm cộng đồng chung tay phát huy hiệu quả dự án là tiền đề quan trọng để triển khai các dự án tiếp theo.

Bài, ảnh: Hoàng An
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...