Thái Nguyên: Cần đảm bảo an toàn cho nguồn nước sạch

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/10/2019 | 11:03:02 Sáng

Những ngày qua, từ thực trạng nguồn nước cấp cho nhà máy nước Sông Đà bị ô nhiễm do dầu thải đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên cả nước. Từ vụ việc này cho thấy, vấn đề đảm bảo an toàn nguồn nước cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch và công trình cấp nước tập trung là đặc biệt quan trọng. Các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chủ động đảm bảo an toàn môi trường nguồn nước.

Câu chuyện cuộc sống của hàng trăm nghìn hộ dân ở Hà Nội bị đảo lộn do nguồn nước sạch bị ô nhiễm không thể sử dụng được trong những ngày qua đã thực sự khiến dư luận quan tâm sâu sắc. Bởi thực tế bất cứ địa phương nào cũng có thể rơi vào hoàn cảnh này nếu không quản lý chặt chẽ nguồn nước cấp cho các nhà máy, công trình nước sạch. Về vấn đề này, Bà Nguyễn Minh Thu, Hiệu trưởng trường mầm non 19/5 Phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên đã bày tỏ ý kiến: Nước sạch là nguồn sống quan trọng trực tiếp đưa vào cơ thể con người để duy trì sự sống. Nếu nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng ngay tới sức khỏe. Một trường mầm non có hàng trăm cháu mẫu giáo, chúng tôi rất lo ngại khi nguồn nước bị ô nhiễm. Do vậy, mong muốn các đơn vị cung cấp nước sạch cần giám sát nước đầu vào thật chặt chẽ để mọi người trong thành phố không bị ảnh hưởng bởi các sự cố ngoài ý muốn.

Còn với người dân sinh sống ở khu Gang thép, phía nam thành phố Thái Nguyên coi nước sạch quan trọng như máu trong cơ thể,  ông Lê Văn Lộc ở tổ 12, phường Trung Thành, Thành phố Thái Nguyên lo lắng chia sẻ: Người dân rất cần nguồn nước sạch, an toàn để sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Mất nước thì khổ lắm. Thi thoảng nước máy cũng bị đục, lẫn mùi bùn tanh tanh. Việc này đã khó chấp nhận sử dụng, nếu nước bị nhiễm hóa chất thì thật là tai họa. Người dân là khách hàng tiêu thụ cũng chính là nạn nhân trong các sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Do vậy, nhân dân cũng cần cảnh giác cao, phát hiện sớm các bất thường trong nguồn nước sinh hoạt để báo cáo nhà sản xuất nước kịp thời ngăn chặn sự cố lan rộng.


Công nhân nhà máy nước sạch Tích Lương thường xuyên kiểm tra vệ sinh môi trường hồ nước 
 trước khi đưa vào sản xuất nước sạch.

Sau khi sự việc nguồn nước cấp cho nhà máy nước Sông Đà bị ô nhiễm do dầu thải xảy ra, các đơn vị sản xuất nước sạch trên địa bàn tỉnh TN đã ngay lập tức có các biện pháp tăng cường an ninh nguồn nước. Công ty cổ phần nước sạch TN hiện có 5 nhà máy nước vệ tinh với sản lượng nước thương phẩm đạt trung bình 15 triệu m3/năm, cung cấp nước sạch cho hơn 75.000 khách hàng. Trong đó có 3 nhà máy lấy nguồn nước từ Sông Công, 2 nhà máy sử dụng nước ngầm. Công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra chất lượng nước, theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ khu vực khai thác nước của công ty. Vấn đề người tiêu dùng đang lo ngại, liệu cơ quan chuyên môn có ký kết với chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ an toàn nguồn nước hay chỉ khi xảy ra sự cố mới vào cuộc xử lý việc đã rồi?


