Khẩn trương xử lý đoạn sạt lở trên đê sông Bưởi.
3 ngày qua, nước từ thượng nguồn đổ về khiến tuyến đê sông Bưởi ở thôn Định Hưng, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) bị sạt lở hơn 50 m, sâu 20 m, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân sinh sống ngay sát chân đê. Điều này đã khiến bà con hết sức lo lắng.
Anh Nguyễn Văn Hà, trú tại thôn Định Hưng (xã Thạch Định) - một trong những hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của đoạn đê sông Bưởi bị sạt lở lo lắng cho biết: Đây là sự cố khá bất ngờ đối với gia đình anh và hơn chục hộ dân thôn Định Hưng. Ngay sau khi đoạn đê bị sạt lở, chính quyền xã đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình anh Hà cùng một vài hộ dân khác sinh sống sát điểm bị sạt di dời đến nơi an toàn.
"Đây là tuyến đê rất quan trọng chạy qua xã Thạch Định, nếu đê bị vỡ thì không chỉ Thạch Định mà nhiều xã khác của huyện sẽ bị nhấn chìm trong biển nước. Chính vì vậy nên chúng tôi rất mong nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng kiên cố tuyến đê để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất” - anh Hà nói.
Ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Định cũng cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố, ngày 14/10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thành đã chỉ đạo lượng quân sự địa phương huy động hơn 100 cán bộ chiến sĩ phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ xã Thạch Định dùng 10 nghìn bao tải, 200 khối cát sỏi, hơn 1.000 cọc tre và lưới thép B40 tiến hành gia cố các điểm sạt lở.
Được biết: Các điểm sạt lở tại đê sông Bưởi nói trên xuất hiện từ tháng 9/2020, sau hoàn lưu bão số 5 gây mưa lớn, khiến nước từ thượng nguồn đổ về. Những ngày tới, lực lượng chức năng sẽ cử lực lượng canh 24/24 tại các đoạn xung yếu hộ đê, đề phòng trường hợp xấu do mưa lũ lớn gây ra.
Ở một diện biến khác, cũng do ảnh hưởng của bão số 7, trên thân đập ngăn hồ thủy lợi sông Mực đang xuất hiện vết nứt chạy dài khoảng 173 m, rộng từ 3-5 cm, chiều sâu (qua đào kiểm tra) khoảng 1 m. Hiện Công ty TNHH MTV Sông Chu - đơn vị quản lý hồ thủy lợi Sông Mực (đóng trên địa bàn huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đang dùng bạt che toàn bộ thân đập để chống thấm nước mưa tràn vào sâu lòng thân đập. Đồng thời theo dõi để có phương án khắc phục sự cố.
Được biết, hồ thủy lợi Sông Mực được xây dựng năm 1977, là hồ thủy lợi lớn nhất của huyện Như Thanh. Hồ có dung tích chứa gần 200 triệu m3 nước, có nhiệm vụ cắt lũ cho sông Yên, cấp nước tưới cho hơn 11.000ha sản xuất nông nghiệp của huyện Như Thanh và Nông Cống.
Theo Nguyễn Chung/Đại đoàn kết