Giải pháp đảm bảo an ninh cấp nước
- Cập nhật: Chủ nhật, 5/4/2020 | 10:33:40 Sáng
Biến đổi khí hậu ngày càng tác động đến tài nguyên nước, đòi hỏi tính cấp thiết của việc thực hiện các giải pháp tăng cường an ninh nguồn nước và thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cấp nước bền vững trước biến đổi khí hậu.
Tại TPHCM, nguồn nước dùng cho cấp nước phục vụ các hoạt động của người dân được lấy chính từ hệ thống sông Đồng Nai. Theo ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH một thành viên (Sawaco), những năm qua, dưới tác động lớn của hiện tượng El-Nilo, đã có lúc độ mặn (dấu hiệu xâm nhập của nước biển vào đất liền) vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, dòng chảy của lưu vực sông cũng giảm nhiều, đã có những ảnh hưởng nhất định đến việc cung cấp nước sạch cho người dân TPHCM.
Hệ thống sông Đông Nai chảy qua 9 tỉnh thành, trong đó có khu vực kinh tế trọng điểm của phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM) và chịu tác động lớn từ các hoạt động kinh tế - xã hội của khu vực. Nhiều chỉ tiêu như thể hiện ô nhiễm hữu cơ (TOC, BOD5, COD, hoặc hàm lượng ammoniac) đang ngày càng xấu, cho thấy rõ biểu hiện ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế, xã hội dọc theo lưu vực sông. Ông Trần Kim Thạch cho biết, những diễn biến xấu về chất lượng nước nguồn gây ảnh hưởng đến hoạt động xử lý nước sạch (do phải tăng lượng hóa chất sử dụng…) cũng như an toàn cấp nước trong tương lai.
Bên cạnh đó, hệ thống cấp nước của TPHCM có từ những năm 1960 đến nay, và được phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau, theo sự phát triển nhanh của TPHCM. Do đó, hệ thống cấp nước của thành phố bộc lộ một số điểm bất hợp lý trong hoạt động cung cấp nước sạch. Đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, duy trì ổn định về áp lực trên hệ thống cấp nước, cũng như yêu cầu ngày càng cao về nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước (chất lượng, số lượng và sự an toàn liên tục 24/7).
Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Sawaco, khẳng định đến thời điểm hiện nay, ngành cấp nước của thành phố do Sawaco đảm nhận vẫn đang đáp ứng được yêu cầu về cung cấp nước sạch ổn định, an toàn. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp, những phương án ứng phó ngay bây giờ thì trong tương lai 10 năm - 20 năm sau sẽ khó đáp ứng được yêu cầu cung cấp nước sạch an toàn, ổn định dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Thiết lập hồ chứa, bể chứa dự phòng
Trước những nguy cơ, thách thức đối với hệ thống cấp nước của TPHCM hiện nay, ông Trần Văn Khuyên chia sẻ, Sawaco đã đề xuất một số giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh cấp nước cho tương lai. Trước tiên là giải pháp liên quan đến nguồn nước thô. Cụ thể, Sawaco đề xuất xây dựng các bể chứa nước thô dọc theo lưu vực sông Sài Gòn và thực hiện giải pháp ngăn sông Sài Gòn tạo thành hồ chứa nước thô tự nhiên (dung tích khoảng 4 triệu m3 nước, đảm bảo an toàn trong 7 ngày khi có sự cố về nguồn nước). Việc xây dựng các hồ chứa này, ngoài mục đích chứa nước dự trữ khi có sự cố về nguồn nước, còn được sử dụng các phương pháp xử lý nước tự nhiên để loại bỏ bớt một số chất gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, hồ chứa cũng là nơi tạo ra môi trường sinh cảnh, điều hòa khí hậu cho khu vực và cũng có thể làm hồ điều tiết lũ trong mùa mưa…
Đề cập thêm đến phương án khai thác nước từ hồ Dầu Tiếng hoặc nước từ hồ thủy điện Trị An, ông Trần Văn Khuyên cho rằng cần phải tính toán kỹ, đầy đủ các chi phí, như chi phí đầu tư, quản lý và vận hành hệ thống cấp nước thô (bao gồm trạm thu nước thô, các tuyến ống nước thô, các trạm tăng áp). Nếu lấy nước từ hồ Dầu Tiếng, phải tính cả chi phí quản lý lưu vực, do lưu vực nguồn nước bổ cập cho hồ Dầu Tiếng khá rộng và có một phần xuất phát từ Campuchia. Tương tự, việc sử dụng các hồ khai thác đá (khu vực Đại học Quốc gia TPHCM) làm nơi trữ nước cũng là một phương án dành cho giải pháp nguồn nước thô khu vực sông Đồng Nai, nhưng cũng cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra lựa chọn.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là thực hiện các giải pháp tái cấu trúc hệ thống mạng lưới cấp nước, đồng thời bổ sung các bể chứa nước ngầm trong thành phố (tại các công viên hoặc các công trình công cộng). Các bể chứa này sẽ giúp cho việc đảm bảo cung cấp nước ổn định tối thiểu một ngày khi có sự cố tại các nhà máy xử lý nước; đồng thời cũng là nơi đảm bảo duy trì áp lực, chất lượng nước ổn định. Đi kèm đó là việc thay đổi một số tuyến ống cho phù hợp với việc bổ sung các bể chứa nước.
Về phía đơn vị, ông Trần Văn Khuyên khẳng định, Sawaco thường xuyên phối hợp, tổ chức nghiên cứu các giải pháp công nghệ, giải pháp quản lý trong hoạt động cung cấp nước sạch. Cùng với đó là việc thường xuyên áp dụng các công nghệ mới, các hóa chất mới trong xử lý nước sạch, nhằm đảm bảo việc nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn cấp nước.
"Việc bảo vệ nguồn nước mặt (ở sông Đồng Nai và sông Sài Gòn) cùng các hồ chứa thượng nguồn, gồm hồ Dầu Tiếng (trữ lượng nước trung bình khoảng 1,58 tỷ m3), hồ Trị An (khoảng 2,54 tỷ m²) rất có ý nghĩa đảm bảo an ninh cấp nước đối với TPHCM. Những nguồn tài nguyên nước ngọt tại các sông và hồ chứa này quý giá vô cùng, nên cần sớm có chính sách bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là việc chuẩn bị nguồn nước ngọt lâu dài, ổn định và liên tục cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng TPHCM. Bởi vì, đất và nước ngọt là tài nguyên vô cùng đối với con người, đối với sự phát triển bền vững, và là chiến lược góp phần quan trọng cho Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại”, ông Trần Văn Khuyên nhấn mạnh. |
Các tin khác
Dự báo đến 7h sáng ngày 10/9, mực nước lũ trên sông Đáy sẽ tiếp tục tăng, chạm mức 400cm, bằng với mức báo động 3.
Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.
Theo Tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) đang lên.
Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.