Đề xuất tăng giá nước lên 50%: quá nhiều câu hỏi

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/5/2015 | 9:45:04 Sáng

(tapchicapthoatnuoc.vn)- Nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng với đề xuất tăng giá nước lên khoảng 50% theo lộ trình từ năm 2015 đến năm 2019.

Tại cuộc họp góp ý về đề án tăng giá nước ngày 21-4 do Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM tổ chức, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn với đề xuất tăng giá nước giai đoạn 2015-2019 của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco).

Mỗi năm tăng 10,5%

Mức giá nước theo đề án sẽ tăng 10,5% mỗi năm, với giá bình quân từ 9.612 đồng/m3 (năm 2015) lên 14.357 đồng/m3 (năm 2019).

Ông Lê Hữu Quang, trưởng ban kinh doanh dịch vụ khách hàng Sawaco, cho biết: Các kết quả khảo sát cho thấy 67,3% hộ dân được khảo sát cho rằng giá nước hiện nay là phù hợp, khoảng 23% cho rằng giá nước cao nhưng không ảnh hưởng đến các khoảng chi tiêu trong gia đình. “Như vậy, phần lớn gia đình trong thành phố cho rằng giá nước hợp lý, không ảnh hưởng đến chi phí của gia đình”, ông Quang nói. Ông Quang cũng cho biết thêm sẽ có mức giá ưu đãi dành cho các hộ nghèo.

Người dân kêu “trời”

Nhiều người dân cũng bày tỏ sự lo lắng với mức tăng này.

Cô Ly, một người dân ở Q.Phú Nhuận(TP.HCM) đã kêu “trời” khi biết mức đề xuất giá tăng sẽ tăng đến 50% so với hiện tại. Theo cô Ly, nếu lương không tăng mà điện, nước cứ tăng thì cân đối chi tiêu của người dân sẽ càng khó khăn hơn.

“Tăng 50% thì khó cho người dân quá. Chưa kể các doanh nghiệp dùng nhiều nước thì buộc phải tăng giá thành sản phẩm, cạnh tranh lại thêm khó khăn”.

Một người đang thuê nhà ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đánh giá mức tăng này là không phù hợp bởi “điện vừa mới tăng, nay nước lại tăng thì những người ở trọ như chúng tôi mỗi tháng lại mất thêm một khoản trong đồng lương eo hẹp”.

“Sẽ khó cho những người ở trọ”, đó là nhận định của chị Hồng, một chủ nhà trọ ở Q.Tân Bình, TP.HCM. “Tôi tính tiền nước theo đầu người, mỗi tháng tiền nước bao nhiêu thì chia đều cho những người trong nhà. Hiện tại đã có nhiều người than phiền là tiền nước sao nhiều quá, nay còn tăng nữa thì…”, chị Hồng chia sẻ.

Chị Bích Ngọc, người cho thuê nhà ở quận 10 (TP.HCM) cho biết chị sẽ phải giảm tiền thuê phòng một chút để san sẻ mức tăng của tiền điện, tiền nước với người ở trọ.

Chị Ngọc nói: “Nếu mức tăng đến năm 2019 là gần 30.000đ/người/m3 nước thì người dân khó mà chấp nhận được. Đôi khi, một vài trăm ngàn với mình không nhiều nhưng với người ở trọ hoặc những hộ nghèo vùng ven là cả một vấn đề cần tính toán”.

Một bạn đọc đặt câu hỏi liệu tiền lương tối thiểu vùng có tăng hay không khi giá nước tăng 50%. “Đừng quên chi phí tiền nước cũng là chi phí quan trọng đối với tuyệt đại bộ phận người dân TP”, bạn đọc viết.

Vẫn còn nhiều câu hỏi

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - đại biểu HĐND TP đơn vị quận Tân Phú đặt câu hỏi mức tăng đến năm 2019 là tần 50%, liệu có cao hay không?

“Tôi đồng tình với phương án phải tăng nhưng mỗi năm tăng 10% thì tôi cho là cao”, bà Hạnh chia sẻ.

Có cùng câu hỏi về việc tăng 50% liệu có là quá cao, PGS.TS Trần Văn Thiện, hiệu trưởng ĐH Văn Hiến còn đề cập đến vấn đề lợi nhuận của ngành nước.

“Chúng tôi rất quan tâm chuyện lỗ hay lời. Nếu lời thì mức lợi nhuận được sử dụng như thế nào. Khi tăng giá nước, người dân có sự thắc mắc là vì vấn đề này chưa được minh bạch”, ông Thiện nói.

Một trong những lý do khiến giá nước tăng phải chẳng là tỉ lệ thất thoát nước sạch hiện còn ở mức cao? Trong ảnh: bể ống nước trên đường Hai Bà Trưng tháng 10-2014 - Ảnh: Quang Khải

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tùng - Hội cựu chiến binh TP.HCM, đại biểu HĐND đơn vị Q.8 nói cần phải xem xét lại lộ trình tăng giá nước. Ông Tùng cho biết trước đó, đại diện Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP đã bày tỏ sự chưa đồng tình tăng giá nước ở thời điểm này vì sẽ tác động lớn đến người dân.

Ở một góc độ khác, ông Trần Hữu Trí (bí thư Quận ủy Q.12), đại biểu HĐND TP đơn vị Q.6, cho rằng giá thành nước liên quan đến nguồn nước và nguồn nước ở TP.HCM phong phú hơn rất nhiều với sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. “Nguồn nước đầu vào tốt hơn thì chi phí thấp hơn chứ”, ông Trí nói.  

Bên cạnh đó, ông Trí cũng cho rằng sự so sánh giữa mức tăng thu nhập của người dân thành phố với mức tăng của giá nước là chưa toàn diện.

“Tỉ lệ tăng mức thu nhập bình quân của người dân nếu chỉ so với tăng giá nước thì không nói lên điều gì vì các khoản chi phí khác cũng tăng”, ông Trí nói.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nhận định giá nước cao sẽ kéo theo sự tăng giá của hàng loạt dịch vụ, sản xuất-kinh doanh tăng.

“Lúc đó thì cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng”, bà Hạnh khẳng định.

Đặng Tươi - Quang Khải - T.M (TTO)

 

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...