Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Khẩn trương lập Quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2016 | 10:07:24 Sáng

capthoatnuocvietnam.vn) - Trong cuộc họp gần nhất với lãnh đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước - đơn vị được giao chủ trì tham mưu, xây dựng Quy hoạch - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà yêu cầu khẩn trương lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình.

Thành lập Hội đồng thẩm định đề cương đồ án

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, Bộ TN&MT đã nhanh chóng thành lập Hội đồng thẩm định đề cương đồ án: “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã vừa ký ban hành Quyết định số 1130/QĐ-BTNMT về việc Thành lập Hội đồng thẩm định đề cương đồ án: “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình” do ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ TN&MT làm Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng gồm 29 thành viên, bao gồm các nhà quản lý, khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong các vực tài nguyên nước, môi trường, thủy lợi, thủy điện, xã hội, giao thông thủy… đang công tác tại các cơ quan, đơn vị: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Thủy lợi Việt Nam, Hội Đập lớn; và các cơ quan quản lý, trung tâm, viện nghiên cứu thuộc các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông Thôn, Giao thông vận tải....

Hội đồng có nhiệm vụ đánh giá, thẩm định đề cương, nội dung, phương án và hồ sơ đồ án Quy hoạch tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình; Hội đồng chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và báo cáo Bộ trưởng Bộ TN&MT để làm căn cứ phê duyệt Quy hoạch Tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình theo quy định.

Thành lập 04 nhóm chuyên gia

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 766/TTg - KTN ngày 09/5/2016 về việc giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, ngày 17/5/2016 Bộ TN&MT đã có báo cáo số 1819/BTNMT-TNN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng.

Cụ thể, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã Thành lập 04 nhóm chuyên gia để tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá các nội dung chuyên sâu để đề xuất các phương án, giải pháp quy hoạch, bao gồm:

Nhóm 1 có nhiệm vụ: Tổng hợp thông tin số liệu và phân tích, đánh giá những vấn đề về hiện trạng, diễn biến tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước và đề xuất phương án quy hoạch;

Nhóm 2: Đánh giá tác động của các phương án quy hoạch, nhất là việc bổ sung thêm các công trình mới đến dòng chảy, hoạt động khai thác, sử dụng nước ở dưới hạ du, thoát lũ, bồi lắng phù sa... bằng mô hình thủy văn, thủy lực;

Nhóm 3: Nghiên cứu, đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng;

Nhóm 4 làm công tác tổng hợp chung các nội dung của Quy hoạch.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo các cơ quan, các nhóm chuyên gia xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết từng nội dung, nhiệm vụ và khẩn trương triển khai thực hiện, bao gồm cả kế hoạch lấy ý kiến, huy động sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho lợi ích người dân trên lưu vực, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng. Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các nhóm chuyên gia… tham gia xây dựng quy Quy hoạch nêu trên.

Triển khai đồ án quy hoạch theo quy trình đặc biệt

Để phù hợp với quy định của pháp luật, nguồn lực hiện có, bảo đảm tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch để triển khai thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đồ án theo quy trình đặc biệt. Cụ thể:

Cho phép điều chỉnh tên Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng đã được giao tại công văn bản số 766/TTg - KTN thành Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình.

Cho phép  thực hiện việc lập quy hoạch theo trình tự thủ tục rút gọn một số bước, lồng ghép bước lập nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước với bước lập Quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ.

Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bổ sung nhiệm vụ, kinh phí năm 2016 cho Bộ TN&MT để khẩn trương triển khai việc xây dựng Quy hoạch.

Chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải… cung cấp các thông tin, số liệu liên quan đến việc lập Quy hoạch và phối hợp tham gia trong suốt quá trình lập Quy hoạch.

Cho phép mời một số chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về xây dựng quy hoạch lưu vực tham gia tư vấn, hỗ trợ, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng Quy hoạch.

“Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình”  cần có những phương án kịch bản cho công tác đánh giá về các mặt: xã hội, kinh tế, văn hóa, lịch sử và an ninh quốc phòng…
“Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình” cần có những phương án đánh giá về các mặt: xã hội, kinh tế, văn hóa, lịch sử và an ninh quốc phòng…

Có thể mời chuyên gia nước ngoài, thẩm định, đánh giá độc lập

Trong cuộc họp gần nhất với lãnh đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước (đơn vị được giao chủ trì tham mưu, xây dựng Quy hoạch Tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà yêu cầu:

Thứ nhất, Đây là vấn đề nóng và cấp bách, được Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo, được dư luận và nhân dân hết sức quan tâm… vì vậy các cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT phải nhanh chóng mời các nhà khoa học hàng đầu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thuộc lưu vực, tập trung lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình.

Thứ hai, Để đáp ứng yêu cầu Thủ tướng giao, Hội đồng thẩm định đề cương đồ án: “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình”  cần có những phương án kịch bản cho công tác đánh giá về các mặt: xã hội, kinh tế, văn hóa, lịch sử và an ninh quốc phòng… liên quan đến quy hoạch, khai thác tài nguyên nước sông Hồng.

Thứ ba, Trong thời gian sớm nhất, cần đưa ra một quy hoạch có tầm nhìn lớn, có chiến lược lâu dài, để đảm bảo khai thác, sử dụng sông Hồng với lợi ích kinh tế hiệu quả dựa trên điều kiện tự nhiên. Ngoài việc mời các chuyên gia hành đầu trong nước, nếu cần có thể kiến nghị Thủ tướng cho phép mời cả chuyên gia nước ngoài thẩm định, đánh giá một cách độc lập quy hoạch này.

Thứ tư, Dựa trên những kết quả khách quan, chính xác đó, cần sớm điều chỉnh, ban hành các hành lang pháp lý để áp dụng với mọi điều chỉnh liên quan đến sử dụng tài nguyên sông Hồng.  

Theo báo tài nguyên môi trường

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.