Đề nghị công nhận Lễ hội Đô thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/8/2021 | 5:02:53 Chiều

VHO - Sau khi UBND tỉnh Bình Định có công văn gửi Bộ VHTTDL đề nghị đưa Lễ hội Đô thị Nước Mặn vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

de-nghi-cong-nhan-le-hoi-do-thi-nuoc-man-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-1Lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng 2 âm lịch.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng, Lễ hội Đô thị Nước Mặn có ý nghĩa sâu sắc bởi đó là hơi thể, nhịp đập từ trong quá khứ vọng về hiện tại và từ hiện tại hồi tưởng về quá khứ; là dịp để người dân hiểu nhiều hơn về vùng đất cảng thị và vai trò của cảng thị Nước Mặn đối với đời sống kinh tế, văn hóa Bình Định bao thế kỷ qua. Không những thế, lễ hội còn là nơi giao thoa giữa các yếu tố văn hóa đã tạo ra một sự tiếp nhận phong phú mang màu sắc lung linh, gắn bó với đời sống tinh thần của cả cộng đồng.
Đề cử di sản văn hóa
Lễ hội Đô thị Nước Mặn là một trong những lễ hội dân gian có quy mô lớn, ra đời sớm ở Bình Định và được kiểm kê, đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bình Định năm 2012. Hằng năm, lễ hội được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 (âm lịch); có thể ngày 29 hay ngày 30 tùy tháng thiếu hay đủ và có thể kéo dài thêm 2 hoặc 3 ngày của tháng 2 âm lịch. Lễ hội là một hồi ức về cảng thị lớn nhất phủ Quy Nhơn thuở trước, đã suy tàn và hóa thân thành thành phố biển Quy Nhơn ngày nay.
Được biết, ngày 2-8, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký công văn số 4662/UBND-VX gửi Bộ VHTTDL về việc đề cử Lễ hội Đô thị Nước Mặn đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong công văn nêu rõ, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Sở VHT phối hợp với UBND huyện Tuy Phước và các tổ chức, cá nhân liên quan lập hồ sơ khoa học Lễ hội Đô thị Nước Mặn trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, hồ sơ lễ hội đã hội đủ điều kiện quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30-6-2010 của Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nội dung công văn còn thông tin, Lễ hội Đô thị Nước Mặn nhằm tôn vinh đúng giá trị đích thực về lịch sử, văn hóa, đồng thời định hướng cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị của một di sản lễ hội truyền thống trong quá trình hội nhập, phát triển bền vững. UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ VHTTDL quan tâm xem xét, quyết định ghi danh, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích lịch sử chùa Bà cho biết: Lễ hội Đô thị Nước Mặn ngày nay đã được phục hồi, nhưng đã có sự biến đổi, giao thoa trong diễn trình lịch sử. Về nội dung và hình thức cho phù hợp với công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu của dân tộc, trình tự nghi lễ đã được các nghệ nhân, lão thành địa phương tiến hành theo tâm thức trao truyền, phần hội được kéo dài thêm sang vài ngày tùy từng năm nhằm phục vụ đông đảo bà con và khách thập phương. Người dân rất mong muốn, Lễ hội Đô thị Nước Mặn sớm chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghi thức rước biểu trưng quanh làng.
Theo ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, chính quyền huyện thay mặt các tầng lớp nhân dân xã Phước Quang và các vùng có liên quan trên địa bàn, các nghệ nhân, người nắm giữ di sản Lễ hội Đô thị Nước Mặn đang thực hành, trao truyền loại di sản này diễn ra tại Chùa Bà và một số điểm trên địa bàn thôn An Hòa, tự nguyện đề cử Lễ hội Đô thị Nước Mặn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cũng theo ông Tân, UBND huyện Tuy Phước cam kết tự nguyện và tích cực bảo vệ, cũng như hợp tác và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đô thị Nước Mặn theo quy định pháp luật. Đặc biệt, tự nguyện trao truyền cho Sở VHTT Bình Định và Bộ VHTTDL quyền sử dụng đối với những tài liệu, hình ảnh, tiếng nói do các nghệ nhân, quần chúng nhân dân chúng tôi cung cấp hoặc thực hành để xây dựng hồ sơ khoa học di sản phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, không vì mục đích lợi nhuận.
Đó là hơi thở, nhịp đập theo dòng lịch sử
