Khát khô dòng ký ức

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/9/2021 | 5:52:06 Chiều

Tôi thèm những con nước chảy về từ ký ức. Có nhiều lúc ngồi viết, tôi muốn dẫn một dòng nước chạy ngang bàn viết của mình.

"Nhà tôi là một khu vườn bí mật. Cái cầu thang đẽo ra từ một khối đá lớn. Ông nội tôi nói là ông cố làm cầu thang từ hai trăm năm trước, có hàng tỷ bước chân trên cái cầu thang này. Nghĩa là nhà tôi cũng một dạng tỷ phú rồi đó.
Cái lan can nhà là loại gỗ bằng lăng sống trong rừng già. Nó đã ba bốn trăm tuổi. Nó đã nghe tiếng kêu của hết thảy muông thú trong rừng. Cái bàn giữa nhà có lót một tấm thủy tinh dày. Thủy tinh được nấu từ những hạt cát trắng nhất có từ xa xưa lắm.
Cạnh bàn còn một cái võng đan bằng sợi lục bình nằm rất là êm lưng. Lục bình thì không sống lâu năm nhưng nó trôi bập bềnh và đã gặp rất nhiều những câu chuyện cá tôm lượn bơi trong nước. Tôi hay cùng ông nội nằm trên cái võng nghe ông nội nói thơ Lục Vân Tiên và khám phá những bí mật trong ngôi nhà quen thuộc của mình”.
Những gì tôi từng viết về ngôi nhà mơ ước này đúng là mơ ước. Một ngôi nhà không quá lớn lao nhưng nơi đó có sự hình dung lớn lao của một người ông giàu suy tưởng. Tôi không có người ông đó vì ba má tôi mồ côi khi họ còn thơ ấu. Tôi mơ ước có người ông nên suy tưởng ông cũng như suy tưởng ra ngôi nhà chất chứa những ký ức ngàn đời của từng khối nhỏ chất liệu đất đá gỗ thủy tinh, những khối chất liệu đã trầm tích trong đó lớp lớp thời gian tưởng không bao giờ đong đếm được.  
khat-kho-dong-ky-uc-1Những ngôi nhà giản dị ngồi trên lưng con nước cuộn tràn sức sống của thiên nhiên giờ đã thưa vắng ở miền Tây... Ảnh: CTV
Ngôi nhà thực tế tôi từng ở không như vậy. Ngôi nhà của người bà góa bụa không có bóng dáng người đàn ông chu đáo nên nó cứ dột hết mùa mưa này đến mùa mưa khác. Tôi hồn nhiên che tấm nhựa da rắn trên nóc mùng và nghiêng một bên cho dòng nước mưa đổ xuống bên hông. Những đêm ngủ mê, nghe nước mưa xối ào ào bên thành giường, tôi chiêm bao thấy mình đang đi tắm dưới chân con thác lớn. 
Có ai mơ ước một ngôi nhà lá dột quanh năm, có ai mơ ước một ngôi nhà sàn ván đã mục, đã long đinh qua những mùa ngâm mình trong dòng nước lũ Mê Kông dài đăng đẳng? Ngủ trong nhà, tôi mơ những giấc mơ tung cánh thoát khỏi nhà. 
Tôi chỉ thèm những con đường khô ráo bốn mùa để xe có thể bốn mùa vào tận cửa nhà. Tất cả những người sống trên lưng con nước đều mơ ước như vậy. Một giấc mơ chung vô cùng chính đáng. Khát khao của những người dân quê hiền lành chân chất đã động lòng những nhà khoa học. Những cánh đồng khô ráo bốn mùa đã chiếm lĩnh châu thổ tưởng như đã mãn đời đẫm lũ Mê Kông. Những dự án thoát lũ biển Tây đã đem đến những con đường khô ráo liên mùa. Xe có thể bốn mùa vào tận cửa buồng.
Khi tôi lớn lên, khi đã là một người gợi tưởng tượng, đi tìm những ngôi nhà mơ ước cho học trò và độc giả nhí của mình, tôi ngỡ ngàng nhận ra quê mình đang đói khát. Cá đầy ao, rau cải lúa thóc đầy những cánh đồng thoát lũ thành công nhưng quê mình vẫn đang đói khát. Những đập thủy điện đã nhấn chìm những trảng rừng, những trảng trấp bên những thung lũng thượng nguồn. Để rồi mùa mưa về, cơn lũ ào ạt vô cảm tuôn qua hồ thủy điện đổ ào ạt ra sông, xô nhau ầm ầm ra biển.
Nước không chút quyến luyến như nó từng quyến luyến chốn rừng rậm, chốn bưng biền đồng trấp như những ngày xưa. Đồng trấp đâu còn mà cầm chân từng con nước cho đàn cá tìm về đẻ trứng sinh sôi. Lũ vội vàng đi cũng là vội vàng đổ ra sông ra biển cả nguồn khoáng chất vô cùng quý báu mà nó kỳ công bào mòn tích cóp từ đồi núi thượng nguồn. Nước về đồng bằng đã không còn theo quy luật mang tên con nước rong con nước kém. Không còn những buổi tối ngồi nghe người lớn nhắc về mưa nước lên mưa nước giựt cũng như con nước phân đồng. Để rồi dòng nước ít ỏi còn đọng giữa đồng bằng vừa khô cạn vừa nghèo nàn, món ăn vừa thiếu khoáng trầm trọng và thừa thuốc bảo vệ thực vật. 
