Nước sông Ðà xuống thấp: Dân Thủ đô sẽ thiếu nước sạch?

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/12/2021 | 2:20:23 Chiều

Nước sông Ðà đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm khiến việc lấy nước thô từ sông Ðà vào nhà máy gặp nhiều khó khăn. Liệu hàng vạn người dân Thủ đô đang sử dụng nguồn nước sạch từ sông Ðà có rơi vào tình trạng thiếu nước?

Khu vực cửa kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Ðà sắp được nạo vét
Khu vực cửa kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Ðà sắp được nạo vét

Cty Cổ phần Nước sạch sông Đà (Viwasupco) đang cung cấp nước sạch cho các đơn vị: Cty Cổ phần Viwaco; Cty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông; Cty Ngọc Hải; Cty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam và Cty CP Tây Hà Nội. Vùng cấp của nước sông Đà đang bao phủ các khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì; một số xã của huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa…

Tuy nhiên, hiện nay mực nước sông Đà về hồ Hòa Bình chỉ đạt 80% so với mọi năm, khiến hồ Đầm Bài là nơi dự trữ và trung chuyển cấp nước cho Nhà máy nước sạch sông Đà cũng cạn, có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn cung nước sạch cho hàng vạn hộ dân ở các khu vực kể trên.

Ghi nhận của PV tại kênh lấy nước vào hồ Đầm Bài (tỉnh Hòa Bình), bãi bồi đang có cốt ngang với mặt nước. Theo người dân tại đây, nước sông đã xuống thấp trong nhiều tháng, đặc biệt khu vực cửa kênh này có cát bồi nên cạn trơ đáy.

Về việc cạn nước trên sông Đà, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hiện mức nước ở các hồ chứa thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Tình trạng mực nước thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khai thác cát quá mức. Nhiều năm qua, mặc dù các nhà máy thủy điện đã vận hành hết công suất phát điện nhưng mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội không duy trì đạt mức nước yêu cầu (tối thiểu +2,2m) để các công trình lấy nước hiệu quả.

 

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tổ chức rà soát các cửa lấy nước từ hệ thống sông để xác định khả năng lấy nước, trường hợp không đảm bảo cần có phương án điều tiết nguồn nước thay thế hoặc lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động lấy nước; Tăng cường nạo vét hệ thống kênh mương, cửa lấy nước các trạm bơm…

Ðề nghị sớm nạo vét kênh dẫn

Để đảm bảo hoạt động lấy nước từ sông Đà phục vụ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô, Viwasupco đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình cho phép nạo vét cửa kênh dẫn nước sông để khơi thông dòng chảy. Theo đơn vị này, việc thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy trở nên vô cùng quan trọng, cấp bách đối với việc đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục cho nhân dân Thủ đô. Nếu không kịp thời, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất nước trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội.

 

Ðại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong trường hợp cần thiết, có thể bổ sung nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Ðuống cho khu vực Hoàng Mai, Thanh Xuân...

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Anh Thép, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hòa Bình cho biết, do liên quan đến nhiều sở ngành nên đề xuất nạo vét không khai thác tài nguyên của Viwasupco đã được liên Sở GTVT, NN&PTNT, TN&MT tỉnh thẩm định và trình UBND tỉnh Hòa Bình. Mới đây UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đồng ý cho Viwasupco nạo vét khơi thông dòng nước, đảm bảo theo kế hoạch được phê duyệt.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời điểm nguồn nước sông Đà đang xuống thấp, để bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định, sở này đã có nhiều văn bản đề nghị tỉnh Hòa Bình phối hợp các phương án để đảm bảo nguồn cấp nước. Đồng thời yêu cầu trong thời gian chờ nạo vét, Viwasupco bổ sung trạm bơm nước thô từ sông Đà để việc lấy nước được tiếp tục ngay khi mực nước xuống thấp.


Nguồn TPO

 
  •  
Các tin khác

Dự báo đến 7h sáng ngày 10/9, mực nước lũ trên sông Đáy sẽ tiếp tục tăng, chạm mức 400cm, bằng với mức báo động 3.

Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.

Theo Tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) đang lên.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.