Nghệ An: Nỗi lo ô nhiễm nguồn nước sông Nậm Tôn
- Cập nhật: Thứ ba, 18/1/2022 | 3:10:17 Chiều
Đã nhiều năm nay, nguồn nước sông Nậm Tôn, nằm trên địa bàn huyện Quỳ Hợp luôn bị bao trùm bởi một màu đục ngầu, đỏ quạch. Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến cho không có một loài sinh vật nào dưới sông có thể sống sót.
Xuống sát bờ sông, chúng tôi chứng kiến những lớp bùn đã đóng váng có màu vàng ngả đỏ bám phủ kín khắp nơi. Theo người dân nơi đây cho biết, sở dĩ nguồn nước sông Nậm Tôn có màu như vậy là vì do các hoạt động khai thác quặng thiếc ở phía thượng nguồn chảy ra. Khai thác thiếc ở các xã Châu Hồng, Liên Hợp và Châu Quang hầu hết nguồn nước đều chảy qua các hang đá caster rồi về xã Châu Quang, đổ ra sông Nậm Tôn sát Cụm công nghiệp nhỏ Châu Quang hợp về sông Dinh tại khu vực giáp ranh giữa thị trấn Quỳ Hợp và xã Châu Quang, Châu Đình.
Anh Vi Văn. N – Người dân làng Còn, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, phản ánh: "Nguồn nước sông Nậm Tôn và trước đây là cả sông Nậm Huống quanh năm bị nhuốm đỏ bởi nước thải của các hoạt động khai thác khoáng sản. Khoảng thời gian gần đây ở phía sông Nậm Huống có đỡ bị ô nhiễm hơn do các mỏ quặng thiếc phía xã Châu Thành và suối Bắc đã cơ bản ngừng khai thác. Còn sông Nậm Tôn thì vẫn cứ bị ô nhiễm như trước đây”.
Tại khu vực hợp lưu giữa sông Nậm Tôn và sông Nậm Huống có thể ghi nhận rõ rệt sự khác biệt giữa màu nước của hai con sông này. Phía nguồn nước của sông Nậm Huống thì có màu xanh trong, trong khi nguồn nước của sông Nậm Tôn thì đục ngầu, đỏ quạch. Hai dòng nước hợp lưu sau đó hoà với suối Nậm Choọng hợp lại thành sông Dinh trước khi hợp lưu thành sông Hiếu.
"Việc nguồn nước các con sông, con suối ở huyện Quỳ Hợp bị ô nhiễm do hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác quặng thiếc đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Mặc dù người dân đã kiến nghị rất nhiều lần đến các cơ quan chức năng từ xã, huyện đến tỉnh nhưng không được giải quyết. Người dân chúng tôi đặc biệt lo lắng về nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp và nhất là nguồn nước sinh hoạt” – Anh Lê Văn Thành, người dân ở thị trấn Quỳ Hợp, lo lắng.
Theo tìm hiểu của PV, trong quá trình chế biến làm giàu quặng thiếc, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp không có công nghệ để tách các kim loại nặng ra khỏi chất thải. Vì vậy các kim loại nặng được thải ra theo các chất thải với khối lượng lớn, sau đó các kim loại nặng hòa tan vào dòng nước gây ô nhiễm
Kết luận vào ngày 17/7/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An thì nguồn nước thô đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp (khi đó nằm ở khu vực hai con sông Nậm Tôn và Nậm Huống nhập vào sông Dinh - PV) có thông số TSS, Asen và Crom vượt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt có một thông số kim loại nặng là Asen vượt 1,3 lần so với quy chuẩn QCVN08MT:2015/BTNMTG cột A2…
Có thể nói, vấn đề ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp đã gây ra nhiều hệ luỵ, nhất là hệ luỵ về ô nhiễm môi trường cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đã hàng chục năm qua tình trạng trên vẫn chưa có dấu hiệu được giải quyết, giảm thiểu khiến người dân hết sức bức xúc.
Nguồn Báo TN&MT
Các tin khác
Dự báo đến 7h sáng ngày 10/9, mực nước lũ trên sông Đáy sẽ tiếp tục tăng, chạm mức 400cm, bằng với mức báo động 3.
Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.
Theo Tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) đang lên.
Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.