Từng bước đi vào nền nếp
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phan Văn Cường, hiện nay, công tác quản lý nhà nước về TNN bảo đảm phù hợp theo Quy hoạch TNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg, ngày 27/12/2022 và phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra được tích hợp vào trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023 và Quyết định số 1419/QĐ-UBND, ngày 20/4/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục vùng cấm, hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh và các bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất.
Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra mẫu nước để nâng cao hiệu quả quản lý
Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ, kịp thời các sở, ngành tỉnh và địa phương liên quan trong việc thẩm định, xác định vùng bảo hộ vệ sinh, nghĩa vụ tài chính về tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường,... đối với từng hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng TNN. Khi có giấy phép khai thác được địa phương cập nhật dữ liệu vào Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu TNN của Bộ TN&MT.
Công tác quản lý nhà nước về TNN trong thời gian tại huyện Cần Đước đã đạt những kết quả khả quan. Các hoạt động kiểm tra, giám sát, thực hiện pháp luật,... được huyện đẩy mạnh, nghiêm túc thực hiện.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dự (xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước), đặc thù địa phương là vùng cù lao, nước mặn ảnh hưởng lớn nên người dân hình thành thói quen tiết kiệm nước. Hiện nay, nguồn nước mặt cơ bản bao phủ, chúng tôi yên tâm hơn. Tuy nhiên, tôi kiến nghị địa phương tăng cường thêm cả về lượng lẫn chất để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng một số nơi tại xã thiếu nước vào mùa khô.
Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Đào Hữu Tấn, huyện sẽ kiến nghị Sở TN&MT tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao chuyên môn cho cán bộ quản lý các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN đến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; kiến nghị tỉnh đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt từ nguồn nước mặt tập trung cho cả thành thị và nông thôn để hạn chế việc khoan giếng và khai thác đơn lẻ để bảo vệ tốt nguồn nước dưới đất.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Công tác quản lý TNN được thị xã Kiến Tường thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả tích cực. Thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các sở, ngành tỉnh về việc thực hiện Quy hoạch TNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kịp thời hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát, đánh giá và cung cấp số liệu về tình hình diễn biến TNN trên địa bàn quản lý để phục vụ việc thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo luật định về TNN. Địa phương lồng ghép thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNN thông qua nhiều hình thức: Các cuộc họp giao ban định kỳ, buổi sinh hoạt pháp luật, các hoạt động thanh, kiểm tra, đài truyền thanh thị xã,… Qua đó, góp phần nâng cao tiếp cận pháp luật về TNN đối với cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thị xã.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - La Văn Dân, hiện nay, công tác quản lý TNN vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Các trạm cấp nước trên địa bàn thị xã được đầu tư xây dựng theo chương trình mục tiêu nước sạch nông thôn để giải quyết nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết các trạm cấp nước đều chưa thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác, trong khi đường ống cấp nước sạch chưa phủ khắp thị xã và dự án cấp từ các công trình khai thác nước mặt để cung cấp cho người dân vẫn chưa khởi động. Vì vậy, thị xã không thể ngừng hoạt động các trạm cấp nước trên vì nhu cầu bức xúc của người dân.
Thời gian tới, UBND thị xã tiếp tục quán triệt việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 09/5/2016 của UBND tỉnh, rà soát và thực hiện các thủ tục pháp lý đầy đủ theo quy định đối với các trạm cấp nước tập trung của thị xã. Đồng thời, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, các cơ quan chuyên môn phối hợp xây dựng phương án giá nước theo Thông tư số 44/2021/TT-BTC, ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt và các quy định liên quan nhằm bảo đảm chi phí vận hành trạm cấp nước.
Nhiều dự án cấp nước mặt được triển khai, góp phần bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất (Trong ảnh: Dự án cấp nước mặt cho người dân huyện Cần Đước)
Ông Phan Văn Cường thông tin, ngoài những khó khăn phát sinh tại các địa phương được Sở TN&MT tổng hợp, báo cáo đầy đủ thì thông tin về TNN trên địa bàn tỉnh chưa được cụ thể, thiếu dữ liệu phục vụ việc đánh giá hiện trạng làm cơ sở thẩm định cấp phép về TNN. Mặt khác, hiện chưa có số liệu kiểm kê TNN quốc gia; cơ sở dữ liệu về TNN hiện còn phân tán, chưa đồng bộ. Quy định pháp luật về TNN hiện chưa quy định rõ về nội dung liên quan đến quyền sử dụng đất khi cấp phép khai thác. Nhiều văn bản pháp luật về TNN mới được ban hành, cần phải được triển khai tổ chức thực hiện, tuy nhiên, nhân lực quản lý nhà nước về TNN ở cấp tỉnh cũng như cấp huyện hiện nay rất thiếu, phải kiêm nhiệm, phụ trách nhiều nhiệm vụ. Do đó, chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các nhiệm vụ quản lý TNN theo quy định, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao.
Theo ông Phan Văn Cường, để công tác quản lý TNN hiệu quả hơn trong thời gian tới, Sở tập trung tuyên truyền phổ biến, triển khai Luật TNN năm 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất không đăng ký, không có giấy phép, hết hạn giấy phép. Sở phối hợp xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có sử dụng đất công, tiếp tục thực hiện xử lý trám lấp các giếng khoan hư hỏng hoặc không sử dụng; kiểm kê, đánh giá nguồn nước mặt nội tỉnh và tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp khai thác TNN lắp đặt thiết bị, kết nối dữ liệu giám sát tự động, trực tuyến đối với công trình khai thác, sử dụng TNN;...
Bên cạnh đó, Sở tham mưu đề xuất, kiến nghị Bộ TN&MT sớm hoàn thiện, công bố số liệu kiểm kê TNN quốc gia; cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về TNN: Đặc điểm về mực nước hạ thấp, trữ lượng, mật độ khai thác,... của các tầng chứa nước phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN dưới đất hiệu quả; cần làm rõ mối quan hệ vị trí công trình khai thác gắn với quyền sử dụng đất khi cấp phép khai thác TNN.
Đồng thời, Sở đề nghị bổ sung quy định cụ thể về hoạt động của Hội đồng thẩm định cấp, gia hạn giấy phép TNN và phê duyệt tiền cấp quyền (thành phần, cơ cấu, tổ chức, trình tự, kinh phí của hội đồng); cần có kế hoạch nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về lĩnh vực TNN cấp tỉnh, cấp huyện; tăng cường trang thiết bị, công cụ phục vụ công tác quản lý, nhất là công cụ phục vụ xử lý thông tin, đánh giá trong quá trình thẩm định, cấp phép và trang thiết bị phục vụ công tác thanh, kiểm tra;.../.
Theo Báo Long An