Chưa điều chỉnh giá nước sinh hoạt nông thôn tại Diễn Châu, Yên Thành và Hưng Nguyên
- Cập nhật: Thứ ba, 27/2/2018 | 3:12:55 Chiều
(tapchicapthoatnuoc.vn)- Đó là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường về dự thảo quy định giá tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn tại 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Hưng Nguyên tại phiên họp UBND tỉnh sáng 23/2.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hơn 500 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cung cấp cho hơn 79.163 hộ dân, đang hoạt động với tổng công suất thiết kế là 52.715 m3/ngày đêm tại 16 huyện. Trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh là đơn vị sự nghiệp có thu, đang được giao tổ chức, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng một số trạm cấp nước sinh hoạt tập trung tại 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên.
Theo dự thảo, Quy định giá tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành và khai thác tại 3 địa phương trên là 6.600 đồng/m3.
Mức giá trên đây đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng là 52 đồng/m3 nhưng chưa bao gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt theo quy định. Chi phí nước thô đầu vào được cơ cấu trong giá tiêu thụ sản phẩm nước sạch nêu trên là 900 đồng/m3.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại, nguyên tắc tính đúng tính đủ các chi phí đầu vào: Giá nước thô (có thay đổi khá lớn, từ 600 đồng/m3 nay theo Nghị định 67 giá nước thô tăng lên 900 đồng/m3); ngoài ra còn có các chi phí khác. Giá này là hợp lý và nằm trong giá quy định của Bộ Tài chính (từ 2.000-11.000 đồng/m3) và thấp hơn các địa phương khác. Với mức giá này thì ngân sách cũng sẽ giảm phần bù lỗ cho các công ty thủy nông.
Tuy nhiên, ý kiến nhiều sở ngành: Công Thương, Xây dựng, Công an tỉnh… cho rằng: trên địa bàn tỉnh có 500 công trình nước sạch nông thôn nhưng dự thảo chỉ đề cập giải quyết về mức giá nước sạch cho 1 đơn vị là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, tại 3 huyện Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên là không hợp lý.
Cho rằng Trung tâm này chưa đại diện hết cho các khu vực khác, đồng chí Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KH&CN phân tích: Hiện nay các huyện đều đã có nhà máy nước nhưng đều chưa có quy định giá. Ở nông thôn đường nhánh rất dài, đầu tư lớn, hao hụt lớn cần khảo sát kỹ, không nên chỉ tính riêng cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Do đó, cần ban hành khung cho các nhà máy trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó nhà máy thỏa thuận với dân theo khung quy định.
Không đồng ý thông qua dự thảo, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Chỉ nên làm khung, làm tổng thể cho vùng nông thôn chứ không dừng lại ở việc chỉ làm cho từng doanh nghiệp. Không nên chạy theo doanh nghiệp trong vấn đề quy định giá nước sạch.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho rằng việc quy định giá nước cho vùng nông thôn là quan trọng tiến tới xã hội hóa đầu tư công trình nước sạch đảm bảo quyền lợi cho 3 bên: người dân, nhà đầu tư và Nhà nước. Tuy nhiên dự thảo mới chỉ quy định cho khu vực nông thôn của 1 đơn vị quản lý là chưa hợp lý. Do đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu, có công văn yêu cầu các đơn vị cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh xây dựng giá nước sạch trình UBND tỉnh trong kỳ họp tháng 6 tới.
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.