Chất lượng nước sinh hoạt nông thôn: Cần nâng cao nhận thức cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/8/2021 | 2:41:14 Chiều

15 năm công trình nước sạch nông thôn thôn Khánh An, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đi vào hoạt động đã nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn nơi đây.

Cán bộ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Tuyên Quang kiểm tra chất lượng nguồn nước.
Ông Lê Trung Thành, thôn Khánh An phấn khởi cho biết, nước cấp từ công trình về rất trong, thoải mái cho người dân sinh hoạt, bà con trút bỏ được nỗi lo về nước. Theo ông Thành, trước chưa có công trình cấp nước gia đình ông và nhiều hộ dân trong thôn sử dụng nước sông, nước lần từ khe núi, chất lượng nước không đảm bảo, đặc biệt mùa mưa lũ, nước rất đục, mùa khô nước rất khan hiếm.
Ông Hoàng Huy Toàn, Trưởng Ban Quản lý công trình cấp nước sinh hoạt xã Thái Hòa (Hàm Yên) cho biết, trung bình mỗi ngày công trình cấp khoảng 120 m3 khối nước cho 370 hộ dân thuộc 5 thôn gồm: Khánh An, Tân An, Soi Long, Khánh Hòa và Quang Thái. Đảm bảo chất lượng nước, ngoài việc duy tu bảo dưỡng thiết bị, đường ống dẫn nước, Ban Quản lý nghiêm cấm hoạt động canh tác, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên vùng sinh thủy gây ô nhiễm nguồn nước. Nhờ vậy, công trình hoạt động hiệu quả, chất lượng nguồn nước  được bảo đảm.
Đồng bào dân tộc Mông, thôn Tòng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cũng đã được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng. Ông Hầu Văn Sình phấn khởi cho biết, "công trình cấp nước của Nhà nước đặt ngay đầu thôn, đường ống dẫn về mỗi nhà tiện lắm. Nguồn nước bảo đảm nên không bị bệnh ngoài da hay đau mắt nữa”.
Ông Cao Xuân Huy, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Tuyên Quang cho biết, hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn hiện nay đều được đầu tư xây dựng đồng bộ, chất lượng nước đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý khai thác để đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho người dân, các tổ quản lý, khai thác công trình phải thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ nguồn sinh thủy, tuyệt đối không canh tác, chăn thả gia súc... Năm 2013, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Tuyên Quang đã được Cơ quan hợp tác Phát triển quốc tế Australia hỗ trợ đầu tư xây dựng phòng xét nghiệm chất lượng nước với mục tiêu phân tích, đánh giá chất lượng nước giúp đơn vị chủ động xây dựng và đề ra những giải pháp can thiệp phòng chống, xử lý các nguồn nước, các công trình cấp nước bị ô nhiễm nhằm duy trì chất lượng nguồn nước đảm bảo sức khỏe, đời sống cho người dân nông thôn và cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, phòng xét nghiệm nước của trung tâm mới thực hiện công tác nội kiểm xét nghiệm, đánh giá chất lượng các công trình cấp nước do trung tâm được giao quản lý. Phòng xét nghiệm chưa đủ điều kiện công bố kết quả xét nghiệm nước theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 41/2018/TT-BYT, ngày 14-12-2018. Để công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sinh hoạt đúng với các quy định, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả sau đầu tư, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí để trung tâm thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 và đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, ngày 1-7-2016.
Đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Tuyên Quang không ngừng phối hợp với cơ quan liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...