Không để nguồn nước Hồ thủy điện Bản Vẽ bị ô nhiễm
- Cập nhật: Thứ hai, 20/4/2020 | 9:05:52 Sáng
Nước vùng hạ du xuất hiện mùi lạ, sông Nậm Nơn - dòng chính sông Lam - tồn đọng nhiều rác thải là lý do để UBND tỉnh có chỉ đạo chung cho chủ sở hữu các hồ, đapạ và chính quyền các địa phương nơi có nhà máy thủy điện phải quan tâm công tác bảo vệ môi trường. Đây là chỉ đạo kịp thời, sát đúng. Bởi nguồn nước ngọt cấp cho vùng đất xứ Nghệ đều xuất phát từ phía thượng nguồn.
Thấy mọi người khó chịu, anh Nguyễn Phùng Hùng – Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương giải thích, mùi bốc lên từ dòng nước đang chảy ra từ hệ thống các cửa đập của Nhà máy thủy điện lớn nhất tỉnh. Cùng các cán bộ huyện Tương Dương thực tế dòng chảy dưới chân đập, quả nhiên như anh Nguyễn Phùng Hùng trao đổi. Dòng nước dù xanh trong, nhưng có mùi hôi khắm.
Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương, sự việc này đã được huyện xác định ngày 31/12/2019, sau khi xác minh tin báo của người dân sống hai bên lòng hồ thủy điện Nậm Nơn. Cụ thể, ngày 31/12/2019, người dân phản ánh tới huyện tình trạng nước hạ du thủy điện Bản Vẽ có dấu hiệu ô nhiễm, bốc mùi hôi.
Ngay sau đó, lãnh đạo huyện giao Phòng TN&MT phối hợp với hai xã Lượng Minh, Yên Na kiểm tra thực tế hiện trường. Qua kiểm tra thì thấy nước tại vị trí Nhà máy thủy điện Bản Vẽ khi đang phát điện chuyển dần từ màu xanh sang màu đen; tại vị trí lòng hồ thủy điện Nậm Nơn thuộc địa bàn xã Lượng Minh đến thị trấn Hòa Bình có màu xanh đen.
Trước thực tế này, ngày 3/1/2020, UBND huyện có Văn bản số 02/UBND-NL về việc xử lý hiện trường ô nhiễm môi trường khu vực hạ du lòng hồ thủy điện Bản Vẽ gửi các Sở TN&MT, Công Thương, Chi cục Bảo vệ môi trường, Tổng Công ty phát điện I và Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2. Đồng thời đề nghị Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường sớm kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và mức độ ô nhiễm tại khu vực hạ du thủy điện Bản Vẽ để cảnh báo cho người dân và có giải pháp xử lý.
Từ sự việc nước hạ du thủy điện Bản Vẽ có mùi hôi, chúng tôi liên tưởng lại những chuyến công tác ở các xã Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương), Mỹ Lý (Kỳ Sơn), được chứng thực tình trạng rác thải tồn đọng trên dòng Nậm Nơn. Rác là các loại cây gỗ, tre, nứa… và nhiều vô kể, ken đặc toàn bộ bề mặt sông và kéo dài hàng trăm mét. Nói ra điều này với mọi người trong đoàn và đặt ra nghi vấn: Có thể do tình trạng rác tồn đọng, lưu cữu trên lòng hồ phân hủy dẫn đến ô nhiễm nguồn nước? Trưởng phòng TN&MT Nguyễn Phùng Hùng ghi nhận nội dung này và hứa sẽ xác minh lại thông tin. Vì theo anh nếu có tình trạng rác thải trên vùng lòng hồ thì sẽ còn gây ra một số hệ lụy khác, không chỉ riêng về môi trường…
Việc kiểm tra vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sau đó đã được UBND huyện Tương Dương cùng Công ty Thủy điện Bản Vẽ thực hiện trong ngày 16/1/2020. Hai đơn vị xác định vùng lòng hồ có khá nhiều rác trôi nổi. Thành phần chủ yếu là thân cây gỗ tạp, tre, nứa và rác thải sinh hoạt. Rác tập trung nhiều ở hai vị trí, gồm: Ở vị trí đuôi hồ (các đập thủy điện Bản Vẽ khoảng 60 – 79 km) tùy theo mực nước lên xuống của lòng hồ thủy điện, thời điểm kiểm tra có rác thải kéo dài khoảng 1km, phủ kín dày đặc cả vùng lòng hồ. Tại khu vực lòng hồ (thuộc địa bàn xã Hữu Khuông đến xã Mai Sơn) từ mực nước hồ hiện tại đến cao trình 200 có nhiều rác, chủ yếu là cây gỗ tạp, tre, nứa đang bám trên bờ.
Trước tình trạng nước hạ du thủy điện Bản Vẽ có "mùi lạ”, thượng nguồn Nậm Nơn có nhiều rác thải, Sở TN&MT cũng đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường lên kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước làm công tác giám định. UBND huyện Tương Dương và Công ty Thủy điện Bản Vẽ đều đã có văn bản báo cáo, kiến nghị hướng xử lý lên UBND tỉnh và sở, ngành liên quan.
Cũng tại văn bản này, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đánh giá "việc thu gom, xử lý rác trôi nổi trong lòng hồ là rất cần thiết”. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý cho việc thu dọn rác trong lòng hồ nên Công ty Thủy điện Bản Vẽ đề nghị UBND tỉnh chủ trì tổ chức cuộc họp với các sở, ngành để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Cũng nhằm để xử lý rác trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, vào ngày 10/2/2020, Sở TN&MT đã có Văn bản số 521/STNMT-BVMT báo cáo UBND tỉnh. Tại Văn bản này, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh về hướng xử lý, yêu cầu tất cả các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện và chính quyền các địa phương phải vào cuộc.
Chính quyền các địa phương có nhà máy thủy điện phối hợp với các chủ sở hữu hồ, đập thủy điện trong quá trình thực hiện vệ sinh, thu dọn rác trong khu vực lòng hồ của địa phương mình; giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của chủ sở hữu các hồ, đập thủy điện; tăng cường các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước trên địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng bất thường…
Theo lãnh đạo Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Văn bản số 854/UBND-CN là cơ sở để công ty phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xử lý tình trạng rác lưu cữu trong lòng hồ. Công ty Thủy điện Bản Vẽ sẽ tổ chức khảo sát lại vùng lòng hồ trong thời gian sớm nhất để đánh giá chính xác khối lượng rác, báo cáo lên cấp trên; đồng thời, sẽ cùng UBND huyện Tương Dương bàn phương án thu dọn rác lòng hồ Bản Vẽ.
Theo Báo Nghệ An
Các tin khác
Dự báo đến 7h sáng ngày 10/9, mực nước lũ trên sông Đáy sẽ tiếp tục tăng, chạm mức 400cm, bằng với mức báo động 3.
Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.
Theo Tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) đang lên.
Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.