Hồ thủy lợi La Ngà 3: Cần tính toán đến sự thay đổi lưu lượng nước sông Đồng Nai

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/7/2021 | 4:06:07 Chiều

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 nếu triển khai cần xem xét đến việc sẽ thay đổi lưu lượng nước của sông Đồng Nai do hệ thống sông này phải “chia nước” về hồ thủy lợi.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhìn nhận, dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 bên cạnh việc sẽ ảnh hưởng tới vấn đề rừng, di dân tái định cư số lượng lớn các hộ dân thuộc 4 xã của huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận)… cần xem xét, tính toán đến việc thay đổi lưu lượng nước của sông Đồng Nai. Đây là hệ thống sông quan trọng trong việc điều tiết nước của khu vực Đông Nam Bộ.

Theo ông Vy, vấn đề quan trọng nhất là việc chuyển nước từ lưu vực sông khác sang hồ thủy lợi La Ngà 3.

Tại văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà (QĐ số 3519 ngày 17/11/2006 của Bộ NN&PTNT) cho biết, trên sông La Ngà sẽ xây dựng dự án thủy lợi hồ La Ngà 3 với mực nước dâng bình thường là 165m.

Dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 dự báo sẽ tác động lớn tới vấn đề môi trường, đất rừng và di dời dân của huyện Tánh Linh
Dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 dự báo sẽ tác động lớn tới vấn đề môi trường, đất rừng và di dời dân của huyện Tánh Linh

Do có sự chồng lấn về các quy hoạch trên sông La Ngà, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản số 3187 ngày 9/7/2010 gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai.

Tại văn bản này, Bình Thuận cho biết, Dự án thủy lợi hồ chứa nước La Ngà 3 được quy hoạch do cấp Bộ phê duyệt sau, có những điểm chồng lấn với quy hoạch thủy điện đã được phê duyệt.

Dự án La Ngà 3 sẽ làm ngập 500 ha đất các loại; phải di dân toàn bộ cư dân thuộc xã La Ngâu; làm ngập 6,15 km đường quốc lộ 55 và 30,5 ha đất rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Hiện nay diện tích đất của huyện Tánh Linh còn rất hạn hẹp, sẽ rất khó khăn trong việc bố trí đất cho công tác tái định canh, định cư dự án La Ngà 3.

Từ những thực trạng trên, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT xem xét điều chỉnh quy mô công trình hồ thủy lợi La Ngà 3 để hạn chế thiệt hại và phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bình Thuận: hàng trăm ha rừng sẽ
Bình Thuận: hàng trăm ha rừng sẽ "nhường chỗ” cho hồ thuỷ lợi

Theo ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận và các Bộ liên quan, tại văn bản số 7804/VPCP-KTN ngày 29/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT; Công Thương và UBND tỉnh Bình Thuận rà soát lại các quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngày 14/7/2011, Bộ TN&MT đã có văn bản số 2556 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong đó có nội dung: Bộ NN&PTNT đã đưa ra hai phương án quy hoạch: Phương án 1: Như quy hoạch đã có, nhưng không có hồ La Ngà 3; Phương án 2: Như quy hoạch đã có và có hồ La Ngà 3.

Cả hai phương án, theo Bộ TN&MT đều có hiệu quả kinh tế, phương án 2 có hiệu quả kinh tế lớn hơn phương án 1, nhưng lớn hơn không nhiều. Phương án 2 chưa tính tới những tác động đến vùng hạ lưu thuộc lưu vực sông Đồng Nai do hồ La Ngà 3 chuyển nước ra khỏi lưu vực.

Bộ TN&MT nhận định, Quy hoạch lưu vực sông La Ngà, trong đó có hồ La Ngà 3 chưa xem xét đầy đủ tác động tiềm tàng của hồ La Ngà 3 đến hạ du lưu vực sông Đồng Nai; chưa tính đến tác động xã hội môi trường tỉnh Bình Thuận; hiệu quả kinh tế xây dựng hồ La Ngà 3 lớn hơn không nhiều so với phương án không xây dựng.

Bên cạnh đó, dự án này còn chồng lấn với Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có dự án thủy điện La Ngâu.

Một góc thực hiện dự án hồ La Ngà 3. Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM
Một góc thực hiện dự án hồ La Ngà 3. Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM

Trên cơ sở báo cáo của Bộ TN&MT, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 799 yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà cho phù hợp, bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Chuyển nước từ sông Đồng Nai sang hồ thủy lợi

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, theo nghiên cứu của Bộ NN&PTNT, ý kiến của Bộ TN&MT, dự án có xây dựng hồ La Ngà 3 có hiệu quả kinh tế lớn hơn không nhiều (chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế IRR chỉ khác nhau là 0,3%). Trong khi phương án 1 chưa đánh giá các tác động của dự án La Ngà 3 đến môi trường của tỉnh Bình Thuận và hạ lưu sông Đồng Nai.

Về tác động đến môi trường, dự án sẽ tác động đến môi trường của tỉnh Bình Thuận như làm ngập 500 ha đất các loại; phải di dời toàn bộ dân cư xã La Ngâu; làm ngập 6,15 km đường quốc lộ 55 và làm ngập 30,5 ha diện tích đất rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông…

Hàng trăm ha rừng sẽ có thể chìm trong nước nếu làm hồ thuỷ lợi
Hàng trăm ha rừng sẽ có thể chìm trong nước nếu làm hồ thuỷ lợi

Trường hợp xây dựng hồ La Ngà 3, nước của thượng lưu sông La Ngà (sông nhánh cấp 1 của sông Đồng Nai) với tổng diện tích lưu vực khoảng 2.000km2; tổng lượng dòng chảy/năm khoảng 2,4 tỷ m3 sẽ được chuyển sang lưu vực các sông, suối thuộc tỉnh Bình Thuận, không trả về lưu vực sông Đồng Nai.

Như vậy, dự án hồ La Ngà 3 sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước của hạ du cũng như yêu cầu nước cho đẩy mặn, giảm ô nhiễm môi trường ở hạ nguồn sông Đồng Nai.

Theo tính toán, trên thượng nguồn sông Đồng Nai hiện có 2 công trình thủy điện thực hiện chuyển nước của sông Đồng Nai sang lưu vực khác, gồm Thủy điện Đa Nhim (chuyển khoảng 710 triệu m3); Thủy điện Đại Ninh (chuyển khoảng 952 triệu m3).

Nếu thực hiện dự án hồ La Ngà 3, tổng lượng nước của sông Đồng Nai chuyển sang lưu vực khác chiếm khoảng 12% tổng lượng dòng chảy trung bình năm của sông Đồng Nai.

Trong khi đó, sông Đồng Nai có vai trò quan trọng đối với 9 tỉnh, thành phố, bao gồm: Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM. 

Nguồn: vietnamnet.vn

  •  
Các tin khác

Dự báo đến 7h sáng ngày 10/9, mực nước lũ trên sông Đáy sẽ tiếp tục tăng, chạm mức 400cm, bằng với mức báo động 3.

Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.

Theo Tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) đang lên.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.