Thanh Hóa căng mình lo nước sạch cho KKT Nghi Sơn

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/3/2017 | 4:01:21 Chiều

(capthoatnuocvietnam.vn)- Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn sắp đến ngày vận hành. Một trong những cam kết được Chính phủ ký với nhà đầu tư là việc cấp nước đảm bảo chất lượng cho nhà máy vận hành phải được đảm bảo 24/24. Nếu vi phạm, mức phạt đã được 2 bên thống nhất là 24,5 triệu USD/1 ngày cho các tổn thất thương mại, kỹ thuật, nhân lực liên quan đến việc dừng hoạt động nhà máy.

Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD tại Thanh Hóa của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất nhì Việt Nam, được cấp phép vào tháng 4/2008.

Đây là dự án liên doanh giữa Việt Nam và các nhà đầu tư quốc tế, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm 75% vốn. Cụ thể Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 25,1%, Công ty Dầu khí Quốc tế, Kuwait (KPI/KPE) 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan, Nhật Bản (IKC) 35,1%, Công ty Hoá chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%.
 
Ngay từ khi thiết kế dự án lọc hóa dầu khổng lồ này thì nguồn nước sạch phục vụ cho dự án sát biển luôn là yêu cầu hàng đầu mà các nhà đầu tư đặt ra. Nhà máy sẽ không thể vận hành nếu thiếu nước sạch đảm bảo các thông số kỹ thuật cho đầu ra của dầu đạt đủ các tiêu chuẩn quốc tế.
 
Chính vì thế, theo thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ Việt Nam (GGU), Chính phủ cam kết cấp nước đã qua xử lý cho dự án trong giai đoạn xây dựng 15.000m3/ngày đêm và 30.000m3/ngày đêm khi dự án đi vào hoạt động. Nếu không thực hiện được cam kết đó, phía Việt Nam sẽ phải chịu phạt tới 24,5 triệu USD/ngày cho các tổn thất thương mại, kỹ thuật, nhân lực liên quan đến việc dừng hoạt động nhà máy.
 
Để đáp ứng yêu cầu này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã dùng vốn của địa phương đầu tư dự án cấp nước thô giai đoạn I từ hồ Yên Mỹ và hồ Đồng Chùa với công suất 30.000m3/ngày đêm. Dự án này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đảm bảo cấp nước cho khu kinh tế Nghi Sơn cũng như công tác xây dựng nhà máy lọc dầu.
 
Thế nhưng, đó lại là nhà máy duy nhất ở khu kinh tế rộng lớn Nghi Sơn – nơi có hàng loạt dự án tỷ USD đang cập bến. Vì thế, nguồn cung nước cho khu kinh tế bỗng trở nên căng thẳng khi dự án lọc dầu đang gần đến ngày về đích.
 
Ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Nhu cầu nước tại khu kinh tếNghi Sơn nói chung và dự án lọc dầu Nghi Sơn hết sức bức xúc. Bằng chứng là, liên tiếp từ 2015 đến nay, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ quan ngại về nguồn cung cấp và chất lượng nước của nhà máy này".
 
Trong văn bản ngày 17/5/2016, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nhắc lại cam kết của Chính phủ về nguồn nước cho dự án. Công ty này cho rằng nguồn cấp nước ngay cả cho việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng không đủ.
 
“Chúng tôi có thể xác nhận rằng hiện nay có một rủi ro nghiêm trọng là việc NSRP không được cấp đủ nước đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật yêu cầu và hiện chưa rõ đến khi nào và bằng cách nào vấn đề này mới có thể được khắc phục. Điều này gây ra mối đe dọa nguy hiểm trước mắt cho việc xây dựng, vận hành thử và hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và đòi hỏi phải có các hành động cấp bách và mạnh mẽ nhất để tránh các hậu quả nghiêm trọng từ việc chậm trễ hoặc không vận hành được nhà máy lọc dầu do thiếu nguồn cấp nước”, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn lo ngại.
 
Nếu chỉ có 1 nhà máy nước sạch tại Nghi Sơn, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn không thể yên tâm. Công ty này khẳng định việc chỉ có duy nhất một nhà máy nước sạch công suất 30.000m3/ngày đêm tại Khu kinh tế Nghi Sơn để cấp nước cho lọc dầu Nghi Sơn và 40 khách hàng khác luôn tiềm ẩn rủi ro cho việc cấp nước sạch 24/24 cho toàn bộ khu kinh tế.
 