Trong hồ sơ khoa học Lễ hội Đô thị Nước Mặn gửi Bộ VHTTDL, Sở VHTT Bình Định khẳng định, Cảng thị Nước Mặn ra đời vào đầu thế kỷ XVII như một minh chứng cho sự phát triển phồn vinh đó. Mặc dù cảng thị Nước Mặn không thể so sánh với Hội An (Quảng Nam) và Thanh Hà (Huế) về quy mô, nhưng vai trò của nó không thể phủ nhận. Nước Mặn là địa điểm diễn ra quá trình nghiên cứu việc La Tinh hóa tiếng Việt, góp phần quan trọng vào việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Tuy chỉ tồn tại trong vòng hơn một thế kỷ (đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ thứ XVIII) nhưng văn hóa Nước Mặn thật sự tỏa sáng, thể hiện sự tài hoa của những con người trên vùng đất này, đã chắt lọc những gì tinh túy nhất, tạo nên dòng văn hóa đặc sắc một thời.
Nghiên cứu gia phả một số dòng họ ở An Hòa, như họ Quách, họ Thái, họ Dương người Minh Hương cựu thuộc ở Bình Định cho biết, khoảng năm 1610 có các thuyền buôn người Hoa vào cửa Thị Nại (cửa Thử) theo sông vào đất liền vài ba cây số, lập phố buôn bán cùng người Việt và thương nhân nước ngoài, làm cho Nước Mặn trở thành một đô thị, thương cảng ven biển Quy Nhơn. Như vậy, cùng với người Việt, người Hoa Minh Hương vào Nước Mặn đông đúc thì Chùa Bà đã được xây dựng. Buổi đầu là một ngôi miếu đơn sơ, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận người Việt, người Hoa mới định cư ở khu vực phố cảng và một số người Hoa là thương nhân đến Nước Mặn buôn bán. Họ thường đến đây đi lễ để tỏ lòng cảm ơn Thiên Hậu đã phù hộ cho họ di cư an toàn đến vùng đất mới. Từ đó, chùa Bà ra đời ("Chùa” theo cách gọi của người Việt). Khi người Hoa hòa nhập vào cuộc sống của người Việt, nhiều yếu tố văn hóa của người Hoa được người Việt tiếp thu và ngược lại.
Một cảnh rước sắc ở Lễ hội đô thị Nước Mặn.
Ở góc độ di sản, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc, Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian Bình Định cho biết: Tên Nước Mặn không được ghi trong bộ chính sử Việt Nam thời phong kiến nhưng lại được ghi trong các gia phả người Hoa Minh Hương sinh sống ở đây. Đầu thế kỷ XVII, nằm trên con đường tơ lụa trên biển giữa Hội An và Nước Mặn với một số trung tâm thương mại quốc tế được thể hiện trên bản đồ vẽ vào năm 1608 có hai địa danh được thương nhân nước ngoài thường đến buôn bán là Hải Phố (Hội An) và Thị Nại (tức Nước Mặn) nằm trên đường hàng hải đến với Vuconva (tức bắc Philippines).
Theo ông Ngọc, hơn 400 năm "có mặt” giờ dấu vết còn lại của cảng thị Nước Mặn tuy có phần mờ nhạt nhưng Lễ hội Đô thị Nước Mặn đang được bảo tồn, phục dựng những nét đẹp trong diễn trình lịch sử, mặc dù nhiều chi tiết, hoạt động của lễ hội trải qua sự thay đổi theo thời gian. Lễ hội là sự hòa quyện, kết nối giữa hiện tại và quá khứ. Và lễ hội càng có ý nghĩa hơn bởi đó là hơi thở, là nhịp đập từ trong quá khứ vọng về hiện tại và từ hiện tại hồi tưởng về quá khứ.
Ông Ngọc nhìn nhận, ngoài nghi thức rước biểu trưng "Ngư - Tiều - Canh - Mục”, trong những năm đến, các nhà nghiên cứu, cần định hướng phục dựng hoạt động thể hiện nơi phôi thai chữ Quốc Ngữ trong diễn trình lễ hội. Riêng di tích Chùa Bà đã được chính quyền địa phượng thực hiện quy hoạch, mở rộng khu vực tôn tạo, khai thác sử dụng, phục vụ khách tham quan di tích và phục vụ hoạt động lễ hội Đô thị Nước Mặn hàng năm. Việc tôn vinh các nghệ nhân, những người cao niên đang nắm giữ vốn di sản lễ hội Đô thị Nước Mặn cũng như các di tích cổ văn hóa cảng thị Nước Mặn là một yêu cầu đặt ra đối với việc bảo tồn, phát huy trong thời hội nhập. Ở họ, ngoài ý thức gìn giữ, còn là nhân chứng sống.
Theo ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định, di tích Chùa Bà, không gian chính diễn ra lễ hội đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích văn hóa năm 2010. Hiện nay, chính quyền địa phương phối hợp các cơ quan chức năng đang thực hiện các bước quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết cho Khu di tích Chùa Bà và ở đó cần quan tâm đúng mức để đảm bảo tiêu chí về môi trường, cảnh quan, khu vực diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian. Đây là bước khởi điểm để đạt tới mục tiêu về một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn trong tương lai, nằm trong tuyến tham quan nghiên cứu, khám phá di sản văn hóa từ các điểm di tích Mộ Đào Tấn, tháp Chăm Bình Lâm, Nhà Lưu niệm Xuân Diệu, Chùa Bà, Võ đường Phi Long Vịnh, dòng võ chùa Long Phước, Tiểu Chủng viện Làng Sông… phục vụ du lịch và nhu cầu xã hội.

Phan Hiếu
Nguồn vanhoaonline.vn 

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...