Ít nhất 65 người thiệt mạng do cháy rừng tại Algeria

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/8/2021 | 8:24:08 Sáng

Đài truyền hình Algeria cho biết hầu hết những người thiệt mạng ở tỉnh Tizi Ouzou, phía Đông thủ đô Algiers; có 12 lính cứu hỏa đang trong tình trạng nguy kịch.

it-nhat-65-nguoi-thiet-mang-do-chay-rung-tai-algeria-1Khói bốc lên từ các đám cháy rừng tại Kabylia (Algeria), ngày 10/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đã có ít nhất 65 người, trong đó có 28 lính cứu hỏa, thiệt mạng khi hàng chục đám cháy rừng hoành hành ngày thứ 2 liên tiếp tại Algeria.
Ngày 11/8, Đài truyền hình Algeria cho biết hầu hết những người thiệt mạng ở tỉnh Tizi Ouzou, phía Đông thủ đô Algiers. Ngoài ra, có 12 lính cứu hỏa đang trong tình trạng nguy kịch.

Tổng thống Abdelmadjid Tebboune đã tuyên bố 3 ngày quốc tang tưởng niệm các nạn nhân và ngừng mọi hoạt động, trừ công tác cứu hộ cứu nạn liên quan đến cháy rừng. Chính phủ cũng thông báo sẽ hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.
Tizi Ouzou, tỉnh lớn nhất thuộc vùng Kabylie, là nơi cháy rừng nghiêm trọng nhất. Nhiều ngôi nhà đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Người dân phải sơ tán đến các khách sạn, nhà nghỉ và ký túc xá đại học ở các thị trấn gần đó.
Quân đội đã được huy động để tham gia dập tắt cháy rừng.
Trong tuần qua, cháy rừng đã lan rộng tại Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Một cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết Địa Trung Hải đã trở thành điểm nóng cháy rừng.
Cùng ngày, tại Thổ Nhĩ Kỳ, mưa lớn bất thường đã gây ra lũ lụt tại khu vực bờ biển miền Bắc làm sập một cây cầu và khiến 12 ngôi làng mất điện. Ít nhất 13 người bị thương.
Đài truyền hình TRT Haber cho biết một người ở tỉnh Bartin đã tử vong do không được hỗ trợ y tế kịp thời sau cơn đau tim, trong khi các nhân viên cứu hộ đang tìm một người mất tích.
Theo Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp và thiên tai (AFAD), một bệnh viện đã phải sơ tán khẩn cấp các bệnh nhân và nhân viên, trong khi nhiều tuyến đường tại tỉnh Sinop phải tạm ngừng hoạt động do nước lũ lên cao.
AFAD dự báo mưa lớn trong vùng sẽ tiếp diễn trong nhiều ngày tới.
Khu vực miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên chứng kiến lũ lụt vào mùa Hè, thời điểm ghi nhận những đợt mưa lớn kéo dài. Năm ngoái, ít nhất 5 người đã thiệt mạng vì lũ lụt tại đây.
Lũ lụt xảy ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ vừa phải chống chọi với những trận cháy rừng lớn nhất trong lịch sử nước này, thiêu rụi hàng chục nghìn hecta rừng ở khu vực bờ biển phía Nam trong 2 tuần qua.
Tuần này, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc đã đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ rằng sự nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra.
IPCC cho biết lượng khí thải do hoạt động của con người gây ra đã đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,1 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Mức tăng này đủ để gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng nghiêm trọng gây cháy rừng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Mỹ cũng như mưa lũ ở các nước khác trên thế giới./.

Bích Liên 
Nguồn TTXVN/Vietnam+

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...