Nước sạch Hải Dương: Làm chủ công nghệ, nâng cao công suất và chất lượng nước sạch

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/5/2016 | 3:30:44 Chiều

(capthoatnuocvietnam.vn)- Ngày 21/4/2016, đoàn cán bộ của Hội Cấp thoát nước Việt Nam do ông Cao lại Quang, chủ tịch Hội làm trưởng đoàn đã có buổi thăm và làm việc với công ty Kinh doanh nước sạch Hải Dương. Tiếp đoàn có ông Nguyễn Văn Đoàn - Tổng giám đốc Công ty cùng một số cán bộ trong ban lãnh đạo Công ty Kinh doanh nước sạch Hải Dương.

Đoàn cán bộ Hội Cấp thoát nước Việt Nam thăm nhà máy nước Việt Hòa, Hải Dương

Sau 80 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Công ty đã trở thành một trong những doanh nghiệp đứng đầu cả nước trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước sạch. Hiện nay Công ty đang cấp nước cho toàn bộ thành phố Hải Dương, tất cả thị trấn các huyện và rất nhiều xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương, góp phần rất lớn vào việc trên 85% số xã nông thôn của tỉnh Hải Dương được sử dụng nước sạch. Ngoài ra Công ty đang cấp nước sạch cho một số xã thuộc các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình. Tính đến hết năm 2015, số khách hàng của Công ty đạt hơn 183.000 hộ khách hàng. 

Sau khi nghe Tổng giám đốc Công ty thông báo tóm tắt về tình hình hoạt động của công ty, đoàn đã đến thăm quan Nhà máy sản xuất nước sạch Việt Hòa của công ty tại TP Hải Dương. Nhà máy được đặt tại Km4, Quốc lộ 5A, phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương cách bờ đê sông Thái Bình hơn 2km, sử dụng nguồn nước ngầm được bơm từ 6 giếng khoan nước ngầm ở độ sâu 80-100m tại xã Ngọc Liên, Cẩm Đông huyện Cẩm Giàng, cách khu xử lý hơn 20km. Tổng công suất thiết kế ban đầu của nhà máy là 10.200m3/ngày đêm.

Đến năm 2013 do biến đổi khí hậu toàn cầu, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, ô nhiễm xâm thực mặn, Công ty đã tiến hành đầu tư chuyển đổi công nghệ từ bể lắng đứng thành bể lắng lamen và nâng công suất của nhà máy từ 10.200 lên 20.000m3/ngày đêm.

Đến năm 2015 thực hiện theo quy hoạch cấp nước chung của toàn tỉnh Hải Dương, Công ty tiếp tục đầu tư cải tạo bể tiếp xúc, bể chứa nước dưới dàn mưa thành bể lắng lamen nâng công suất của nhà máy lên 40.000m3/ngày đêm phục vụ sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh của một phần thành phố Hải Dương, khu vực huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng  và Bình Giang.

Công nghệ lắng lamen giúp Nhà máy nước Việt Hòa nâng công suất từ 10.200m3/ngày đêm lên 40.000m3/ngày đêm

Hệ thống xử lý của Nước sạch Hải Dương được chia làm 4 giai đoạn

Giai đoạn 1: Thu nước và bơm cấp đi xử lý

Nguồn nước thô được lấy từ sông Thái Bình đưa vào xử lý ở đây công trình thu nước sẽ tách các cặn rác lớn ra khỏi nước để khi đưa vào bể lắng không bị tắc. Tại công trình thu bùn lắng xuống sẽ được vệ sinh định kỳ.

Giai đoạn 2: Phản ứng và lắng

Để tăng hiệu quả lắng ở đây ta dùng thiết bị hòa trộn tĩnh nó có tác dụng hòa trộn tối đa nước và hóa chất với nhau.

Thiết bị trước bể phản ứng, tại đây hóa chất điều chỉnh pH được châm vào trước để nâng pH sau đó hóa chất phèn PAC được đưa vào và cuối cùng đưa hóa chất trợ keo tụ polymer vào. Hóa chất và nước hòa trộn đều với nhau và đưa vào bể phản ứng.

Tại bể phản ứng các bông tụ trong nước được hình thành lớn dần, nước sang bể lắng thì các bông cặn lớn gặp các tấm lá lớp mỏng chặn lại và rơi xuống đáy bể, đáy bể được thiết kế dạng hình góc côn 60# để thu bùn. Bùn lắng xuống đáy được thiết bị gạt bùn dồn lại và bơm sang bể nén bùn.

Còn nước trong được thu trên mặt bằng máng thu nước phần thu bằng răng cưa và đưa sang bể lọc.

Giai đoạn 3: Lọc

Tại bể lọc các bông cặn nhỏ và huyền phù không lắng được sẽ được giữ lại nhờ lớp vật liệu lọc và thu được nước sạch. Qua bể lọc nước đảm bảo được các chỉ tiêu hóa lý để sinh hoạt.

Giai đoạn 4: Khử trùng và cấp đi sử dụng 

Để đảm bảo các tiêu chuẩn về vi sinh của nước sinh hoạt, hóa chất khử trùng được châm trực tiếp vào dòng nước trước khi vào bể chứa theo liều lượng được tính toán để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009BYT.

Nước tại bể chứa được trạm bơm cấp 2 cấp đi sử dụng

Có thể nói, sự nhạy bén và làm chủ trong việc áp dụng công nghệ của Công ty Kinh doanh nước sạch Hải Dương đã giúp hoạt động sản xuất của công ty phát triển, đạt hiệu quả tối đa cả về công suất và chất lượng. Trong thời gian tới Công ty sẽ từng bước chuyển đổi công nghệ xử lý nước sạch của 12 nhà máy trực thuộc thành công nghệ lắng lamen để nâng công suất sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của nhân dân.

Bài-ảnh: Hà Thắm

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.