“Nếu không đảm bảo được việc cấp nước cho dự án, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng và có thể dẫn đến việc đóng cửa nhà máy lọc dầu của NSRP do nhà máy không thể vận hành quá 2 ngày nếu không được cấp nước sạch. Việc này sẽ liên quan trách nhiệm trong cam kết của Chính phủ theo bản GGU là nộp phạt 24,5 triệu USD/ngày nếu như không đảm bảo cung cấp được nước sạch cho nhà máy, dẫn đến phải tạm dừng hoạt động.
 
Vì vậy, Thanh Hóa phải tập trung dồn sức triển khai mọi phương án để hạn chế rủi ro khi kịch bản mất nước do 1 nhà máy duy nhất xảy ra. Đây là điều mà không ai có thể nói trước, Thanh Hóa đặc biệt lo lắng vì làm việc với các đối tác nước ngoài, nhất là Nhật Bản, Kuwait không thể nói 2 chữ “thông cảm” mà họ bỏ qua được", ông Ngô Hoàng Kỳ chia sẻ.
 
Thanh[-]Hóa[-]căng[-]mình[-]lo[-]nước[-]sạch[-]cho[-]KKT[-]Nghi[-]Sơn
 
 

Thanh[-]Hóa[-]căng[-]mình[-]lo[-]nước[-]sạch[-]cho[-]KKT[-]Nghi[-]Sơn

 

Thanh[-]Hóa[-]căng[-]mình[-]lo[-]nước[-]sạch[-]cho[-]KKT[-]Nghi[-]Sơn 

Văn bản Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn lo ngại về việc cấp nước cho dự án lọc dầu.
 
Mới đây, ngày 17/2/2017, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục có văn bản gửi Bộ trưởng Công Thương, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để đốc thúc vấn đề sống còn của nhà máy là…nước sạch. Văn bản nêu rõ: “Khả năng không cung cấp đủ nước cho nhà máy vẫn rất cao. Nếu nhà máy lọc dầu phải dừng hoạt động do thiếu nước, NSRP sẽ bị tổn thất doanh thu trị giá khoảng 24,5 triệu USD/ngày. Vì đây là tổn thất do không thực hiện cam kết GGU gây ra nên Chính phủ Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm”.
 
“Thêm 2, 3 nhà máy nước nữa chúng tôi càng yên tâm”
 
Ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: “Việc các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước sạch vào khu kinh tế Nghi Sơn là điều chúng tôi khuyến khích vì khi có nhiều nhà máy thì sự cạnh tranh về chất lượng và giá cả sẽ xuất hiện và khách hàng trong khu kinh tế là người được hưởng lợi từ sự cạnh tranh đó. Nếu có thêm 2, 3 nhà máy nữa chúng tôi càng yên tâm không lo thiếu nước cho siêu dự án lọc dầu Nghi Sơn nói riêng và hàng chục dự án công nghiệp khác ở đây”.
 
Trước tình hình đó, tỉnh Thanh Hóa không thể ngồi yên chờ nước sạch. Việc nâng công suất nhà máy nước duy nhất ở Nghi Sơn lên 90.000m3/ngày đêm là việc không thể trì hoãn. Theo đó, Công ty Bình Minh đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép khởi công giai đoạn 2 nâng công suất nhà máy nước lên 90.000m3/ngày đêm. Nhưng sau đó, dự án này lại được Bình Minh triển khai rất chậm, đe dọa đến tiến độ và cam kết cung cấp nước sạch cho lọc hóa dầu Nghi Sơn.
 
Ông Ngô Hoàng Kỳ cho biết: “Nếu UBND tỉnh đứng ra vay vốn của ADB thì không thể kịp do tiến độ phê duyệt khoản vay rất nhiều thủ tục, không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước trước 1/4/2017 của nhà máy lọc dầu. Nếu vay vốn từ ADB, nhanh nhất phải tháng quý 3 năm 2017 thì khoản vay mới được phê duyệt, sau đó là việc triển khai xây dựng nhà máy và đi đường ống dẫn như đã nêu trên thì việc chậm tiến độ, không đáp ứng được cam kết và chịu mức phạt “khủng” 24,5 triệu USD/ngày, trung bình 1 giờ 1 triệu USD, hậu quả rất lớn không chỉ về tài chính mà còn là hình ảnh uy tín của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư lớn của thế giới, nhất là Nhật Bản”.
 