Một góc hồ chứa nước thô của nhà máy nước Tích Lương.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn có nhà máy nước sạch Yên Bình, công xuất thiết kế 300 nghìn m3/ngày đêm nhưng mới vận hành sản xuất 90 nghìn m3/ngày đêm.  Hiện tại, nhà máy đang cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp tổ hợp Yên Bình. Riêng Sam Sung dùng khoảng 50 nghìn m3/ngày đêm. Khoảng 70.000 người trong tổ hợp Yên Bình cùng gần 1000 hộ dân thị xã Phổ Yên được cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt thường ngày. Do nhà máy nước sạch Yên Bình được đặt tại đầu nguồn Hồ Núi Cốc nên chất lượng nguồn nước đầu vào khá ổn định. Mặt khác, hệ thông máy móc dây truyền công nghệ sản xuất nước được nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức nên hoạt động rất tốt. Toàn bộ đường ống dẫn, thu nước đầu vào, đầu ra đều khép kín nên đã hạn chế bớt những tác động ngoại cảnh gây ô nhiễm. Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn nước, công ty cũng đã xây dựng kịch bản cụ thể để ứng phó với các sự cố có thể xảy ra. Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý dịch vụ tiện ích, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Yên Bình chia sẻ: Công ty đã tăng cường công tác bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát nguồn nước đầu vào của nhà máy. 3 ca sản xuất đều kiểm nghiệm mẫu chặt chẽ. Công ty lắp đặt hệ thống camera giám sát môi trường 24/24. Công nhân được tập huấn ứng biến với sự cố nhiễm hóa chất nguồn nước. Đơn vị sẽ lắp đặt thêm một trạm quan trắc nước tự động để đảm bảo an toàn cung cấp nước sạch cho nhân dân. Đề nghị ngành chức năng giám sát chặt mọi hoạt động xả thải ra môi trường Hồ Núi Cốc, tránh làm ô nhiễm nguồn nước chính phục vụ sản xuất nước sạch cho 3 nhà máy phía hạ lưu sông Công. Nên lắp đặt trạm quan trắc nước tự động trên sông Công trước khi đổ vào Hồ Núi Cốc. Đồng thời, cần nâng cao công tác tuyên truyền cho nhân dân tự giác bảo vệ môi trường nước đầu nguồn ngày càng trong, sạch hơn…


Công nhân nhà máy nước sạch Yên Bình thường xuyên làm vệ sinh bể lắng, lọc nước.
 

Hệ thống camera giám sát tự động nguồn nước đầu vào của nhà máy nước sạch Yên Bình.

Hồ Núi Cốc là nguồn cung cấp nước phục vụ nước sinh hoạt cho đông đảo dân cư trên địa bàn. Việc khai thác cát sỏi trên Hồ Núi Cốc làm đục nguồn nước, lượng bùn trôi lơ lửng trong nước hồ cũng ảnh hưởng đến chất lượng nước. Dầu mỡ loang trên mặt nước và các nguồn thải khác của khu dịch vụ xung quanh hồ cũng là những yếu tố đáng lo ngại có thể gây ô nhiễm nguồn nước đầu vào cho các nhà máy sản xuất. Vấn đề này đang đặt ra những quan ngại về mất an toàn nước sinh hoạt, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân.


Công nhân dọn vệ sinh môi trường Hồ Núi Cốc và kênh dẫn nước.
 

Dọn vệ sinh, thu gom rác trên kênh dẫn nước phục vụ nguồn nước cấp cho nhà máy nước sạch
là công việc quan trọng ảnh hưởng chất lượng nước sinh hoạt.
 
Không chỉ có các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ cư dân khu vực thành thị, nguồn nước cấp cho hệ thống gần 240 công trình cấp nước phục vụ cư dân nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện toàn tỉnh đã có 93% dân cư nông thôn tương đương với khoảng 19.000 hộ, hơn 80.000 nhân khẩu được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa để xảy ra vụ việc mất an toàn nghiêm trọng ảnh hưởng tới nguồn nước cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch cũng như các công trình cấp nước tập trung. Các hiện tượng nước chưa đảm bảo vệ sinh có xảy ra nhưng chỉ ở quy mô nhỏ và đều được xử lý kịp thời. Nhằm tăng cường công tác bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, ngày 27/9 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định số 3105 phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cho các công trình đã cấp phép khai thác, sử dụng nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Các đơn vị, địa phương của tỉnh cần nhanh chóng triển khai thực hiện quyết định này, tránh để xảy ra các vụ việc mất an toàn nguồn nước
 
Theo Tài nguyên và Môi trường
  •  
Các tin khác

Dự báo đến 7h sáng ngày 10/9, mực nước lũ trên sông Đáy sẽ tiếp tục tăng, chạm mức 400cm, bằng với mức báo động 3.

Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.

Theo Tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) đang lên.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.