Cả khoáng, cả những thức ăn trong lành cần cho sức khỏe mỗi người, mỗi ngày đã trở thành những món hàng xa xỉ. Những người đô thị thừa mứa tiền bạc cũng phải mơ ước trong khi ngày xưa nó tràn ngập quanh những mái nhà lá đơn sơ. Ngôi nhà mà tôi bỏ chạy suốt thời thơ ấu lại là ngôi nhà mơ ước thực tại của rất nhiều người. Bởi ngày nay ai cũng có thể cất được những ngôi nhà sàn tiện lợi trăm bề, lộng lẫy xinh tươi mọi hướng nhưng không ai tìm được mùa nước lụt quanh nhà như những năm nào. Không tìm được một nơi mà mình được nằm ngủ giữa những tiếng cá ăn móng, giữa những làn gió mát lành mang đầy hơi nước. Không ai có thể tạo được một sự sống trong lòng con nước ngập tràn khoáng và cả những nguồn thức ăn giàu khoáng. Và sau lũ, mùa nước cạn là mùa những cánh đồng thu hoạch hương vị phù sa đẫm khoáng nhờ dòng nước lũ.
Khi tôi lớn lên, khi đã là một người gợi tưởng tượng, đi tìm những ngôi nhà mơ ước cho học trò và độc giả nhí của mình, tôi ngỡ ngàng nhận ra quê mình đang đói khát.
Ngày nay để có được những ngôi nhà thủy tọa nổi trên mặt nước hồ nhân tạo thì con người phải tốn rất nhiều tiền. Còn những ngôi nhà giản dị ngồi trên lưng con nước cuộn tràn sức sống thiên nhiên thì… bao nhiêu tiền cũng không mua được! Ngồi trong những ngôi nhà cao cẳng khát khô nguồn nước tự nhiên, trong không gian khô ráo mãn tính đó, tôi thấy như mình đã nóng nảy khô khan mãn tính, khô như những ngôi nhà thiếu hơi con nước lũ.
Tôi thèm những con nước chảy về từ ký ức. Có nhiều lúc ngồi viết, tôi muốn dẫn một dòng nước chạy ngang bàn viết của mình. Một dòng nước có gấp khúc có uốn lượn để tôi nghe được tiếng nước đang trăn trở đâu đó bên tai. Tôi thèm đến độ ngủ chiêm bao thấy được những trưa ngồi trên cầu thang nhà lượm những miếng lưới rách để giăng chơi mà gỡ được những con cá linh vảy bạc nhảy soi sói. Giấc mơ xa xỉ nhất trong đời. 
Tỉnh giấc mơ đẹp bao giờ cũng là nỗi chán chường thực tại. Tôi lại nghe khô ráo trùm phủ cả không gian. Rồi tôi tự hỏi liệu một mai nào đó ở một tương lai nào đó tôi có mơ về nơi này, cái nơi tôi đang sống, đang khát khô nguồn nước lũ. Có khi nào nơi này lại là một ngôi nhà mơ ước của một tương lai nào đó.
Dịch bệnh tràn ngập ngoài kia, nạn kiếp khủng khiếp bao phủ cả hành tinh, những người bệnh nằm bên những cái máy trợ thở quá đắt tiền chỉ để có được chút ít dưỡng khí mà những khi bình thường, người ta không cần tốn đồng nào vẫn được hưởng những dòng dưỡng khí chất lượng gấp trăm lần. Tôi thấy yêu quý làm sao làn không khí trong lành, thấy thương những tế bào bình thường của cơ thể mình, khâm phục công trình hoàn thiện của vũ trụ trong mỗi cơ thể sống. Mỗi cơ thể sống là một báu vật dẫu đó chỉ là cơ thể của một người rất vô dụng nào đó. Tôi ngỡ ngàng nhận ra ngôi nhà khô ráo không dịch bệnh của mình là báu vật. 
Ngôi nhà mơ ước của mình không còn là ngôi nhà đã mất, cũng không phải là ngôi nhà hoàn thiện nào đó mà chính là ngôi nhà có thể đem lại cho mình làn không khí trong lành. Con đường đẹp nhất chính là con đường mỗi ngày mình khỏe mạnh để bước những bước ung dung. Đêm đêm nằm trong cái nhà gọn như cái lò gạch của Chí Phèo nghe dây leo lội chằng chịt trên mái nhà, nghe tiếng con sóc chuột tức tức cả đời bên mấy cây xoài nhả hột mà thành cây lại thấy thỏa mãn lắm rồi.
Ví như dịch bệnh tràn đến, tôi có được ngồi yên ở đây mà thở những hơi thở nhẹ nhàng, cho dòng dưỡng khí thấm sâu tận những tế bào? Tôi ngồi im hít thở sâu từng làn không khí có hơi thở của xoài của mãng cầu và của cả những dây leo. Tôi nhón nhẹ chân đi trên đám lá khô để nghe tiếng lá nói gì đó dưới chân mình. Những tiếng nói thân thuộc. Tôi cứ tận hưởng những gì bình dị nhất như là mình đang ở giữa ngôi nhà mơ ước. 
Lẽ nào tôi đã thôi mơ ước về mọi thứ quý báu đã mất hoặc chưa với tới. Không, tôi vẫn cứ mơ ước về một nơi mãi mãi chưa từng đặt chân đến. Cũng chẳng sao. Vẽ giấc mơ và vẽ cả hiện tại đặt cạnh bên nhau và cứ vẽ nhiều lần như vậy. Để rồi khi thời gian qua đi chúng ta lại nhận ra mọi ngôi nhà trên đời đều sẽ trở thành những ngôi nhà mơ ước kể cả nó là ngôi nhà lá lụp xụp hay tòa biệt thự sang trọng giữa những khoảng sân vườn. Bởi tất cả rồi sẽ mất đi theo dòng đời bồi lở, bởi không có gì là mãi mãi với sự vĩnh hằng vô lượng của thời gian. 

Võ Diệu Thanh
Nguồn Người Đô thị

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...