16,7% công trình cấp nước nông thôn tập trung hoạt động kém hiệu quả
- Cập nhật: Thứ bảy, 6/5/2017 | 11:11:22 Sáng
(Capthoatnuocvietnam.vn)- Sáng 5/5, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo Xây dựng định hướng cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình có sự tham gia của đại diện 51 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, cùng nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng phát biểu tại hội nghị
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tính đến hết năm 2016, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 87,5%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 49% cư dân nông thôn được tiếp cận nước sạch theo Quy chuẩn QC 02/BYT của Bộ Y tế. Hiện, mới chỉ có 4 địa phương có tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sach nông thôn đạt 100% gồm: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Hà Nội, tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%; tuy nhiên, mới chỉ khoảng 41% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch theo QC 02/BYT.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch chưa đạt mục tiêu mong muốn là do hiệu quả hoạt động chưa cao của các công trình cấp nước tập trung. Thống kê của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, trong tổng số 16.342 công trình cấp nước tập trung hiện nay, chỉ có 33,5% số công trình hoạt động bền vững. 37,8% số công trình hoạt động ở mức trung bình. Đặc biệt, có tới 16,7% số công trình hoạt động kém hiệu quả và 12% số công trình hiện đang ngừng hoạt động. Đứng đầu trong số các vùng miền có số lượng công trình hoạt động kém hiệu quả là Bắc Trung Bộ (29,7%), tiếp đến là Nam Trung Bộ (28%), Miền núi phía Bắc (19,6%), Đông Nam Bộ (17,2%)…
Toàn cảnh Hội nghị
Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, trong đó, có 55% được tiếp cận nước sạch theo QC 02/BYT, Tổng cục Thủy lợi đã đề ra 7 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, cơ chế chính sách. Tăng cường đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động cấp nước các các công trình. Để thực hiện được mục tiêu cấp nước sạch nêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, xây dựng Luật Nước sạch (do Bộ Xây dựng chủ trì). Xây dựng Nghị định về quản lý, khai thác và vận hành các công trình cấp nước (do Bộ NN&PTNT chủ trì). Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn từ Chương trình Nước sạch và vệ sinh nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trọ cho 21 tỉnh, TP trong giai đoạn 2016 - 2018 và những năm tiếp theo. Ông Thắng cũng cho biết, về phía Bộ NN&PTNT, thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Quyết định số 62 của Thủ tương Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung Chiến lược cấp nước nông thôn giai đoạn 2016 - 2020.
(Trọng Tùng/KTĐT)
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.