Bộ TN&MT lắng nghe các nhà khoa học góp ý Quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng - Thái Bình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/7/2016 | 9:39:59 Sáng

(capthoatnuocvietnam.vn) - Ngày 14/7, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo "Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình". Hội thảo đã thu hút gần 200 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều Bộ, ngành góp ý về một số nội dung chủ yếu cần phải thực hiện trong Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Lưu vực sông Hồng -Thái Bình, là lưu vực sông lớn thứ hai ở nước ta, là lưu vực sông liên quốc gia với tổng diện tích lưu vực 169 nghìn km2, tổng lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 135 tỷ m3. Trong đó, diện tích lưu vực ở Trung Quốc chiếm 48%, với tổng lượng nước khoảng 38% (52,2 tỷ m3); phần trong nước có diện tích gần 87 nghìn km2, với tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 62% (83 tỷ m3).

Lưu vực sông Hồng - Thái Bình bao gồm nhiều tiểu lưu vực sông lớn như sông Đà, Lô, Thao, Gâm, Cầu - Thương… và cả vùng đồng bằng sông Hồng. Để có thể khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường thì việc điều hòa, phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra là hết sức quan trọng và cấp bách.

TS Tổng Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm điều tra quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia trình bày tham luận tại Hội thảo
TS Tống Ngọc Thanh -  Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia trình bày tham luận tại Hội thảo

Quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch chủ đạo, tổng hợp, đa ngành làm cơ sở để lập và điều chỉnh các quy hoạch của các ngành sử dụng nước. Quy hoạch tài nguyên nước không chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến xây dựng và vận hành hạ tầng cơ sở để tìm cách đáp ứng nhu cầu sử dụng nước mà hướng vào việc tối ưu hóa các lợi ích từ nguồn cấp nước hiện có, quản lý nhu cầu và đáp ứng đòi hỏi của môi trường.

“Trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, hôm nay, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý về một số nội dung chủ yếu cần phải thực hiện trong Quy hoạch, tôi mong muốn các Nhà khoa học, các cơ quan liên quan cùng các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được giao thực hiện nhiệm vụ cùng trao đổi, thảo luận xung quanh việc lập quy hoạch quan trọng này…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Nhiều ý kiến bổ ích thể hiện sự quan tâm đến quy hoạch mà Bộ TN&MT đang chủ trì thực hiện
Nhiều ý kiến bổ ích thể hiện sự quan tâm đến quy hoạch mà Bộ TN&MT đang chủ trì thực hiện

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã được nghe báo cáo tổng thể về lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình; Báo cáo hiện trạng điều tra cơ bản, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ lập quy hoạch; Tác động của các hoạt động khai thác, sử dụng nước phía thượng nguồn; Thực trạng và tác động của biến động lòng dẫn đến việc sử dụng nguồn nước vùng hạ du…

Hội thảo thực sự sôi động khi 15 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực tài nguyên nước, thủy lợi, môi trường… trình bày tham luận. Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, Ban Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học KC08/11-15 Bộ KH-CN, quy hoạch cần cân đối khả năng nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước đồng thời cần giải bài toán quy hoạch môi trường, gắn với quy hoạch tài nguyên nước…

Các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi trong giờ giải lao
Các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi trong giờ giải lao

Còn GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi thì cho rằng có sự khác nhau giữa chuyển đổi từ quy hoạch tổng thể sang quy hoạch tài nguyên nước. “Tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm đến việc tên quy hoạch tài nguyên nước và đánh giá năng lực, khả năng của nước. Ngoài ra trong quy hoạch cần quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nước sẽ được thực hiện với các mục đích gì thì sẽ trả lời được câu hỏi hoặc yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra cho quy hoạch này” - GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Ở một góc độ khác, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện là Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đập lớn thế giới (ICOLD) góp ý: “Tôi cho rằng những vấn đề cấp bách trong quy hoạch. Vấn đề chất lượng nước sông Hồng – Thái Bình đang là vấn đề quan tâm. Quy hoạch lần này cần phải có vai trò quản lý của nhà nước liên quan tới đời sống xã hội, an ninh quốc phòng…”

Bên lề hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận được sự
Bên lề hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận được sự "chăm sóc" đặc biệt của các phóng viên báo chí

Nhiều đại biểu cho rằng tên của quy hoạch như vậy đã thể hiện được tính tổng thể, tính tổng hợp trong quy hoạch tài nguyên nước. Các đại biểu cho rằng quy hoạch này cần được lập cho năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Ngoài ra, đa số các đại biểu đều khẳng định quy hoạch tài nguyên nước là một trong những nền tảng cơ bản để xây dựng các quy hoạch về các ngành khai thác, sử dụng khác, các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội khác…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà quản lý đối với quy hoạch. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hội thảo hôm nay, các nhà khoa học cũng đã cùng nhau thống nhất được nhiệm vụ đặt ra cũng như vị trí, vai trò của quy hoạch lần này mà Thủ tướng yêu cầu thực hiện.

Quang cảnh Hội thảo sáng 14/7 tại Hà Nội
Quang cảnh Hội thảo sáng 14/7 tại Hà Nội

“Chúng ta chưa bao giờ có một quy hoạch tiếp cận một cách tổng thể, tiếp cận một cách dài hạn đối với một lưu vực sông rộng lớn như thế này. Đây là quy hoạch đầu tiên một cách tổng thể nó giải quyết cho những cái cụ thể hay nói cách khác đây là quy hoạch tổng thể quản lý sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình làm tiền đề cho các quy hoạch khác ở khu vực này…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng quá trình làm quy hoạch này là một yêu cầu cấp bách, khẩn trương nhưng cũng yêu cầu sự khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng thì mới có một sản phẩm quy hoạch tốt nhất đáp ứng yêu cầu mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho.

“Với 15 ý kiến từ nhiều góc độ, nhiều phương diện đã thể hiện rất tâm huyết thể hiện được chuyên môn cao của các nhà khoa học. Bộ TN&MT chúng tôi sẽ thiếp thu và điều chỉnh trong quá trình lập quy hoạch này. Trong quá trình làm quy hoạch, Bộ TN&MT rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm về chủ đề này để lắng nghe ý kiến các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước phản biện, bổ sung cho quy hoạch…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo báo tài nguyên môi trường

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.