TPHCM: Xóa được ''kênh đen'' - du lịch sông nước bỗng ''lên ngôi''

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/7/2013 | 9:06:12 Sáng

Với tiềm năng về hệ thống sông ngòi và kênh rạch, TP HCM đang đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để đưa du lịch đường thủy trở thành sản phẩm chủ lực của thành phố.

Nhiều tiềm năng

TP HCM có đặc điểm có khoảng 1.000 km sông, kênh, rạch có chức năng đường thủy nội địa và hàng hải, TP HCM có một vị trí chiến lược trong phát triển du lịch đường thủy. Từ trung tâm thành phố có thể kết nối với tất cả 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và liên kết trực tiếp với tất cả các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực.

Chỉ tính riêng khu vực Q.8 được bao bộc bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch, có điều kiện thuận lợi để phát triển mạng lưới giao thông đường thủy. Đặc biệt, khi các tuyến kênh Tàu Hủ, kênh Đôi được nạo vét, xây dựng hoàn chỉnh, cùng với Đại lộ Võ Văn Kiệt chạy song song đã tạo ra cảnh quan đặc sắc ở hai bên bờ. Đây chính là cơ sở để ngành du lịch TP phát triển thêm tuyến du lịch đường thủy (DLĐT) nội đô.

Ông Trương Hoàng Phương, thành viên Tổ Nghiên cứu sản phẩm du lịch của Hiệp hội Du lịch TP HCM đánh giá, với thực trạng cảnh quan, môi trường hiện có, TP có thể triển khai đưa vào khai thác tuyến du lịch này. Ngoài nét hiện đại ở hai bờ kênh khu vực quận 1, quận 4, quận 7, để du khách cảm nhận được cuộc sống đời thường của người dân TP, quận 8 có thể khai thác thế mạnh truyền thống cảnh buôn bán trên sông, xây dựng chợ nổi để tạo hấp dẫn cho du khách, nhất là cho khách quốc tế. Tuyến này có thể xây dựng tour ngắn đi về bằng đường sông hoặc đi đường sông về bằng đường bộ trong nửa ngày hoặc một ngày.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trong những năm qua, lượng khách gia tăng mỗi năm trong hoạt động du lịch đường thủy, nhất là tuyến có cự ly trung như Bến Bạch Đằng - Củ Chi… Tuy nhiên, sự phát triển của ngành du lịch này vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng hiện có bởi hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu trên các tuyến thiếu, kém chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn du lịch.

Vì vậy, để du lịch đường sông trở thành ngành mũi nhọn, các sở ngành liên quan đã soạn thảo "Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP HCM giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020". Theo đó, thành phố sẽ cải tạo hàng loạt cầu tàu, nhà chờ bến đỗ, tổ chức các sự kiện văn hóa... với tổng số vốn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 1.000 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn xã hội hóa khoảng 10.000 tỷ đồng.

Sản phẩm du lịch chủ lực

Theo dự thảo, thành phố dự kiến sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%; doanh thu tăng mỗi năm 30%... Đến năm 2020 du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch chủ lực.

Kế hoạch từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ cải tạo và xây 50 bến đón tàu, cầu tàu và kết nối đường bộ tới các điểm tham quan; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận huyện có tuyến du lịch sông; xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ, quận 9.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP HCM cho biết, trong đề án phát triển DLĐT, ngành du lịch TP HCM sẽ xây dựng, khai thác 3 tuyến DLĐT gồm tuyến tầm ngắn, tầm trung và dài. Tuyến tầm ngắn với cự ly khoảng 3 - 5km, đi theo các kênh, rạch khu vực nội đô của thành phố.

Dự kiến trong tháng 5 này, TP HCM sẽ giới thiệu 7 tour du lịch đường sông, là các tour xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến các điểm tham quan ở Bình Quới, Củ Chi, nhà vườn Long Phước ở quận 9... TP HCM cũng sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch gắn với sông nước hàng năm tại khu vực bến Bạch Đằng - bến Nhà Rồng - cầu Mống và phát triển loại hình du lịch thể thao dưới nước, nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại Cần Giờ, Củ Chi và quận 9.

Hiện UBND thành phố đã giao cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn nghiên cứu mở tuyến du lịch tham quan cảnh trí sông nước từ trung tâm thành phố đến các chùa cổ ở quận 5, quận 6, đồng thời mở các tuyến du lịch từ trung tâm đi kênh Bến Nghé, Tàu Hủ ra kênh Tẻ về các tỉnh miền Tây. Với chiến lược này, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch đường sông sẽ là sản phẩm chủ lực của thành phố.

Thùy Trang
Theo PetroTimes.vn
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...