Bộ TN&MT: Đề xuất quy định thời gian quan trắc xâm nhập mặn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/8/2024 | 3:45:16 Chiều

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông tư đề xuất các quy định chi tiết về thời gian quan trắc xâm nhập mặn, đặc biệt là trong mùa cạn tại các khu vực sông trên cả nước.


Trạm quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động tại huyện Chợ Lách (Bến Tre). Ảnh: TTXVN

Thời gian quan trắc tuỳ thuộc vào đặc điểm vùng miền

Theo dự thảo, thời gian quan trắc xâm nhập mặn sẽ được thực hiện trong 6 tháng mùa cạn, với mỗi vùng miền có thời gian cụ thể khác nhau.

- Miền Bắc và Miền Nam: Bắt đầu từ tháng 12 năm trước và kết thúc vào tháng 5 năm sau.

- Miền Trung:

+ Từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi: Từ tháng 3 đến tháng 8.

+ Từ Bình Định đến Bình Thuận: Từ tháng 2 đến tháng 7.

Đối với các khu vực có diễn biến xâm nhập mặn bất thường, thời gian quan trắc hoặc điều tra khảo sát có thể được thực hiện ngoài khoảng thời gian nêu trên.

Dự thảo cũng nêu rõ, ở những khu vực thường có diễn biến xâm nhập mặn thấp, nếu trong quá trình quan trắc vào giai đoạn gần cuối mùa cạn mà liên tục xuất hiện độ mặn dưới 0,1‰ (vào kỳ nước cường cao nhất trong tháng), thì có thể xem xét, đánh giá và ngừng công tác quan trắc mặn của mùa cạn đó.

Quan trắc tự động 24/24h

Dự thảo còn đề xuất thời gian quan trắc mặn tự động trong mùa kiệt sẽ được tiến hành theo quy định. Hệ thống quan trắc tự động phải hoạt động liên tục 24/24h, với tần suất truyền dữ liệu tối thiểu 10 phút/lần. Sau khi kết thúc mùa kiệt, các trạm quan trắc sẽ tiến hành bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị (nếu đến kỳ hạn).

Đối với các trạm quan trắc liên tục trong năm, việc bảo dưỡng định kỳ và tuân thủ quy trình thao tác chuẩn (SOP) là bắt buộc để đảm bảo độ chính xác và hiệu quả của hệ thống.

Việc dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn của Bộ TN&MT là một bước quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy định cụ thể về thời gian và phương thức quan trắc sẽ giúp nâng cao hiệu quả giám sát, dự báo và đưa ra các giải pháp kịp thời.

LÂM HÀ
  •  
Các tin khác

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá đô thị đạt đô thị thông minh, có cơ chế ưu đãi cho các đô thị phát triển theo mô hình đô thị thông minh.