Hoàn thiện các công trình phòng chống mưa bão
- Cập nhật: Thứ ba, 1/9/2020 | 4:06:47 Chiều
Để chủ động ứng phó với mưa bão, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư các công trình phòng chống lụt bão như: Đê, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão… Đến nay, nhiều công trình trọng điểm đã và đang hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn tính mạng và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân.
Tuyến đê Hà Nam dài 34km đã được hoàn thành nâng cấp trong tháng 7/2020.
Tuyến đê Hà Nam (TX Quảng Yên) có chiều dài gần 34km được đầu tư tu bổ, nâng cấp sau 13 năm đã hoàn thành trong tháng 7/2020 mang về niềm vui lớn cho những người dân nơi đây. Tuyến đê với cao trình đỉnh tường chắn sóng đạt 5,5m, mái phía biển gia cố bằng đá hộc, đủ điều kiện chống chọi với bão cấp 10, cấp 11 và triều cường 5%, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho gần 60.000 người dân sinh sống, hơn 5.000ha đất nông nghiệp vùng đảo Hà Nam.
Chị Lê Thị Dung, người dân xóm Nam, xã Liên Vị chia sẻ: Đê Hà Nam được coi là lá chắn sóng, đảm bảo cuộc sống và sinh kế của cư dân trong vùng. Trước đây, tình trạng xuống cấp của đê khiến người dân luôn trong tâm trạng lo lắng mỗi mùa mưa bão. Giờ đê được hoàn thành kiên cố, bà con trong xã ai cũng phấn khởi, từ nay đã có thể yên tâm canh tác, làm việc, ổn định cuộc sống.
Cùng với tuyến đê Hà Nam, thời gian qua, nhiều công trình trọng điểm phòng chống lụt bão trên toàn tỉnh cũng được quan tâm đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo. Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp do mưa bão, biến đổi khí hậu, trong năm nay tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực gần 1.000 tỷ đồng kết hợp từ các nguồn để nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 425 tỷ đồng sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi; 173 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp đê điều; 168 tỷ đồng xây dựng các khu neo đậu trú bão cho tàu cá; còn lại là các công trình khác. Đến nay, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành và đi vào sử dụng, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân. Điển hình như các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê Đồng Rui (Tiên Yên); dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập tại khu vực Đèo Bụt (Cẩm Phả)..
Nhà thầu thi công Khu neo đậu tránh trú bão tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tháng 8/2020.
Để làm căn cứ triển khai các công trình cấp bách phòng chống lụt bão, mới đây Sở NN&PTNT đã phê duyệt phương án các vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trong đó bao gồm 5 vùng: Vùng số 1 - đê Hà Nam, TX Quảng Yên; Vùng số 2 - dân cư vùng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét; Vùng số 3 - dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; Vùng số 4 - đê tả sông Kinh Thầy, TX Đông Triều; Vùng số 5 - hồ chứa nước Yên Lập.
Trên cơ sở này làm căn cứ để các đơn vị liên quan, các địa phương trong tỉnh chủ động tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình phòng chống lụt bão; cũng như xây dựng các phương án đảm bảo an toàn phù hợp với đặc điểm khu vực, nhất là trong mùa mưa bão.
Hiện nay, trên cơ sở kết quả rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi, Sở NN&PTNT tiếp tục yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, sửa chữa nâng cao an toàn cho các công trình đê điều, thuỷ lợi, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh trong năm 2020, như: Dự án tràn xả lũ dự phòng và hệ thống thoát lũ sau tràn hồ chứa nước Khe Cát, huyện Tiên Yên; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả; Khu neo đậu trú bão cho tàu cá tại khu vực Vụng Sú Thoi Dây, huyện Đầm Hà; khu neo đậu tránh trú bão tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn...
Theo ông Phạm Phúc Quảng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh, thời điểm này đơn vị đang chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động nhân lực, máy móc tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công hoàn thiện các công trình phòng chống lụt bão như Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại phường Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả); khu neo đậu tránh trú bão tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn), theo đúng tiến độ đề ra. Qua đó, sớm đưa các công trình vào vận hành đáp ứng yêu cầu chủ động ứng phó, bảo vệ cho tính mạng, tài sản của người dân trước những diễn biến khó lường do thiên tai, mưa bão.
Nguyễn Thanh/ Báo Quảng Ninh
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...