Nước hôi nồng nặc vẫn… không sao!
- Cập nhật: Thứ ba, 23/2/2016 | 9:36:28 Sáng
(tapchicapthoatnuoc.vn) - Trong khi người dân cho rằng nước bị nhiễm bẩn, có mùi hôi nồng nặc, không thể sử dụng thì chủ đầu tư khẳng định nguồn nước vẫn bảo đảm
“Từ khi dọn vào ở trong khu tái định cư (TĐC), gần 40 hộ dân phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn nặng, có nguy cơ phát sinh bệnh tật”. Đó là phản ánh của nhiều hộ dân ở xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam với Báo Người Lao Động.
Nấu bánh tét mà không dám ăn
Đầu năm 2015, nhiều hộ dân thuộc các thôn 5, 6, 7, xã Tam Thành nhường đất, nhà, nhận tiền đền bù và đến nơi ở mới để phục vụ quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, từ khi vào khu TĐC nằm giữa cánh đồng Trường Thành, cách nhà cũ chưa đầy 1 km, vấn đề nước sạch cho người dân trở nên nan giải.
Hầu hết nguồn nước lấy từ giếng khoan bơm lên đều bị nhiễm phèn, bốc mùi hôi như trứng ung. Để có nước sinh hoạt, người dân phải tốn thêm một khoản tiền mua nước bình về dùng.
“Quá bức xúc, chúng tôi đã làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng về lấy mẫu để xét nghiệm nguồn nước. Thế nhưng, kết quả gửi về lại cho thấy mức độ ô nhiễm là chấp nhận được. Dù vậy, mùi hôi bốc lên khiến chúng tôi không dám dùng nước giếng khoan” - bà Trương Thị Sơn, cư dân khu TĐC, cho biết.
Theo người dân khu TĐC thôn 6, Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều gia đình dùng nước giếng khoan nấu bánh tét. Sau khi vớt bánh ra, tất cả các đòn bánh tét trong nồi đều dính một lớp bùn non bám trên bề mặt. Không dám ăn, họ phải ra chợ mua bánh tét nấu sẵn.
Đợi một thời gian nữa…
Ông Lê Anh Lượng, Trưởng thôn 6, cho biết hiện cả khu TĐC đều bị ảnh hưởng nặng bởi nguồn nước sạch bị nhiễm phèn có mùi hôi nồng nặc. Bà con đã đồng loạt viết đơn gửi lên cơ quan chức năng nhờ can thiệp nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa có gì chuyển biến.
“Ngoài các gia đình trong khu TĐC thôn 6 phải khổ sở với nguồn nước nhiễm bẩn, hàng chục hộ dân nằm ven dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng chịu chung cảnh ngộ khi nước sinh hoạt bị nhiễm phèn, phải đi tận 2 km để mua nước sạch về dùng” - ông Lượng lo lắng.
Ông Phan Đình Thiện, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Ninh (chủ đầu tư xây dựng khu TĐC thôn 6), cho biết khu TĐC với diện tích 2,6 ha này được xây dựng để giải quyết nhu cầu cho những hộ dân nằm trong vùng giải tỏa nhường đất cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo ông Thiện, trung tâm và chính quyền địa phương đã có hướng giải quyết nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn ở đây. Đó là phương án xây dựng một bể nước sạch nằm giữa khu TĐC để người dân thuận tiện lấy về sinh hoạt.
Ông Thiện cho hay vừa qua, Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh Quảng Nam đã xuống tận nhà dân lấy mẫu nước đem đi xét nghiệm. Kết quả, độ pH trong nguồn nước ngầm vẫn bảo đảm cho người dân sử dụng lâu dài.
Về việc người dân phản ánh chủ đầu tư không chịu xây dựng bể chứa nước sạch và sẽ hỗ trợ tiền mặt để họ tự xoay xở nguồn nước, ông Thiện cho rằng không đúng. “Chúng tôi chưa thể xây dựng công trình nước sạch là vì thiếu kinh phí. Mong người dân hãy đợi một thời gian ngắn nữa” - ông Thiện phân trần.
Nguy cơ nhiễm bệnh
Theo ông Tôn Liệu, Chủ tịch UBND xã Tam Thành, hiện khu TĐC thôn 6 cơ bản đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao cho xã quản lý, chỉ bàn giao hạng mục điện đường.
Ông Liệu cho rằng việc người dân xài nguồn nước nhiễm bẫn hơn 1 năm nay khiến chính quyền rất lo lắng. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nguy cơ nhiễm bệnh đối với người dân là hoàn toàn có cơ sở.
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.