“Nên dùng ống của các nước G7 cho dự án đường nước sông Đà”
- Cập nhật: Thứ năm, 31/3/2016 | 12:02:59 Chiều
(tapchicapthoatnuoc.vn) - Ông Trần Quang Hưng - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam - nêu quan điểm: Dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2 nên dùng ống của các nước thuộc nhóm G7 (Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ) bởi chất lượng ống rất đảm bảo về kỹ thuật và an toàn cho sức khỏe con người.
Lấy đường ống số 1 làm bài học kinh nghiệm!
Ông Trần Quang Hưng cho biết, ông đã từng tham gia dự thầu ở nhiều gói thầu do Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á làm về các dự án nước sạch sinh hoạt, trong có cũng có các tiêu chuẩn kỹ thuật về ống gang dẻo. Nhưng tại các dự án này, chủ đầu tư đều đưa ra tiêu chuẩn cho ống gang dẻo phải theo do các nước thuộc nhóm G7 sản xuất. Bởi dự án nước sạch là đặc biệt quan trọng, vì liên quan đến trực tiếp đến sức khỏe của con người. Mà tiêu chuẩn ống gang dẻo của G7 là cao cấp nhất không những đáp ứng về mặt kỹ thuật, mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.
Theo ông Hưng, hệ thống sản xuất ống gang dẻo của các nước G7 rất qui mô, hiện đại, chặt chẽ, sản phẩm đồng nhất và ổn định. Ngoài ra, hệ thống kiểm định của G7 cũng rất chặt chẽ, cho nên chất lượng rất đảm bảo. Trước khi sản phẩm ra xưởng bộ phận kỹ thuật sẽ thử mẫu kim loại của từng cây ống xem độ bám của lớp phủ bên trong có đáp ứng yêu cầu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người; quá trình nén, kéo có chịu được áp lực không? Cho nên chất lượng của ống rất đồng nhất, dù là 21km hay 1km cũng như nhau.
“Sản phẩm của các nước G7 bán cho khách hàng rất đảm bảo, họ trọng chữ tín lắm. Như chúng ta đã thấy tuyến ống truyền tải nước sạch sông Đà số 1 (chất liệu là ống cốt sợi thủy tinh) đã vỡ, gặp sự cố tới gần 20 lần, người ta nói do chất lượng ống không đồng đều. Được biết, chủ đầu tư đã mua dây chuyền từ 1 đối tác của Trung Quốc để về Việt Nam tự sản xuất ra đường ống cốt sợi thủy tinh đó. Bản thân chất liệu cốt sợi thủy tinh không có tội, nhưng do yếu tố con người và dây chuyền nên mới cho ra sản phẩm không đảm bảo như vậy. Nếu là nhà bán hàng trọng chữ tín, vì con người thì không bao giờ họ bán cho ta cái dây chuyền sản xuất đó, bởi dù sao sản phẩm làm ra từ dây chuyền đó không đảm bảo cũng ảnh hưởng đến uy tín của họ chứ. Như vậy cho thấy, họ hoàn toàn vì lợi nhuận chứ không vì khách hàng, vì con người” – ông Hưng phân tích.
Cũng theo ông Hưng, chủ đầu tư hãy lấy những sự cố mà tuyến ống số 1 đã gặp phải làm bài học kinh nghiệm để sáng suốt, thận trọng lựa chọn nhà thầu cung cấp ống cho dự án xây dựng lắp đặt đường ống dẫn nước sạch sông Đà giai đoạn 2.
Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp ống cho đường nước sông Đà 2?
Từ những thông tin mà chủ đầu tư cho rằng, trên thế giới rất ít quốc gia có thể sản xuất được ống gang dẻo có đường kính cỡ lớn như DN1800, DN2000,… ông Trần Quang Hưng phản đối. Theo ông thực tế rất nhiều nước trên thế giới có thể sản xuất được ống gang dẻo cỡ lớn đó như Australia, Nhật Bản,…
“Theo chủ đầu tư nói là trên thế giới rất ít quốc gia sản xuất được ống gang dẻo có đường kính lớn như DN1800, DN2000,… Nếu các quốc gia họ không sản xuất thì phải đặt câu hỏi tại sao họ không sản xuất, bởi bây giờ họ đang chuyển dần sang dùng ống nhựa tiêu chuẩn HDPE cho các dự án nước sạch sinh hoạt. Mà Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được ống nhựa HDPE có đường kính lên tới DN2000, chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế. Ống nhựa HDPE rất phù hợp dùng để truyền tải nước sạch sinh hoạt, độ bền hàng trăm năm. Nhưng vì từ sự cố đường ống số 1 làm bằng cốt sợi thủy tinh nên cứ nghe thấy ống nhựa là sợ, các nhà thiết kế của ta mới hướng sang ống gang dẻo” – ông Hưng nói.
Ông Trần Quang Hưng chia sẻ thêm, dự án xây dựng đường ống dẫn nước sạch sông Đà là dự án đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến an toàn nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người dân Thủ đô Hà Nội. Do vậy, UBND TP Hà Nội cần phải hết sức quan tâm, không được để chủ đầu tư “gánh” trách nhiệm 1 mình, nếu chủ đầu tư thiếu năng lực về nguồn vốn, Hà Nội sẽ phải “rót” vốn thêm. Nếu thấy không an toàn, UBND TP Hà Nội cần vào làm lại từ khâu tổ chức đấu thầu, để lựa chọn nhà thầu đảm bảo nhất thực hiện dự án quan trọng này.
Thông tin nhà thầu Trung Quốc trúng gói thầu tại dự án đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội về nguồn nước sinh hoạt đã khiến dư luận xã hội “giật mình” lo lắng. Một loạt câu hỏi được đặt ra như chất lượng ống có đảm bảo, có an toàn tới sức khỏe con người, có bị đội vốn,…?
Trước những băn khoăn, lo lắng của dư luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện Dự án, trên cơ sở đó, có đánh giá làm rõ những thông tin gần đây mà dư luận đề cập liên quan đến dự án, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm dự án được thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ và theo đúng quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội báo cáo trước ngày 31/3.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm – Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Sau khi đấu thầu xong, chủ đầu tư sẽ mời nhà thầu vào vòng đàm phán hợp đồng. Trong nguyên tắc đảm phán họp đồng cũng đã được qui định rất rõ trong từng mục chi tiết ở luật đấu thầu. Không phải cứ trúng thầu là được ký hợp đồng vì còn phải qua vòng đàm phán của hợp đồng nữa, nếu các bên không đàm phán được với nhau để đi đến ký kết hợp đồng, thì đối tượng trúng thầu cao nhất cũng có thể sẽ không thực hiện gói thầu đó”.
Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex thì cho biết, trong ngày hôm nay 31/3 UBND TP Hà Nội sẽ báo cáo toàn bộ quá trình thực hiện Dự án xây dựng đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2 với Chính phủ và chỉ khi nào Chính phủ đồng ý, chủ đầu tư mới chính thức ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc về việc cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện cho dự án này.
Theo Dân trí
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.