Chi hàng ngàn tỷ đồng, sao vẫn ngập?
- Cập nhật: Thứ bảy, 10/8/2013 | 9:14:19 Sáng
Dư luận đặt câu hỏi vì sao Hà Nội đã chi hàng ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước, các trạm bơm nhưng kết quả vẫn điệp khúc cứ mưa lớn là ngập.
Cho đến trưa qua (9/8), dù trên địa bàn Hà Nội trời đã tạnh mưa nhưng nhiều khu vực dân cư, nhiều tuyến phố vẫn bị ngập úng. Điều đáng nói, trong hai ngày qua không chỉ những khu vực nội thành bị úng ngập cục bộ gây ùn tắc giao thông, mà tại ngoại thành, nhất là lưu vực sông Nhuệ (phần hạ du) do bơm nước từ nội đồng ra nên tuyến đường dọc 2 bên sông, nhiều điểm đã bị ngập úng, giao thông bị đình trệ.
Nhiều người dân được chủ xe thuê với giá 700 nghìn đồng đẩy xe thoát khỏi chỗ ngập. Ảnh: Ngọc Châu. |
Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, khu vực nội thành xảy ra 22 điểm úng ngập. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên cả Hà Nội có đến hàng trăm điểm ngập úng từ nội thành đến ngoại thành. Điều đáng nói, có nhiều khu vực không nằm trong danh sách điểm “đen”, nhưng nay lại bị ngập úng như khu vực một số tuyến phố cổ, khu vực hồ Gươm, hay như khu vực khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông)...
Nhiều tuyến đường bị nước nhấn chìm khiến giao thông bị chia cắt. Đặc biệt, các tuyến đường 70, Trần Bình, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh… một ngày sau khi tạnh mưa vẫn mênh mông nước.
Hàng trăm họng bơm nước của Hà Nội đổ vào sông Nhuệ, khiến bờ đê cao gần chục mét cũng bị tràn. Ngay từ 4h sáng ngày 9/8, Bộ Tư lệnh Thủ đô phải huy động hàng trăm chiến sĩ phối hợp cùng nhân dân ra cứu bờ đê sông Nhuệ đoạn qua huyện Từ Liêm.
Đến chiều ngày 9/8, hàng trăm mét trên mặt đê sông Nhuệ được gia cố bằng những bao đất, cát và cọc tre, nhưng áp lực nước quá lớn nên nhiều đoạn đê vừa được gia cố đã bị rỉ nước. Mực nước sông Nhuệ cao hơn nội thành khoảng 1m, áp lực nước lớn gây nguy hiểm cho bờ đê nên Cty Thoát nước Hà Nội buộc phải kiến nghị thành phố cho phép mở cửa cống Thanh Liệt tràn ngược vào nội thành.
“Mục đích của việc này để dẫn nước từ sông Nhuệ vào sông Tô Lịch ra trạm bơm Yên Sở thoát qua sông Hồng như kịch bản thoát nước của trận lũ lịch sử năm 2008. Hiện chúng tôi cho bơm nước từ từ để đảm bảo không tràn vào khu dân cư tại nội đô, không tái ngập cho thành phố”, đại diện Cty Thoát nước Hà Nội cho biết.
Nhân viên công ty thoát nước đẩy xe giúp người có xe bị chết máy. Ảnh: Ngọc Châu. |
Lý giải về tình trạng nhiều khu vực dân cư, nhiều tuyến phố bị ngập úng trong các ngày qua, ông Nguyễn Lê - Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội cho biết: “Nếu tính lượng mưa trong một ngày thì các trận mưa vừa qua còn lớn hơn các trận mưa trong trận lũ lịch sử năm 2008 xảy ra ở Hà Nội. Cụ thể, lượng mưa trong ngày 8/8 đo được tại Long Biên là gần 300mm, trong khi đó năm 2008 lượng mưa trong bốn ngày chỉ diễn ra trên 600mm. Nếu chia cho các ngày thì năm 2008 chỉ từ 150 đến 170mm, còn năm nay lượng mưa lớn hơn nhiều. Cũng may là lần này mưa chỉ diễn ra trong hai ngày chứ kéo dài thì rất nguy”.
