Tìm giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa lũ 2020

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/7/2020 | 3:36:44 Chiều

Cả nước hiện có khoảng 1.700 hồ chứa nước mất an toàn; 1.648/7.169 công trình hồ đập thủy lợi đang xuống cấp, có khả năng hư hại trong mùa mưa lũ sắp đến.

 Công trình thuỷ điện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) ngoài phát điện, còn có nhiệm vụ vừa bổ sung nước, chống lũ, chống hạn, vừa tham gia cải thiện điều kiện môi trường và khí hậu trong khu vực. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Công trình thuỷ điện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) ngoài phát điện, còn có nhiệm vụ vừa bổ sung nước, chống lũ, chống hạn, vừa tham gia cải thiện điều kiện môi trường và khí hậu trong khu vực. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 9/7, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo Quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và thực hiện dự án sửa chữa, nâng cao an toàn hồ đập năm 2020.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng cục thủy lợi cùng hơn 20 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.

Hội nghị đã tập trung thảo luận về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và thực hiện dự án sửa chữa, nâng cao an toàn hồ đập năm 2020; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vận hành an toàn hồ đập, hồ chứa nước.

Đặc biệt, hội nghị đã tập trung thảo luận về quản lý an toàn đập, hồ chưa nước thủy lợi; an toàn đập kết hợp tưới thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo ông Nguyễn Đăng Hà, Vụ Trưởng Vụ an toàn đập, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay mới chỉ có 4% số hồ được kiểm định an toàn; 4% số hồ được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; 4% số hồ được lập quy trình vận hành; 15% số hồ được lập phương án bảo vệ; 16% số hồ được lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp...

Về tình hình xuống cấp của các hồ chứa thủy lợi hiện nay, phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cả nước còn trên 1.648 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ.

Các dạng hư hỏng chính hay gặp hiện nay, đối với đập đất là không đủ mặt cắt; trượt sạt mái thượng hạ lưu; lớp gia cố bị hỏng; nứt thân đập...

Hiện trạng của 200 hồ chứa bị hư hỏng nặng, cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp cách ngay trong năm 2020.

Đối với đập đất hiện có 148 hồ bị trượt sạt mái thượng hạ lưu, có tổ mối trong thân đập, hoặc chưa được gia cố mái đập, bị nứt đập, thiết bị thoát nước hạ lưu đập bị hư hỏng...

Hội nghị cũng đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân dẫn đến các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng là do các nhóm hồ vừa và nhỏ, các hồ này chủ yếu được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước; việc triển khai các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước chưa được quan tâm đúng mức, các địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện.

[Hà Nội triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi]

Tại các huyện, xã, nhiều nơi chưa thành lập được các tổ chức quản lý, vận hành chuyên nghiệp và không đảm bảo năng lực chuyên môn dẫn đến công trình xuống cấp nhanh, khi xảy ra sự cố không được xử lý kịp thời…

Ngoài ra, các đại biểu còn nêu nhiều ý kiến khác về an toàn đập như hiện nay do phá rừng diễn biến phức tạp, độ che phụ rừng giảm nên cần phải nghiên cứu về hệ số lưu lượng dòng chạy; khả năng điều tiết nước, thoát lũ của các công trình…

Tim giai phap dam bao an toan ho, dap thuy loi trong mua mua lu 2020 hinh anh 1
Người dân di chuyển trên mái đập thủy lợi Đắk Ngo, Đắk Nông. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Hiện, cả nước đã xây dựng 7.169 công trình hồ đập thủy lợi, tổng dung tích khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp và cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp.

Trong số này, có khoảng 1.648 công trình đang xuống cấp, có khả năng hư hại trong mùa mưa lũ sắp đến.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo an toàn cho các hồ đập, hồ chứa thủy lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, một số giải pháp đang được triển khai như đảm bảo chất lượng, hiệu quả đối với 442 hồ trong dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập, hoàn thành trước năm 2023 và hỗ trợ cấp bách để sửa chữa các hồ chứa xung yếu cho các địa phương khó khăn.

Về giải pháp công trình, các đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm nhất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đối với 442 hồ chứa xung yếu trong dự án sửa chữa, nâng cao an toàn hồ đập; Hoàn thành sửa chữa nâng cấp 1.200 hồ chứa còn lại bằng các nguồn vốn.

Ngoài ra, đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành cho cán bộ công nhân quản lý đập, hồ chứa theo quy định hiện hành.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa. Cả nước hiện có khoảng 1.700 hồ chứa nước mất an toàn; trong đó có khoảng 500 hồ chứa có nguồn kinh phí để cải tạo và sửa chữa; 200 hồ chứa xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.

Trước tình hình thời tiết cực đoan, Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương cần phải thường xuyên đánh giá thực trạng của địa phương mình. Trên cơ sở đó đánh giá thực trạng, phân loại công trình và hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn cao thì địa phương cần bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn ngay trong mùa mưa.

Đối với các công trình vừa và lớn đã giao cho địa phương cấp xã quản lý thì phải rà soát và bàn giao ngay cho công ty khai thác quản lý thủy lợi; đồng thời đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị.

Đối với những công trình đang thi công trong mùa mưa lũ thì phải tập trung, đảm bảo an toàn thi công, vượt lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và người dân ở vùng hạ du./.

Theo Đặng Tuấn/TTXVN

  •  
Các tin khác

Dự báo đến 7h sáng ngày 10/9, mực nước lũ trên sông Đáy sẽ tiếp tục tăng, chạm mức 400cm, bằng với mức báo động 3.

Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.

Theo Tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) đang lên.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.