Họp Hội đồng liên Bộ thẩm định Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/9/2021 | 3:17:35 Chiều

Chiều ngày 31/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Hội đồng liên Bộ thẩm định Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự cuộc họp trực tuyến tại các điểm cầu có đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn; Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, và một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đỗ Trường Sinh - Trưởng ban Quy hoạch tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, đơn vị lập Quy hoạch cho biết, lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng là một trong 10 lưu vực sông lớn của Việt Nam và là lưu vực sông có nguồn nước liên quốc gia giữa Việt Nam - Trung Quốc với diện tích lưu vực 10.847 km2 thuộc 3 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn.
Nguồn nước sông Bằng Giang – Kỳ Cùng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư và củng cố an ninh trật tự xã hội vùng biên giới. Với tiềm năng nguồn nước khoảng 10.000 m3 /người, lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng được đánh giá là lưu vực có lượng nước bình quân đầu người tương đối lớn, tuy nhiên phân bố lượng nước trong năm không đều, mùa mưa lượng nước chiếm từ 65-80% tổng lượng nước cả năm bên cạnh đó nguồn nước dưới đất trên lưu vực không giàu và khả năng khai thác rất khó khăn.
Lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng còn là lưu vực sông nằm trong vùng động lực phát kinh tế của vùng Đông bắc, do đó, nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương trong lưu vực sông tăng nhanh với nhu cầu nước hiện tại khoảng 465,0 triệu m3 đến năm 2050 là 576,0 triệu m3 tăng gấp 1,24 lần so với hiện tại.
Bên cạnh những khó khăn do nguồn nước phân bố không đều giữa các tháng trong năm và nhu cầu nước tăng nhanh do phát triển kinh tế - xã hội, lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng đang gặp rất nhiều thách thức như: Tác động của biến đổi khí hậu đã làm lượng mưa biến đổi dẫn đến nguồn nước trên lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng thay đổi một cách rõ rệt; Ô nhiễm nguồn nước trên lưu vực ngày càng diễn ra trên diện rộng, nhiều nơi chất lượng nguồn nước không đáp ứng cho các mục đích sử dụng nước; Tình hình khan hiếm nước trong mùa khô trên lưu vực đang diễn ra ở nhiều nơi nhất vùng núi cao, vùng sâu vùng xa điều kiện tiếp cận với nguồn nước rất khó khăn, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, nước dưới đất trong khi đó do tác động của biến đổi khí hậu làm cho lượng mưa mùa khô có xu thế giảm, việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác nước dưới đất gặp nhiều khó khăn. Điều này là thách thức lớn nếu như không có giải pháp kịp thời để quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước trên lưu vực trong tương lai.
Theo ông Đỗ Trường Sinh, ngoài những khó khăn, thách thức về nguồn nước, khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng cũng đang phải đối mặt với những bất cập trong công tác quản lý khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương trên lưu vực. Hiện nay, hầu hết các ngành, địa phương trên lưu vực đã có quy hoạch khai thác, sử dụng nước như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện…và quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh. Tuy nhiên, các quy hoạch này mới chỉ tập trung vào việc đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng nước đáp ứng nhu cầu của từng ngành, địa phương mà chưa có đánh giá tổng thể về khả năng khai thác, sử dụng của từng nguồn nước trên lưu vực cũng như chưa xác định được chức năng của nguồn nước, các nguồn nước ưu tiên cho phát triển mang tính chiến lược trên lưu vực sông,… từ đó có giải pháp phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mang tính tổng hợp. Do vậy, để giải quyết những tồn tại trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra trong điều kiện biến đổi khí hậu nhằm chủ động được nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng thì cần thiết phải có quy hoạch về tài nguyên nước.
Thực hiện Nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài Bộ tổ chức triển khai xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng lợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch có phạm vi là toàn bộ lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn với diện tích 10.847km2. Đối tượng quy hoạch bao gồm: Tài nguyên nước mặt các sông Bằng Giang, Kỳ Cùng, Bắc Giang, Bắc Khê, Minh Khai, Hiến, Khuổi O, Thả Cao, Tả Cáy, Nậm Cung; tài nguyên nước dưới đất trong các tầng chứa nước chính khe nứt các trầm tích lục nguyên Triat, khe nứt karst các trầm tích Carbonat pecmi, Carbon - pecmi, Devon.
Quy hoạch được thực hiện trên quan điểm bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước, do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chịu trách nhiệm điều phối chung; Bảo đảm tính toàn diện, gắn kết giữa nước mặt với nước dưới đất, giữa khai thác, sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra; tính liên kết, thống nhất, hài hòa về lợi ích sử dụng nước giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa các địa phương và các đối tượng sử dụng nước; Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với nền tảng kỹ thuật và nguồn lực hiện có, đồng thời phải có tính linh hoạt, đáp ứng phương thức quản lý, đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra; Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia trên cơ sở khai thác, sử dụng, bảo vệ có hiệu quả nguồn nước.
