Xâm nhập mặn tại tỉnh Vĩnh Long bắt đầu vào giữa tháng 12/2020, cao nhất xuất hiện vào đầu tháng 1/2021 (trên sông Cổ Chiên), đầu tháng 2/2021 (trên sông Hậu, rơi vào những ngày Tết Tân Sửu) và đầu tháng 3/2021 (trên sông Tiền), kéo dài đến tận tháng 5/2021.
Theo dự báo, diện tích tự nhiên nhiễm mặn hơn 67.000 hécta, diện tích cây trồng bị hạn, thiếu nước gần 95.000 hécta. Bên cạnh đó có khả năng có 75.784 hộ thiếu nước sinh hoạt, 51 trạm cấp nước sạch sử dụng nguồn nước nhiễm mặn và 55 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Dự báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho thấy, độ mặn cao nhất trong ngày 11/2 (nhằm 30 Tết Nguyên đán) vào khoảng 6,5-7,5‰ tại cống Nàng Âm. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên các sông chính ở cấp độ 1.
Tỉnh Tiền Giang triển khai công trình ứng phó với nước mặn.
Từ đầu tháng 1/2021, tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Chú trọng các giải pháp đầu tư nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, củng cố bờ bao, duy tu, sửa chữa các cửa cống, bọng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ (đập tạm) ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn, mặn, đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất.
Tết năm nay, ông Nguyễn Ngọc Nhân (ngụ xã Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) vừa ăn Tết, vừa canh độ mặn. Ông Nhân có vườn chôm chôm Java khoảng 8 công (1.000m2/công) trồng xuất khẩu. Thời điểm cận Tết năm rồi, nhà vườn chủ quan không chủ động trữ nước ngọt nên khi nước mặn tấn công vào đã làm vườn chôm chôm giảm năng suất.
"Hiện nay, nước mặn chưa vào tới xã. Nhưng từ đây tới Tết, tôi phải theo dõi thông báo độ mặn trên báo, đài và thường xuyên đo để chủ động vì theo dự báo năm nay hạn, mặn cũng gay gắt lắm. Nếu mặn vào tới huyện Chợ Lách (Bến Tre) chỉ cần 1‰, tôi phải trữ nước ngọt tưới cho vườn chôm chôm, vì vườn chỉ cách Chợ Lách khoảng 14km. Cây chôm chôm chỉ cần độ mặn 0,2-0,3‰ thôi đã cũng ảnh hưởng đến năng suất nếu tưới lâu ngày”, ông Nhân nói.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) thông tin: "Mặn mới ngấp ngé tới địa bàn xã Phú Sơn và xã Hưng Khánh Trung với độ mặn cao nhất đo được là 1,5‰. Dự kiến tới ngày 30 Tết, mặn sẽ xâm nhập vào một nửa địa bàn huyện, tới nhánh sông Hàm Luông thuộc xã Tân Thới và nhánh sông Cổ Chiên thuộc xã Tân Thiềng. Độ mặn dự báo vào thời điểm này khoảng 4‰”.
Theo ông Liêm, so với năm rồi, mặn xâm nhập trễ hơn và độ mặn cũng không cao hơn. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào gió chướng nếu thổi mạnh thì mặn sẽ lên nhanh và cao. "Từ giữa năm 2020, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con thường xuyên theo dõi độ mặn và chuẩn bị dụng cụ trữ nước. Đến nay, họ đã có kinh nghiệm trong việc phòng, chống hạn, mặn”, ông Liêm nói.
Tại Trà Vinh, từ cuối năm 2020, nước mặn đã xâm nhập vào các nhánh sông và trước một số cửa các cống đầu mối thủy lợi trên địa bàn tỉnh, với độ mặn đo được thấp nhất là 1‰ và cao nhất là 7,7‰.
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh điều chỉnh khung thời vụ xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2020-2021, bắt đầu từ ngày 20/10/2020 đến ngày 20/12/2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin, hướng dẫn và khuyến cáo người dân tuân thủ đúng lịch xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2020-2021.
Với những dự báo về mức độ xâm nhập mặn trong mùa khô cuối năm 2020, đầu năm 2021, việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt khu vực phía Đông của Tiền Giang được nhận định là sẽ gặp không ít khó khăn.
Theo ông Lê Văn Khiết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, công ty đã chuẩn bị phương án cấp nước trong mùa khô 2020-2021, đảm bảo nguồn nước cung cấp. Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang có tờ trình xin ý kiến UBND tỉnh mở 12 giếng dự phòng trên địa bàn TP Mỹ Tho, chuẩn bị cho đợt hạn, mặn tới đây. Để tiếp nước về khu vực phía Đông, công ty đã đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang cho khoan thêm 3 giếng dự phòng tại xã Đăng Hưng Phước để cấp cho huyện Chợ Gạo. Trên cơ sở đó, công ty sẽ dồn nguồn nước cung cấp từ nhà máy nước về cho các huyện phía Đông.
›Văn Vĩnh (cand)