Theo ông Lê, việc ngập úng xảy ở khu vực hồ Gươm và các tuyến phố cổ nội đô trong các trận mưa vừa qua là không thể tránh khỏi. “Với các trận mưa dài liên tục như thế mà hết ngập ngay là rất khó. Nó phải có thời gian để thoát nước, hơn nữa quá trình đô thị hóa nhanh, trong khi hệ thống thoát nước vẫn đang trong quá trình hoàn chỉnh”, ông Lê nói. Lãnh đạo Cty thoát nước cho rằng, so với năm 2008 thì nay hệ thống thoát nước của Hà Nội đã được cải thiện nhiều.
Tuy nhiên, lại phát sinh một số điểm ngập úng ở khu vực đường vành đai, khu vực ngoại thành. “Do lượng mưa lớn, dồn dập trong thời gian ngắn nên đã xảy ra úng ngập tại 22 điểm với mức độ từ 0,15 - 0,3m. Đây là các vị trí dự kiến xảy ra úng ngập trong phương án thoát nước mùa mưa 2013 và đang trong giai đoạn cải tạo của dự án thoát nước cũng như một số dự án khác đang triển khai.
Còn tại khu vực bờ tả sông Nhuệ, dù đã vận hành các trạm bơm Đồng Bông I, Đồng Bông II, Thanh Bình… hết công suất, nhưng do mực nước trên sông Nhuệ lên quá nhanh nên khu vực đường Pham Hùng- khu toà nhà Keangnam nước rút chậm. Hơn nữa, hệ thống thoát nước của tuyến đường Nguyễn Xiển đến Phạm Hùng vẫn chưa được bàn giao nên chưa có đơn vị chuyên môn quản lý khắc phục những tồn tại’’, ông Trần Trọng Văn - Phó Tổng giám đốc Cty Thoát nước lý giải.
Trả lời câu hỏi, sau trận lũ lịch sử năm 2008, Hà Nội đầu tư hàng nghìn tỷ để nâng cấp các trạm bơm, nạo vét các hồ chứa, kênh mương dẫn nước, tuy nhiên, từ đó đến nay năm nào vào mùa mưa cũng có một vài lần Hà Nội chìm trong biển nước? Đại diện Cty Thoát nước Hà Nội cho rằng, công suất thiết kế của dự án thoát nước Hà Nội (giai đoạn 1) đã hoàn thành, hệ thống thoát nước thành phố đủ sức chống chọi với lượng mưa 172 mm trong 2 ngày.
Do đó, với lượng mưa lên tới hơn 180 mm trong hơn 12h, việc nhiều tuyến đường trong khu vực nội thành bị ngập nặng là điều không thể tránh khỏi. “Hiện nay giai đoạn 2 của dự án thoát nước Hà Nội đang được triển khai. Khi hoàn tất, dự án sẽ nâng sức tiêu thoát nước lên 310 mm trong 2 ngày. Tuy nhiên, với một số “điểm đen” trong nội thành, nguy cơ úng ngập cục bộ trong thời gian ngắn vẫn thường trực khi trời mưa lớn trên 100 mm”, một cán bộ phân tích.
Qua tìm hiểu được biết, dự án thoát nước Hà Nội (giai đoạn II) đã được thi công từ tháng 11/2008 với tổng số vốn ban đầu là 6.500 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Theo kế hoạch dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2014, tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều hạng mục thi công vẫn còn dang dở. Đặc biệt, đến nay số kinh phí của dự án đã bị đội lên khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do phát sinh tiền đền bù GPMB. Trong thời gian qua, Hà Nội cũng đã chi hàng tỷ đồng cho việc đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước, xây dựng, nâng cấp các trạm bơm. Riêng tổng mức đầu tư của trạm bơm Yên Sở (giai đoạn II) là 204 tỷ đồng và 1.003 triệu Yên Nhật. |
Nhóm PV thời sự
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...