Mục tiêu chung của Quy hoạch là điều hòa, phân bổ công bằng, hợp lý nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng nước, các vùng, các tỉnh trên lưu vực sông có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu; Bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; Phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là ưu tiên về số lượng, chất lượng nước cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, ổn định an sinh xã hội nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khan hiếm nước; Cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước; Kiểm soát được các nguồn xả nước thải tập trung vào nguồn nước và phục hồi các nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng; Kiểm soát được tình trạng sạt, lở bờ, bãi sông do các hoạt động khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông; tình trạng sụt, lún nền đất do khai thác nước dưới đất.
Mục tiêu đến năm 2050 là chủ động được nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước có hiệu quả kinh tế cao và có sử dụng nước tái tạo; Bảo tồn các nguồn nước có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động văn hóa hóa, tín ngưỡng; bảo vệ hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước và cảnh quan môi trường các dòng sông.
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Quy hoạch sẽ bao gồm các nhóm nội dung chính như sau: Vùng quy hoạch; Lượng nước có thể khai thác, sử dụng; Nhu cầu khai thác, sử dụng nước; Nhu cầu khai thác, sử dụng nước; Dòng chảy tối thiểu; Nguồn nước dự phòng cấp nước cho sinh hoạt; Lượng nước phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng; Công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước và phát triển tài nguyên nước; Bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn; Bảo vệ chất lượng nước; Mạng giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước và chất lượng nước.
Sản phẩm quy hoạch là các báo bao gồm: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng hợp lưu vực Bằng Giang - Kỳ Cùng; Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tổng hợp lưu vực Bằng Giang - Kỳ Cùng; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Các bản đồ tỷ lệ 1/100.000 gồm: Bản đồ tổng hợp hiện trạng tài nguyên nước lưu vực Bằng Giang - Kỳ Cùng; Bản đồ Quy hoạch tổng hợp lưu vực Bằng Giang - Kỳ Cùng.
Góp ý tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Nguyễn Trung Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, việc thực hiện Quy hoạch sẽ góp phần quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương thuộc lưu vực Bằng Giang - Kỳ Cùng; đồng thời, quy hoạch này cũng là cơ sở, định hướng để triển khai các quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh.
Ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá, việc thực hiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết nhằm thúc đẩy quản lý hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên nước tại lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng. "Để duy trì nguồn nước, hạn chế các thiệt hại do nước gây ra, trong phần giải pháp của nhiệm vụ Quy hoạch cần bổ sung giải pháp về trồng rừng, giữ rừng và tái tạo rừng tự nhiên. Đây là giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn sinh thủy tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, và Bắc Kạn” – Ông Tuyên kiến nghị.
Đồng thời, Hội đồng thẩm định đã có những góp ý chi tiết, cụ thể để hoàn thiện Dự thảo nhiệm vụ Quy hoạch về nội dung, phương pháp; sản phẩm của Nhiệm vụ và cách thức tổ chức thực hiện trong thời gian sớm nhất. Hội đồng cũng nhất trí thông qua Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng đã nghiên cứu tài liệu một cách nghiêm túc để đưa ra những ý kiến đóng góp rất chi tiết, mang tính chất xây dựng cho bản Quy hoạch đảm bảo chất lượng và phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn, cũng như các quy hoạch của các ngành có liên quan.
Hiện nay, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh trên lưu vực đang được xây dựng, do vậy, để đảm bảo tính xuyên suốt và hiệu quả của Quy hoạch, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ cách thể hiện trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sao cho có thể tiếp tục điều chỉnh, cập nhật quy hoạch tổng hợp lưu vực sông phù hợp với những nội dung của quy hoạch tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong lưu vực sau khi những Quy hoạch này được ban hành. "Công tác Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông phải là tầm nhìn, được điều chỉnh khi có những biến động trên lưu vực. Do đó, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về tài nguyên nước trên lưu vực; đồng thời, xây dựng bộ mô hình tính toán hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng để trong kỳ quy hoạch có biến động gì thì có thể sử dụng bộ mô hình đó để chạy lại, tính toán lại nhằm đưa ra các đề xuất hợp lý, hiệu quả nhất cho các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương” – Thứ trưởng phát biểu.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tiếp thu tất cả các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các thành viên hội đồng, tiếp tục hoàn thiện bản Quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Nguồn DWRM

  •  
Các tin khác

Dự báo đến 7h sáng ngày 10/9, mực nước lũ trên sông Đáy sẽ tiếp tục tăng, chạm mức 400cm, bằng với mức báo động 3.

Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.

Theo Tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) đang lên.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.