Gần 226.000 gia đình ở ĐBSCL thiếu trầm trọng nước sinh hoạt
- Cập nhật: Thứ hai, 16/5/2016 | 9:14:31 Sáng
(capthoatnuocvietnam.vn) - Xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ đang có xu hướng giảm dần, tạo điều kiện cho nông dân gieo cấy lúa nhưng vùng này vẫn còn khoảng 1 triệu người thiếu nước sinh hoạt.
Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Báo cáo với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị giao ban công tác ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ở Sóc Trăng cuối tháng 4, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết năm 2016, xâm nhập mặn xuất hiện sớm ở miền Tây với cường độ cao nhất trong lịch sử quan trắc. Điều này đã đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để hạn chế thiệt hại. Hiện tình hình xâm nhập mặn đang có xu hướng giảm dần, tạo điều kiện cho người dân lấy nước phục vụ gieo cấy vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, thời tiết vẫn còn diễn biến bất thường, cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Từ khi mặn xâm nhập ở miền Tây đến nay, khu vực này có 208.800 ha lúa bị thiệt hại. Trong đó, 19.300 ha thiệt hại dưới 30%, từ 30-70% chiếm 71.100 ha và trên 70% lên đến 118.400 ha.
Thiên tai cũng khiến 9.400 ha cây ăn quả bị hư hại. Đến nay có khoảng 225.800 hộ thiếu nước sinh hoạt. Nếu bình quân mỗi hộ có 4 người thì miền Tây Nam Bộ có đến gần 1 triệu người bị ảnh hưởng do thiếu nước.
Những nơi khó khăn về nước sinh hoạt được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xác định là Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh… Nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất cũng bị thiếu nước ngọt.
Chuyển đổi cây trồng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết nắng hạn với xâm nhập mặn không chỉ gây thiệt hại lúa, tôm mà còn khiến đất bị sạt lở, sụp lún rất nghiêm trọng. Hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở của người dân Cà Mau bị sụp lở... Trong lúc hội nghị diễn ra, rừng tràm U Minh Hạ bị cháy , việc chữa cháy rất khó khăn do thiếu nước.
Chia sẻ với hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - đặt ra vấn đề quản lý hơn 1,5 triệu cây nước ngầm ở miền Tây Nam Bộ như thế nào cho an toàn. Hiện tượng sạt lở, lún sụp có phải nguyên nhân từ khai thác nước ngầm và liệu sau này có còn đất sản xuất hay không?
“Một vùng đất được mệnh danh là vựa lúa, vựa tôm mà người dân di cư đi nơi khác sinh sống là điều bất thường", ông Thể nói.
Với tư cách là người dân miền Tây Nam Bộ, ông Thể đề xuất Chính phủ quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở khoa học để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn mặn gay gắt. “Có nên giữ ngọt khi không giữ được, bắt nông dân trồng lúa hay chuyển sang nuôi trồng thủy sản phù hợp với xâm nhập mặn, nước biển dâng?", ông Thể đặt ra câu hỏi để hội nghị bàn biện pháp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, địa phương này là đầu nguồn mặn, cuối nguồn ngọt. Việc xây dựng âu thuyền Ninh Qưới ở huyện Hồng Dân mới giải quyết được thủy lợi cho cây lúa và môi trường nuôi tôm.
“Trước tình hình xâm nhập mặn sâu, chúng tôi không giữ diện tích hai vụ lúa không ăn chắc mà chuyển một vụ lúa, một vụ tôm", ông Trung chia sẻ.
Giáo sư tiến sĩ Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện khoa học thủy lợi miền Nam cảnh báo: "Chúng tôi liên tục cập nhật thông tin hạn, mặn cho các địa phương ứng phó. Chúng ta không chủ quan với hạn mặn đã gây thiệt hại rất nặng nề vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một hiện tượng lạ ở Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu... là xâm nhập mặn ngay mùa mưa. Hiện nay, độ mặn tăng cao đã gây hại tôm nuôi trên diện rộng”.
Tiếp tục ứng phó với nắng hạn và xâm nhập mặn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ động cập nhật thông tin để người dân chủ động khai thác, tích trữ nước ngọt để đảm bảo đủ sinh hoạt và sản xuất. Bộ này cũng cần bổ sung kịch bản biến đổi khí hậu và phổ biến cho người dân biết để thích ứng.
Đối với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Phó thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại mùa vụ hợp lý, triển khai có hiệu quả giải pháp ứng phó với hạn, mặn, nhất là giải pháp bảo vệ rừng. Tiếp theo là chủ trì với các cơ quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc giữ nước ngọt, xây dựng toàn vùng, liên kết vùng phải trên cơ sở khoa học, có tầm nhìn xa.
Phó thủ tướng cũng đề nghị chính quyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất ngân sách dự phòng, chống thiên tai để hỗ trợ cho người dân không khát, không đói. Hệ thống chính trị các tỉnh này phải vào cuộc để khắc phục thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất.
Theo motthegioi.vn
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.