Khảo sát nhiều nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội, thì thấy tình trạng mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị; như tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, ống nước thải bị hỏng, nước chảy ra sàn. Tại Công viên Lê-nin, Vườn hoa Lê Trực, vòi nước, bồn tiểu bị hỏng, trùm túi nilon. Tại cổng chính Công viên Thống Nhất, nhà vệ sinh thuộc dự án xã hội hóa 1.000 nhà vệ sinh công cộng xuống cấp sau 5 năm sử dụng, mùi xú uế nồng nặc. Hầu hết địa điểm đều không có xà phòng, phần vỏ ngoài bị bong tróc, gỉ sét, bồn cầu ngồi xổm lạc hậu vẫn phổ biến.
Một số người dân bày tỏ:
Em ở quê mới lên. Quê em loại ý rất bình thường.
Cô cảm giác đi vào đấy mất vệ sinh nên cô không sử dụng các nhà vệ sinh đấy.
Mùa hè oi ả bốc mùi lên kinh lắm! Nhỡ nhàng "nặng” thì mới vào chứ "nhẹ” thì tôi cứ ra gốc cây.
Mình muốn nhà vệ sinh công cộng trước tiên phải sạch sẽ. Thứ hai là thiết bị nó phải hiện đại một chút.
Bồn cầu ngồi xổm lạc hậu vẫn là thiết bị phổ biến tại nhiều nhà vệ sinh công cộng
Trả lời phóng viên VOV Giao thông, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện thành phố có trên 400 nhà vệ sinh công cộng, gồm trên 250 nhà bằng gạch xây trước năm 1990 tại các khu dân cư, số còn lại bằng thép tại đường phố, vườn hoa công cộng,… Đây rõ ràng là con số quá nhỏ so với dân số thủ đô là hơn 8 triệu người.
Các nhà vệ sinh công cộng do quận, huyện quản lý được duy trì theo hình thức đấu thầu lĩnh vực vệ sinh môi trường. Đối với các nhà vệ sinh công cộng do Công ty Vinasing lắp đặt, việc duy tu thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư, hiện vẫn đang trong thời gian triển khai Dự án.
Vỏ ngoài công trình bong tróc, gỉ sét
PGS. TS. Nguyễn Đinh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội nước và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hai đô thị lớn nhất cả nước có điểm chung là nhà vệ sinh công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu do thiếu quỹ đất dành cho không gian công cộng: 'Nguyên nhân có thể nói bắt nguồn từ văn hóa. Với người Việt Nam, vấn đề vệ sinh không được chú trọng lắm. Từ đó dẫn tới xây dựng các nhà vệ sinh công cộng khá là thiếu quỹ đất. Và quy hoạch xây dựng các khu đô thị không đặt điều kiện phải sử dụng một số diện tích nhất định cho nhu cầu công cộng'.
Bên cạnh giải pháp từ khâu quy hoạch, PGS. TS. Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, các thành phố nên đẩy mạnh xã hội hóa: 'Kinh phí đầu tư đầu tiên có thể có, nhưng trong quá trình vận hành, để bảo trì, sửa chữa, nâng cấp thì bất cập. Thế giới họ đã tư nhân hóa từ lâu rồi.
Tư nhân họ chăm sóc nhà vệ sinh cho đẹp, sạch sẽ, xong họ thu tiền. Phí này không đáng bao nhiêu với thu nhập của người dân cả. Nhà nước không nên bỏ tiền làm nhà vệ sinh nữa'.
Minh Hiếu
Nguồn vovgiaothong.vn