​Nước sạch: những con số biết nói

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/5/2015 | 9:28:17 Sáng

(tapchicapthoatnuoc.vn)- Với câu hỏi “Nhu cầu nước trung bình mỗi người dùng cho một ngày?”, phần lớn câu trả lời từ người dân đều chỉ từ 2,5 lít đến khoảng 300 lít.

Nhưng đáp án cao gấp nhiều lần như thế: 6.800 lít, bằng thể tích của một bể bơi mini! Bạn ngạc nhiên về câu trả lời?

Dưới tác động của yếu tố con người và tự nhiên, nguồn nước trên thế giới đang suy kiệt nghiêm trọng cả về trữ lượng lẫn chất lượng, đặc biệt ở các quốc gia châu Phi, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á. VN không là ngoại lệ. Nhóm TS Nguyễn Đình Phú (ĐH UC Irvine, Hoa Kỳ), TS Trịnh Quang Toàn (ĐH UC Davis, Hoa Kỳ), ThS Nguyễn Thúy Anh (ĐH Tổng hợp Indiana - Bloomington, Hoa Kỳ) cùng đưa ra những thông tin mà mỗi bạn trẻ cần biết, đặc biệt khi nhìn về tương lai.

Những con số báo động

Tổ chức Nước thế giới (WWO) năm 2010 chỉ ra rằng nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng gấp đôi cứ sau mỗi 20 năm. Dự báo trong 30 năm tới dân số thế giới sẽ tăng lên 8 tỉ người, tương ứng với nhu cầu dùng nước tăng thêm 650%.

Tại VN hiện có khoảng 41 triệu người dân nông thôn chưa có nước sạch (theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành năm 2009). Chỉ có 8% dân số nông thôn có nước máy tại nhà hoặc có đường ống dẫn nước vào sân, 82% có thể lấy nước từ các nguồn đã được cải thiện ở bên ngoài nhà, và 10% vẫn phải lấy nước từ các nguồn chưa được cải thiện (theo báo cáo của ADB - Ngân hàng Phát triển châu Á).

Theo báo cáo tổng hợp về tác động kinh tế từ vấn đề vệ sinh tại VN - Chương trình nước và vệ sinh khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (WSP-EAP) của WB năm 2008, trung bình VN có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém mỗi năm. Phần lớn trong số gần 200.000 người mắc bệnh ung thư được phát hiện có nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước (theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2014).

Nói đến trữ lượng nước, nhiều người lầm tưởng VN là một quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào với mạng lưới sông ngòi dày đặc và bờ biển trải dài. Thực tế VN hiện nằm trong nhóm quốc gia thiếu nước khi trữ lượng nước bình quân trên đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn mức trung bình 4.000m3 theo Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA).

Nước ảo

Khi khảo sát một số người dân với câu hỏi “Nhu cầu nước trung bình mỗi người dùng cho một ngày?”, phần lớn câu trả lời chúng tôi nhận về đều chỉ từ 2,5 lít (lượng nước cần cho cơ thể) đến khoảng 300 lít (khi có tính đến lượng nước sử dụng trong các sinh hoạt hằng ngày). Nhưng đáp án cao gấp nhiều lần như thế. Con số đó bằng thể tích một bể bơi mini: 6.800 lít. Vì sao?

Trong tính toán nhu cầu nước của con người, thay vì chỉ tính lượng nước cần dùng cho sinh hoạt để ăn uống, tắm, giặt... như đa số người dân vẫn thường hiểu thì trên thực tế con số này còn tính cả lượng nước được dùng để sản xuất cho tất cả lương thực, thực phẩm và sản phẩm hàng hóa họ tiêu dùng. Khái niệm này được gọi là nước ảo. Theo cách tính toán này, để sản xuất ra những sản phẩm thiết yếu hằng ngày như thịt bò sẽ tốn 15.500 lít nước/kg, gạo 3.400 lít nước/kg, quần jean trung bình 5.400 lít nước/chiếc (theo WFN).

Giải pháp từ các nước bạn

Việc nâng cao nhận thức của người dân, quản lý hiệu quả nguồn nước dùng cho nông nghiệp... đã và đang là công việc quan trọng được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới.

Một quốc gia đáng để học hỏi trong việc vượt qua khủng hoảng về nước sạch là Israel. Từng là một quốc gia khô hạn (phải nhập khẩu 45% nước ngọt) vào những năm 1950, Israel đã thực hiện nhiều biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và nâng cao chất lượng nước sử dụng bằng cách kết hợp phát triển khoa học, kỹ thuật và giáo dục.

Hiện Israel không những có đủ nước dùng mà còn đang lên kế hoạch xuất khẩu nước sang các quốc gia láng giềng. Còn Singapore mỗi năm đều tổ chức “Tuần lễ quốc tế về nước”, giải thưởng Lý Quang Diệu được trao cho những cá nhân và tổ chức đóng góp xuất sắc trong việc giải quyết vấn đề về nước.

Úc, một quốc gia rộng lớn và phát triển vượt bậc nhưng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng, nhiều dự báo chỉ ra đây sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Để ứng phó, Chính phủ Úc đã nghiên cứu và phát động rất nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường, các biện pháp cụ thể về tiết kiệm nước...

Cụ thể có tám mức độ sử dụng nước được áp dụng, tùy thuộc thời điểm và tình hình thời tiết trong năm mà chính quyền ban bố mức độ sẽ được áp dụng trong từng địa phương. Chẳng hạn như tại tiểu bang Queensland, khi mức độ tiết kiệm nước đặt ở nấc 5, người dân chỉ được phép dùng nước trong xô (không được dùng nước vòi) để rửa gương, đèn và cửa ôtô, chỉ được tưới cây trong vườn ba ngày một tuần từ 4-7 giờ chiều, phải xin phép mới được bơm nước vào bể bơi...

Tiếp tục hành trình giáo dục ý thức tiết kiệm nước

Sau gần một tháng triển khai, cuộc thi Mùa hè nước 2015 (do Bộ Tài nguyên - môi trường, nhãn hàng Comfort Một lần xả và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức) đã nhận được 93 dự án gửi về thông qua website: www.1tym3nuoc.vn.

Song song đó đã có trên 62.000 lượt cam kết tiết kiệm nước tại website trên. Lượng cam kết này gấp đôi số cam kết đạt được cùng kỳ năm ngoái cho thấy ý thức tiết kiệm nước của người dân đang được nâng cao một cách rõ rệt.

Với mỗi cam kết tiết kiệm nước trong năm nay, 1,8 lít nước sẽ được chương trình ủng hộ cho người dân ở những vùng thiếu nước sạch của VN thông qua thiết bị lọc nước PureIt.

                                                                                 C. Nhật (TTO)

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...