Kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các phương tiện thủy
- Cập nhật: Thứ ba, 12/5/2020 | 3:21:32 Chiều
Bộ GT-VT vừa có văn bản về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy và tại cảng, bến thủy nội địa.
* Xả thải trực tiếp ra môi trường
Tình trạng chất thải, rác sinh hoạt từ phương tiện thủy đổ trực tiếp ra sông ngòi lâu nay diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân là do hiện vẫn thiếu các quy định nhằm hạn chế xả thải trực tiếp nguồn nước thải từ tàu ra đường thủy. Việc phương tiện thủy xả rác thải ra sông không chỉ gây ảnh hưởng môi trường mà còn gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến vấn đề lưu thông của những phương tiện khác.
Thời gian tới, các ngành chức năng cần sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm về môi trường trong Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25-12-2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa nhằm nâng hiệu quả giám sát, xử lý vi phạm về môi trường tại cảng, bến thủy.
Làm nghề lái ghe chở đá xây dựng nhiều năm, ông Trần Văn Hiếu (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết, thời gian gần đây, ghe của ông thường gặp cảnh đang lưu thông thì bánh lái vướng vào các chướng ngại vật từ rác thải trôi tự do trên sông. Đối với ghe chở đá nặng hàng chục tấn đang chạy mà gặp tình trạng này, khiến ông rất khổ sở tìm cách "giải cứu”. Ông phải thuê thợ lặn xuống sâu, mất nhiều thời gian mới có thể giải quyết xong.
"Có những lúc ghe của tôi phải dừng chờ hàng tiếng đồng hồ trên sông, việc này vừa ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác, vừa khiến thời gian giao hàng không đảm bảo” - ông Hiếu nói.
Ngoài vấn đề rác thải gây cản trở dòng chảy, lưu thông của ghe, thuyền trên sông thì theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện hầu hết phương tiện thủy không được trang bị hệ thống xử lý nước thải vệ sinh trên tàu hoặc có thì cũng không đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Do đó, phương tiện thủy buộc phải xả thẳng nước thải, nước dằn phương tiện ra môi trường, gây tác động xấu đến môi trường cũng rất đáng lo ngại.
Đối với nước làm mát máy và nước dằn tàu, khi nước được bơm từ sông lên hệ thống làm mát, nước được chuyển tới các bộ phận làm mát, trong quá trình làm mát nó bị nhiễm dầu mỡ từ các động cơ, bụi bẩn, rỉ sắt, nhiệt độ… sau khi cuốn theo các chất bẩn cũng được thải trực tiếp ra sông. Bên cạnh đó, chất thải rắn phát sinh của phương tiện thủy như: giẻ lau máy, vệ sinh hầm hàng, rác thải phát sinh từ sinh hoạt của con người trên tàu như: túi ny-lông, vỏ chai lọ, bìa carton, than đá, hàng hóa rời… chưa được kiểm soát, thu gom.
Ông V.V.T., chủ 10 ghe, sà lan chở vật liệu xây dựng (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) cho hay, đa số phương tiện chở hàng của ông đều không có bộ phận xử lý chất thải sinh hoạt cũng như nước thải từ hệ thống làm mát máy phải xả trực tiếp ra môi trường. Điều này xuất phát từ tập quán của chúng tôi khi làm việc dài ngày, do ít khi lên bờ.
Theo ông V., từ trước đến nay ông chưa thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, nhắc nhở cũng như hướng dẫn cách xử lý, khắc phục tình trạng này. Dọc các tuyến sông cũng không có bãi tiếp nhận chất thải từ phương tiện thủy. Do đó, chất thải phát sinh từ hoạt động ăn uống, sinh hoạt của con người trên ghe, tàu được xả trực tiếp xuống sông.
* Cần có quy định chặt chẽ
Đề cập vấn đề trên, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện quy chuẩn kỹ thuật phương tiện thủy nội địa chưa quy định trang bị hệ thống xử lý nước thải từ phương tiện, cũng như chưa kiểm soát khí thải. Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện thủy phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.
Cụ thể, quy chuẩn quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy hiện còn thiếu quy định về trang thiết bị cho việc thu gom, lưu giữ chất thải rắn nguy hại, chất thải từ hệ thống bể phốt vệ sinh trên phương tiện cũng như việc chuyển giao chất thải nguy hại từ phương tiện cho đơn vị chức năng đi xử lý theo đúng yêu cầu của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa (Sở GT-VT) cho rằng, thực tế cho thấy, cùng với phương tiện thủy, khá nhiều cảng, bến thủy còn xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, việc xử lý chất thải, nước thải có lẫn dầu của phương tiện tại cảng, bến.
Các tin khác
Dự báo đến 7h sáng ngày 10/9, mực nước lũ trên sông Đáy sẽ tiếp tục tăng, chạm mức 400cm, bằng với mức báo động 3.
Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.
Theo Tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) đang lên.
Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.