Đẩy nhanh chỉnh trị cửa vào sông Đuống
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/4/2020 | 9:05:03 Sáng
Gần 10 năm nay, khu vực cửa vào sông Đuống, đoạn xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) gia tăng tỷ lệ phân lưu, xuất hiện các hố xói đáy sông gây ra các sự cố sạt lở đê, kè... Trước diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ chỉnh trị đoạn sông này...
Cứ đến mùa mưa bão, hàng nghìn hộ dân ở các xã: Xuân Canh, Đông Hội (huyện Đông Anh) lại nơm nớp lo lắng xảy ra các sự cố đê điều… Chủ tịch UBND xã Xuân Canh Nguyễn Quang Lưu cho biết, do lưu lượng nước sông Hồng đổ vào sông Đuống ngày càng lớn, thúc thẳng vào bờ sông nên hệ thống công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn luôn xảy ra các sự cố, gây tâm lý lo lắng cho nhiều hộ dân sinh sống ven đê, gần bờ sông.
Thực tế, khu vực cửa vào sông Đuống có vận tốc dòng chảy rất lớn. Đây cũng là khu vực có nhiều khu dân cư vùng bãi nằm sát lòng sông, tuyến đê tả Đuống nằm sát khu vực lòng sông… Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, nếu trước năm 2001, tỷ lệ phân lưu sông Hồng vào sông Đuống cao nhất khoảng 32% thì năm 2005 tăng lên 40%, năm 2010 tăng lên 45%...
Đặc biệt, đáy của đoạn cửa sông này đã xuất hiện nhiều hố xói. Sự thay đổi này là nguyên nhân trực tiếp gây ra các sự cố sạt lở, lún sụt đê, kè: Xuân Canh, Thanh Am - Tình Quang, Yên Viên, Gia Thượng, Đông Ngàn... trong những năm gần đây. Theo đó, thành phố Hà Nội đã phải đầu tư hơn 300 tỷ đồng để xử lý cấp bách các sự cố đê, kè tại đoạn sông này…
Theo Tiến sĩ Đoàn Văn Đào, nguyên giảng viên Trường Đại học Thủy lợi, nguyên nhân dẫn đến biến động lòng dẫn, tỷ lệ phân lưu đoạn cửa vào sông Đuống là do biến đổi dòng chảy trên các sông thượng nguồn và tình trạng khai thác cát trái phép… Vì vậy, để bảo đảm an toàn công trình đê điều trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, việc ổn định lòng dẫn sông Đuống, điều chỉnh tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng vào sông Đuống và nâng cấp hệ thống đê tả Đuống là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, không thể chậm trễ hơn.
Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, tháng 6-2018, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội khẩn trương bố trí, huy động nguồn lực và triển khai dự án Xử lý bảo đảm ổn định khu vực cửa vào sông Đuống. Tháng 6-2019, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản đề cập nội dung trên…
Thực hiện các chỉ đạo trên, thành phố Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện dự án Xử lý bảo đảm ổn định khu vực cửa vào sông Đuống...
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Xuân cho biết, Ban đã hoàn thành việc lấy ý kiến của các cơ quan chuyên ngành và đề xuất thành phố thực hiện dự án trên…
"Hiện nay, Ban đang phối hợp với các đơn vị liên quan trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý bảo đảm ổn định khu vực cửa vào sông Đuống với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 366 tỷ đồng. Sau khi được thành phố cho phép, Ban sẽ tăng tốc để hoàn thành dự án này trong khoảng 1 năm...”, ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết.
Các tin khác
Dự báo đến 7h sáng ngày 10/9, mực nước lũ trên sông Đáy sẽ tiếp tục tăng, chạm mức 400cm, bằng với mức báo động 3.
Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.
Theo Tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) đang lên.
Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.