Trước tình thế “dầu sôi - lửa bỏng” ấy, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định không vay ADB. Thay vào đó là việc kêu gọi nội lực từ các nhà đầu tư trong nước để đầu tư xây dựng nhà máy nước thứ 2 này. Số tiền dự kiến đầu tư xây nhà máy nước và kéo ống nước từ hồ Sông Mực về Nghi Sơn là 1100 tỷ đồng.
 
Nhiều nhà đầu tư đã đồng ý tham gia, nhưng khi tiếp cận dự án với khối lượng công việc khổng lồ, thời gian thi công quá ngắn và hoàn vốn quá lâu nên đã xin rút với lý do chủ yếu là: “thiếu kinh nghiệm lĩnh vực này”. Sau nhiều lần vận động, phân tích, thuyết phục các nhà đầu tư thì chỉ còn liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – Công ty cổ phần và Công ty TNHH MTV Sông Chu đồng ý tham gia xây dựng dự án cấp nước sạch cho khu kinh tế Nghi Sơn.
 
“Đây là một quyết định vô cùng khó khăn, tập thể HĐQT chúng tôi đã bàn bạc thảo luận nhiều vòng, có nhiều ý kiến nêu quan điểm không nên đầu tư vào nhà máy nước vì hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng vì uy tín của Thanh Hóa trước các nhà đầu tư nước ngoài, vì lợi ích quốc gia, chúng tôi đã nhận lời thực hiện dự án”, đại diện Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát nêu rõ.
 
Theo đó, liên danh Anh Phát – Sông Chu sẽ sử dụng nguồn vốn của mình để triển khai ngay nhà máy nước thứ 2 tại Nghi Sơn. Khối lượng công việc rất lớn, phải xây dựng tuyến đường ống có đường kính 1200mm, có chiều dài khoảng 49 km qua nhiều địa bàn phức tạp thông qua 4 trạm hút công suất lớn để vận chuyển 90.000m3 nước thô mỗi ngày từ hồ Sông Mực về hồ Yên Mỹ, sau đó về hồ Quế Sơn (60.000m3/ngày đêm) và một nhánh chia vào hồ Đồng Chùa (30.000 m3/ngày đêm). Trong đó, có chia 30.000m3 cho nhà máy của Công ty Bình Minh. Nhà máy nước của Bình Minh và liên danh Anh Phát – Sông Chu mới cách nhau khoảng 7 km.
 
Dự án đã khởi công từ đầu năm 2016 và đến nay tiến độ dự án đã hoàn thành được 90% và chắc chắn sẽ hoàn thành trước thời điểm 1/4/2017 để cung cấp nước sạch cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn, qua đó thực hiện đúng cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư quốc tế về cung cấp nước sạch. Sản phẩm của nước đầu ra của Nhà máy nước An Phát - Sông Chu đạt chất lượng nước A1 - có thể uống được tại vòi.
 
Trong quá trình triển khai dự án này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung vào quy hoạch nhà máy nước thứ 2 này tại khu kinh tế Nghi Sơn để đáp ứng được cam kết giữa Chính phủ và các nhà đầu tư quốc tế.
 
Người phát ngôn của UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Hoàng Kỳ cũng khẳng định không có chuyện xây dựng nhà máy nước thứ 2 thì nhà máy nước thứ nhất sẽ bị ảnh hưởng. Bởi nhu cầu nước cho các dự án trong Nghi Sơn, nhất là khi khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng cho điều chỉnh mở rộng, là rất lớn. Việc cung không đáp ứng được cầu theo quy luật kinh tế thì việc đầu ra của các nhà máy nước tại Nghi Sơn là không có gì phải lo ngại nếu sản phẩm đảm bảo công suất và chất lượng.

 

Lương Bằng/Vietnamnet
  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.