Nguy cơ từ nước đóng chai không hợp vệ sinh

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/5/2016 | 11:18:45 Sáng

(capthoatnuocvietnam.vn) - Vốn đầu tư ít, công nghệ đơn giản, thực hiện không nghiêm quy trình sản xuất khiến nhiều sản phẩm nước đóng chai không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng.

Bỏ qua nhiều quy định

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang "nóng", trong đó có chất lượng nước đóng chai người dân sử dụng hằng ngày. Nhiều cơ sở sản xuất khá sơ sài, nhỏ lẻ, không tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Đơn cử cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết Hoàng Minh nằm khuất trong một ngách nhỏ ở thôn Việt Tiến, xã Hương Gián (Yên Dũng). 

Tại đây có vô số bình nước thành phẩm mang tên Hoàng Minh đã niêm phong, ghi ngày sản xuất cách đó vài hôm được xếp đống dưới nền nhà. Chủ cơ sở cho biết: "Nhân lực ít, tiêu thụ khó khăn nên nước làm ra phải để mấy hôm mới bán hết. Đúng quy trình phải có kho, giá đỡ bảo quản sản phẩm nhưng do chật chội, có chỗ để như vậy là tốt lắm rồi!". 

Tương tự, công nghệ sản xuất nước uống đóng chai tại một số cơ sở trên địa bàn TP Bắc Giang cũng trong tình trạng không bảo đảm vệ sinh khi hầu hết đều không có phòng vô trùng được xử lý bằng tia cực tím theo quy định. Lẽ ra, nước được sản xuất theo quy trình khép kín, có giá treo bình chờ đóng gói, giá để nước thành phẩm; người lao động được tập huấn kiến thức về ATVSTP, có đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động như: Găng tay, áo, mũ, ủng chuyên dụng... Tuy nhiên, khảo sát tại Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ thương mại Tân Hoàng Phúc có sản phẩm nước uống tinh khiết nhãn hiệu Ngọc Sen, ở xóm Nguộn, xã Dĩnh Trì và một số cơ sở khác cho thấy những quy định này chỉ dùng để đối phó với các cơ quan chức năng khi được kiểm tra. 

Tại một số cơ sở cho thấy, các bình cũ sau khi thu gom được súc, rửa qua loa bằng tay không. Sau đó, nước được bơm vào bình qua vòi nhựa rồi sản phẩm được niêm phong, xếp đống chồng lẫn lên nhau. Mọi hoạt động diễn ra trên nền nhà trong khi khu vực hành lang, nước thải chảy lênh láng khắp nơi. Người trực tiếp sản xuất nước đóng chai ở đây hầu như không có bất kỳ dụng cụ bảo hộ lao động nào.  

Nhiều cơ sở sản xuất tại khu nhà ở gắn với sinh hoạt của các hộ dân, thậm chí sản xuất bên cạnh cống, rãnh thoát nước thải... với lý do diện tích hẹp, phòng vô trùng nóng nực, không bảo đảm năng suất. Cách làm trên khiến nguy cơ các bình nước bị nhiễm khuẩn rất cao, ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Chi cục ATVSTP (Sở Y tế), toàn tỉnh hiện có gần 90 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai được cấp phép hoạt động. Mỗi ngày có khoảng 50 nghìn lít nước đóng chai được sản xuất, tiêu thụ tại các trường học, doanh nghiệp (DN), khu dân cư. Trong đó một nửa số cơ sở có quy mô gia đình do UBND các huyện, TP cấp phép, quản lý. TP Bắc Giang là đơn vị có nhiều cơ sở nhất với hơn 20 DN, hộ kinh doanh; các huyện còn lại có từ 4 đến 15 cơ sở.

Chất lượng nước... còn tùy 

Thực tế hiện nay, đa phần các cơ sở sản xuất nước đóng chai quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Để tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, nhiều chủ cơ sở tự tay sản xuất, đóng bình, giao hàng. Giá bán sản phẩm chỉ từ 7 đến 10 nghìn đồng/bình 20 lít khiến chất lượng nước khó bảo đảm. Hơn nữa, việc kiểm nghiệm định kỳ các mẫu nước đều do các cơ sở tự mang đến cơ quan chuyên môn thực hiện. Giấy báo kết quả kiểm nghiệm mẫu nước ghi rõ: "Kết quả thử nghiệm chỉ có giá trị với mẫu đem thử, tên mẫu và cơ sở gửi mẫu được ghi theo yêu cầu của khách hàng". Vì vậy, chất lượng nước uống đóng chai hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm, ý thức chấp hành quy trình, quy định của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. 

Để kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất nước đóng chai vi phạm quy định, hằng năm, Chi cục ATVSTP đều thành lập các đoàn kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh của các DN do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo đó, năm 2015, phát hiện 10 cơ sở không bảo đảm ATVSTP, Chi cục đã lập biên bản xử phạt một DN 8 triệu đồng về hành vi sản xuất nước uống đóng chai do giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP đã hết hiệu lực. Nhắc nhở, buộc 9 cơ sở khắc phục tồn tại về điều kiện ATVSTP như đèn chiếu sáng bị vỡ hộp lưới bảo vệ; thiếu giá, kệ chứa sản phẩm; người trực tiếp sản xuất nước chưa được xác nhận kiến thức về ATVSTP... 

Từ đầu năm 2016 đến nay chưa có cơ sở nào bị phát hiện, xử lý vi phạm nhưng trước vấn đề "nóng" của ATVSTP, Chi cục ATVSTP đang thành lập đoàn kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm.   

Các hộ kinh doanh nước đóng chai được phân cấp cho Trung tâm Y tế các huyện, TP quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc kiểm tra chủ yếu thực hiện theo kế hoạch định kỳ nhằm tuyên truyền ý thức chấp hành của các cơ sở. Bà Ngô Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Bắc Giang chia sẻ, hằng năm UBND TP đều thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai trên địa bàn. 

Do không có thiết bị phân tích, thẩm định nên việc kiểm tra chủ yếu về các thủ tục hành chính, ý thức chấp hành quy trình sản xuất của các cơ sở. Đến nay TP chưa xử phạt trường hợp nào. Trung tâm sẽ sớm tham mưu cho UBND TP thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai vi phạm ATVSTP.

Theo báo Bắc Giang

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.